Đã là đại biểu Quốc hội thì phải luôn sửa mình 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Rời nghị trường đã 13 năm sau 31 năm (6 nhiệm kỳ liên tiếp, khóa VI, VII, VIII, IX, X và XI) gắn bó với hoạt động của Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội NGUYỄN THỊ HOÀI THU vẫn nhớ như in kỷ niệm về những năm tháng gắn bó với sự nghiệp dân cử. Đặc biệt, cảm xúc lần đầu tiên khi được bầu chọn làm người đại biểu của nhân dân vẫn luôn vẹn nguyên, sống động.
<img alt="" src="” width=”850px” />
Chủ tịch Quốc hội Khóa IX, X Nông Đức Mạnh với nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu và các đại biểu dự Gặp mặt kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội Khóa I ngày 4.1.2001
Ảnh: TL

Ảnh: Thanh Chi

Thời chúng tôi, từng thành viên các Ủy ban của Quốc hội đều do Quốc hội  biểu quyết bầu, không như bây giờ Quốc hội chỉ bầu người đứng đầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban do Quốc hội. Tôi may mắn được Quốc hội khóa VII bầu làm thành viên Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng; khóa VIII và khóa IX làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế – Xã hội, nay là Ủy ban về các vấn đề Xã hội; khóa X làm Ủy viên Thường vụ phụ trách công tác dân nguyện; khóa XI làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội. Tôi luôn tâm niệm, được bầu vào những vị trí đó không chỉ do sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, vì một mình mình thì không làm được gì cả, mà đó còn nhờ có sự tin yêu của cử tri, sự tín nhiệm của Quốc hội dành cho mình. Cho nên, lúc nào tôi cũng phải cố gắng, để có thể hoàn thành tốt nhất trách nhiệm được giao.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu

Những năm tháng không thể nào quên

– Với 6 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, điều gì đáng nhớ nhất đối với bà khi nghĩ về những năm tháng hoạt động dân cử?

– Mặc dù rời ghế nghị trường đã 13 năm rồi, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình không còn là người đại biểu của nhân dân. Sau hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp dân cử, thời gian làm việc tại Quốc hội, tham dự các kỳ họp tại Hội trường Ba Đình, nay là Nhà Quốc hội là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời tôi. 

Trong 6 nhiệm kỳ công tác tại Quốc hội, điều tôi nhớ nhất, ấn tượng nhất và rất tự hào mỗi khi hồi tưởng đó là sự tin tưởng, tín nhiệm cử tri dành cho tôi. Trong cả 6 lần ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi chỉ ứng cử ở một địa bàn là Tiền Giang (chỉ thay đổi đơn vị bầu cử số 1 và số 2). Tiền Giang là nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi, nơi tôi từng hoạt động từ năm 18 tuổi sau khi rời ghế nhà trường đến khi về hoạt động chuyên trách tại Quốc hội (năm 1994). Tôi có nhiều năm sống và gắn bó với bà con nông dân Nam Bộ trong thời gian thoát ly từ năm 1961 – 1975, sau đó khi công tác ở đô thị, tôi cũng sống và hoạt động với bà con nông dân. Đó là những năm tháng vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng luôn được sự chở che, đùm bọc của nhân dân. Khi ra mắt hoặc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri là bà con nông dân Nam Bộ từng cho tôi ở nhờ nhìn thấy tôi, họ rất vô tư, tình cảm: “Ơ cô này hồi đó có đóng ở nhà tui nè!”. Tôi luôn trân trọng tình cảm, sự yêu mến mà bà con cử tri dành cho mình. Trong suốt 6 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, tôi tự hào vì luôn nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri nơi đây, đồng thời luôn ghi nhớ, đại biểu Quốc hội không những đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi đã bầu ra mình mà còn là đại biểu của cử tri cả nước.

– 6 lần liên tiếp được bầu làm đại biểu Quốc hội, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất phải là cảm xúc lần đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội…, thưa bà?

– Khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VI, tôi là một trong những đại biểu trẻ nhất, mới 33 tuổi, đang là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang. Thú thực là khi đó, tôi không rõ đại biểu Quốc hội là ai, làm gì… Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc khi ngồi trên ô tô để ra mắt cử tri, mắt lúc nào cũng đỏ hoe vì quá xúc động. Lúc đó tôi nghĩ tới ba tôi đi kháng chiến từ năm 1945, má tôi cũng đi kháng chiến và đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, rồi bao nhiêu bạn bè, đồng chí, nhân dân đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc mà không được tận hưởng niềm vinh dự trở thành đại biểu Quốc hội như tôi bây giờ. Tôi nghĩ tới những người đã nuôi giấu mình suốt thời gian hoạt động bí mật, và đến lúc khi về ra mắt, họ mới biết tôi làm việc gì. Bà con nhân dân mình là vậy, họ nuôi mình mà không cần biết mình là ai, chỉ nghe nói mình đi làm cách mạng là họ một lòng một dạ nuôi giấu, che trở. Chính những tình cảm đó đã thôi thúc và luôn nhắc nhở tôi rằng, phải trở thành người đại biểu Quốc hội có trách nhiệm, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng mà cử tri và nhân dân đã gửi gắm.

Trở thành đại biểu của nhân dân, nhưng khi ra thủ đô Hà Nội tham dự Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham dự họp Quốc hội, gặp các đại biểu Quốc hội cùng khóa, như các “bác” Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… – những nhà lãnh đạo tiền bối tôi được nghe tên rất nhiều từ khi còn nhỏ tuổi và trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Rất xúc động!

Trúng cử đại biểu Quốc hội khi còn khá trẻ, khó khăn lớn nhất bà gặp phải khi đảm nhận trọng trách này là gì…?

– Khi mới bắt đầu hoạt động tại cơ quan dân cử, nói như bà con Nam Bộ là tôi chưa biết gì “hết trơn hết trọi”, chỉ có tấm lòng nhiệt huyết. Mặc dù làm công tác thanh niên, đã quen nói chuyện, diễn thuyết trước đám đông, nhưng đến khi đứng trước cử tri, tôi vẫn không khỏi cảm thấy lo lắng, áp lực. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của tôi khi trở thành đại biểu đó là không phải để được ra thủ đô Hà Nội, được “ăn ngon mặc đẹp”, mà làm thế nào để hoàn thành trọng trách đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đây là điều tôi luôn suy nghĩ, trăn trở trong suốt 31 năm gắn bó với nghiệp dân cử.

“Đi – Nói – Viết và luôn sửa mình”

– Năm nay, cùng với sự kiện trọng đại là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta sẽ tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Bà kỳ vọng gì vào thế hệ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới?

– Tôi kỳ vọng vào một nhiệm kỳ Quốc hội mới với những đại biểu có chất lượng cao, trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo và hành động để có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước.

Để trở thành đại biểu Quốc hội, các ứng cử viên đều phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo luật định. Tuy nhiên, còn một tiêu chuẩn khó đo đếm nhưng rất quan trọng đối với đại biểu dân cử đó là sự tâm huyết.

– Nếu không đo đếm được thì nên nhìn nhận “tiêu chuẩn” tâm huyết ở góc độ nào cho chuẩn xác, thưa bà?

– Tâm huyết của đại biểu Quốc hội thể hiện ở nhiều khía cạnh. Nếu tâm huyết, thì chắc chắn người đại biểu đó phải luôn tập trung suy nghĩ, đầu tư nghiên cứu sâu những vấn đề Quốc hội đang bàn, chắt lọc và phát biểu vì lợi ích chung, không chỉ nghĩ cho lợi ích của ngành mình, địa phương mình…

– Từ kinh nghiệm của cá nhân, để trở thành người đại biểu của nhân dân, theo bà, cần những yếu tố gì?

– Theo tôi, khi đã được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội thì phải luôn có đủ 3 “động từ”: Đi – Nói – Viết. Làm đại biểu Quốc hội mà cứ loanh quanh với “bốn chân bàn, bốn chân ghế, bốn bức tường” phòng họp với máy điều hòa mát lạnh thì có lẽ không nên làm đại biểu, nếu có được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội thì cũng nên từ chối. Vì rằng, làm đại biểu Quốc hội mà “không đi, không nói, không viết” thì nên nhường “ghế” đó cho người khác. Tôi nhớ anh Tráng A Pao (nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – PV) từng nói rằng, đồng bào dân tộc miền núi ở Lào Cai nói “cán bộ ngày xưa đi bằng chân, còn bây giờ cán bộ đi bằng ô tô”. Câu nói rất mộc mạc, nhưng lại khiến tôi thấm thía đến tận bây giờ. Nó nhắc nhở mình rằng, đã là đại biểu Quốc hội thì phải luôn biết sửa mình, sao cho xứng với niềm tin và kỳ vọng của những người đã tin tưởng bỏ phiếu bầu chọn mình tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. 

– Xin cảm ơn bà!