Con dấu và câu chuyện tư duy quản lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp chọn chữ ký

52% doanh nghiệp tham gia khảo sát ý kiến của Báo Đầu tư điện tử (baodautu.vn) đề nghị bỏ hẳn con dấu, thay bằng chữ ký. 32% cho rằng, để doanh nghiệp chủ động khắc dấu và thông báo tới cơ quan chức năng. Chỉ có 16% doanh nghiệp đề nghị giữ nguyên như hiện tại để tránh rắc rối.

Tỷ lệ áp đảo ý kiến đề nghị bỏ con dấu của doanh nghiệp trong khảo sát trên baodautu.vn (tính đến ngày 7/10) không phải là xu hướng lạ. Trên thế giới, chỉ còn 7 nước còn dùng con dấu, trong khi số quốc gia/nền kinh tế không sử dụng con dấu là 171. Việc xác định giá trị pháp lý văn bản giao dịch của doanh nghiệp của các nước này căn cứ vào chữ ký của các bên giao dịch. Hiện nay, chữ ký số cũng đã được sử dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư liên quan đến vấn đề này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư U&I (Bình Dương) lý giải việc đồng tình với đề nghị bỏ con dấu vì “việc này hầu hết các nước đã thực hiện từ lâu. Chữ ký mới quan trọng, chứ không phải là con dấu”.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cũng cho rằng, đây là xu hướng khó cưỡng. “Có thể thời gian đầu, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chưa quen, sẽ phải đổi mặt với những rủi ro do thay đổi quy định, thói quen sử dụng dấu làm tin. Nhưng đây là thay đổi cần thực hiện ngay, cũng để doanh nghiệp học cách tìm hiểu đối tác theo thông lệ quốc tế, thay vì nhìn dấu để tin”, ông Hoàng nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho biết, việc bỏ con dấu sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều chi phí mỗi năm. Bởi, theo quy định pháp lý hiện hành, hình thức, kích thước, nội dung của con dấu, màu mực dấu, tên quận, (huyện), tỉnh mà doanh nghiệp đóng trụ sở cũng phải được ghi trên con dấu. Chỉ cần có một thay đổi rất nhỏ như chuyển trụ sở sang quận (huyện) khác, doanh nghiệp buộc phải thay con dấu.

Đó là chưa kể đến những trường hợp doanh nghiệp tê liệt hoạt động khi có tranh chấp nội bộ, một nhóm người đã “chiếm đoạt con dấu”, như đã từng xảy ra tại Công ty cổ phần Đay Sài Gòn, Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội, Đại học Hùng Vương, Công ty Cung ứng tàu biển Hải Phòng…

Nhà nước muốn lộ trình

Cũng phải nói thêm, cuộc khảo sát của baodautu.vn được thực hiện sau khi Thông báo số 370/TB-VPCP thông báo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.

Ngay sau khi Thông báo này được đưa ra, Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã bổ sung quy định hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đồng thời, Dự thảo cũng xác định trách nhiệm quản lý và sử dụng, lưu trữ con dấu thuộc về người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, quy định về bỏ con dấu sẽ chưa được tính tới. Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi đủ điều kiện thích hợp.

Lý do được đưa ra là vì “với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật nước ta, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về doanh nghiệp phải có con dấu riêng”, báo cáo ghi rõ.

Mặc dù vậy, quy định về con dấu của doanh nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, theo đó, con dấu là tài sản của doanh nghiệp, do vậy, bỏ quy định về cấp con dấu cho doanh nghiệp và để doanh nghiệp tự quyết định về hình thức và nội dung con dấu cũng được nhiều doanh nghiệp ủng hộ. Nhất là quy định con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Thậm chí, trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu, thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu, mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch.

Đây là điểm rất mới so với hiện tại. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

“Ngay cả với việc vẫn sử dụng con dấu, nhưng cho phép doanh nghiệp đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh, thì doanh nghiệp cũng sẽ giảm bớt nhiều chi phí và thủ tục. Ngoài ra, quy định mới cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các cơ sở khắc dấu. Điều này doanh nghiệp sẽ được lợi kép”, ông Mai Hữu Tín phân tích.

Khánh An
Nguồn: http://baodautu.vn/chon-con-dau-hay-chu-ky.html