Đẩy mạnh cải cách thể chế 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh)

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã cho thấy những thành tựu của quá trình phát triển kinh tế – xã hội 10 năm qua, theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; đồng thời, có những định hướng phát triển đất nước với các mục tiêu cụ thể cho các năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045.

Cơ sở và định hướng phát triển

Những chỉ tiêu chủ yếu về tăng trưởng kinh tế được nhận diện và đánh giá rất đầy đủ. Trong giai đoạn 2016 – 2020, mặc dù năm cuối nhiệm kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân vẫn đạt khoảng 5,9%/năm. Nếu không có dịch Covid-19 thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng tương tự các năm 2017, 2018, 2019 là khoảng 6,5 – 7%… Trên nền tảng phát triển như vậy, dự thảo Báo cáo chính trị đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng bình quân cho giai đoạn 2021 – 2025 từ 6,5 – 7% là hoàn toàn phù hợp. Về thu nhập bình quân đầu người, năm 2010 chúng ta đạt khoảng 1.300 USD/người/năm, tới năm 2020 là 2.750 USD. Vì vậy, năm 2025 chúng ta đặt chỉ tiêu ở mức khoảng 4.700 – 5.000 USD là phù hợp.

<img alt="" src="” width=”850px” />
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh)
Ảnh: Quang Khánh

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chúng ta đang đi đúng hướng. 10 năm qua, khu vực nông nghiệp giảm từ 19% xuống còn khoảng trên 14%. Công nghiệp – xây dựng – dịch vụ tăng từ 80 – 85%. Xu hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp – xây dựng – dịch vụ đang diễn ra tốt; song song với đó là quá trình chuyển dịch đầu tư, nguồn vốn của Nhà nước theo hướng giảm dần. Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước bao gồm kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài có tỷ trọng tăng dần, tức là chúng ta đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư bên ngoài. Chuyển dịch lao động tương ứng với chuyển dịch kinh tế cũng có chiều hướng tích cực. Chuyển dịch lao động trong khu vực nông nghiệp giảm từ 44% năm 2015 xuống còn 34% năm 2020.

Từ chuyển dịch lao động, đầu tư và cơ cấu kinh tế, có thể thấy mô hình tăng trưởng đang chuyển dịch theo hướng tăng dần các khu vực tạo ra hàm lượng gia tăng cao, có chất lượng cao theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Cho nên, khi nền kinh tế dịch chuyển theo hướng như vậy thì năng suất lao động cũng có chiều hướng tăng theo. Năng suất lao động giai đoạn 2016 – 2020 tăng bình quân 5,8%/năm, trong khi đó, giai đoạn 2011 – 2015 chỉ tăng 4,3%. Nếu chúng ta tính các chỉ tiêu khác liên quan tới chất lượng tăng trưởng, ví dụ, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011 – 2015 chỉ trên 33% một chút, thì giai đoạn 2016 – 2020 tăng lên 45%. Hay, hệ số gia tăng của vốn đầu tư toàn xã hội so với tăng trưởng kinh tế (ICOR), nếu không xét năm 2020 thì chỉ số này trong giai đoạn 2016 – 2019 là 6,1, trong khi giai đoạn 2011 – 2015 là 6,3. ICOR giảm tức là chất lượng đầu tư được cải thiện. Đó là đánh giá quá trình phát triển kinh tế – xã hội theo kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm. Từ đó, dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra những phương hướng sắp tới theo các giai đoạn, tới năm 2025 chúng ta phải thoát ra khỏi nước thu nhập trung bình thấp, tới năm 2030 là nước thu nhập trung bình và tới năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Đó là định hướng, tầm nhìn và khát vọng để đạt được những mục tiêu đó.

Đột phá là môi trường đầu tư

Nhìn lại quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, mặc dù chúng ta đã thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng) nhưng diễn ra chậm. Trong khâu đột phá về cải cách hành chính, hiện nay, nếu so với bình quân của các nước trong khu vực, thời gian xử lý dịch vụ công về hải quan, thuế, dịch vụ hành chính liên quan tới người dân về đất đai, xây dựng… của ta còn rất chậm và mất nhiều thời gian. Vì vậy, tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của chúng ta còn thấp so với khu vực, chưa kể những nước phát triển. Trong dự thảo Báo cáo chính trị cần nhìn nhận và đánh giá rõ hơn việc thực hiện 3 đột phá chiến lược này, vì nó có ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về mặt thể chế, cần nhấn mạnh và phải có những giải pháp đột phá hơn nhằm rút ngắn thời gian hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Về đầu tư, chúng ta thấy hiệu quả đầu tư được cải thiện, chất lượng đầu tư cũng tăng nhưng tăng rất chậm, chứng tỏ nguồn lực đầu tư của chúng ta còn dàn trải. Mặc dù 1 – 2 năm gần đây, chúng ta đã chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung nguồn lực vào những khu vực, ngành, vùng mang tính động lực, tuy nhiên chưa thực sự tạo động lực phát triển chung, tạo sức lan tỏa chung. Chúng ta cần có những giải pháp đột phá hơn. Thực ra, nguồn lực nhà nước chỉ là vốn “mồi”. Nguồn lực chính là chúng ta tạo ra môi trường đủ hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư lớn vào những vùng động lực. Đó là cơ sở để bứt phá trong phát triển nhằm đạt được những mục tiêu tăng trưởng phát triển tới năm 2025, 2030 và 2045.

Về động lực tăng trưởng, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi nhất, thu hút những nhà đầu tư, tạo nguồn lực hạ tầng “cứng”, “mềm” đủ. Ví dụ như kinh tế số, Chính phủ số, Chính phủ điện tử, chúng ta cũng đã có những khái niệm và có sự chuẩn bị, đầu tư để cải thiện dịch vụ công. Tuy nhiên, chúng ta cũng mới bắt đầu, việc thực hiện cải cách liên quan tới nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công còn nhiều việc phải làm. Cho nên, đột phá trong chiến lược sắp tới chính là môi trường đầu tư để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lớn, tập trung vào những vùng động lực, tạo sự phát triển lan tỏa – là khâu cần chú ý để có thể đạt được những mục tiêu đề ra. Ngoài những khâu đột phá đó, cần có sự ổn định trong công tác chỉ đạo, điều hành chính sách về tiền tệ, chính sách tài khóa để bảo đảm tính ổn định chung của nền kinh tế.