Để dự báo tác động điều chỉnh của quy phạm pháp luật không hình thức
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thông lệ quốc tế, việc đánh giá tác động kinh tế – xã hội của một dự án luật chính là một công cụ phân tích chính sách quan trọng thông qua việc cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản làm rõ vấn đề mà dự án luật cần phải giải quyết, nguyên nhân của vấn đề, các giải pháp để giải quyết vấn đề, dự báo tác động của từng phương án và lý do chọn lựa phương án tối ưu. Vì thế, việc tiến hành thủ tục đánh giá tác động kinh tế – xã hội là một kênh quan trọng để cơ quan chủ trì soạn thảo có thể thu thập, tìm kiếm thêm các bằng chứng thực tiễn, xây dựng các lập luận cần thiết để đề xuất phương án chính sách giải quyết vấn đề mà dự án văn bản có trách nhiệm phải giải quyết. Nếu được tiến hành một cách bài bản, đúng quy trình, báo cáo đánh giá tác động kinh tế – xã hội sẽ trở thành văn kiện quan trọng phục vụ cho việc thuyết phục các đối tượng có liên quan, các cơ quan có thẩm quyền về nội dung của dự thảo văn bản. 

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, các dự án luật đều phải làm thủ tục đánh giá tác động kinh tế – xã hội và đều phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động (báo cáo RIA). Báo cáo RIA này là tài liệu buộc phải có trong hồ sơ cơ quan chủ trì soạn thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định, gửi Chính phủ xem xét, cho ý kiến và khi trình QH bản dự thảo luật. 
 
Để có góc nhìn sâu về báo cáo RIA, nhóm nghiên cứu thực trạng hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay (thành phần của nhóm nghiên cứu là các chuyên gia đến từ Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Viện Khoa học pháp lý, Học viện Khoa học xã hội, Viện Kinh tế và pháp luật ASEAN và các chuyên gia đến từ một số trường Đại học…) đã tập trung vào 4 dự án luật. Đó là, Luật Thuế bảo vệ Môi trường năm 2010, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đây là những đạo luật có tính đại diện cho một số lĩnh vực pháp luật nhất định và được ban hành sau thời điểm Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 có hiệu lực. Vì vậy, các văn bản luật này phải tuân thủ các quy trình xây dựng luật quy định trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2008.
 
Đánh giá về RIA hiện nay trong quy trình xây dựng văn bản luật, đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, TS Nguyễn Văn Cương cho biết, từ kết quả nghiên cứu hồ sơ xây dựng dự án luật và phỏng vấn các chuyên gia có tham gia vào quá trình xây dựng, báo cáo RIA thường được xây dựng như là một công cụ để minh họa cho phương án đã được thể hiện trong dự thảo hơn là công cụ để giúp cơ quan chủ trì soạn thảo tìm ra chính sách phù hợp. Ông Cương cũng chia sẻ rằng, không ít trường hợp, báo cáo RIA được xây dựng khá muộn, sau khi nội dung dự thảo gửi lấy ý kiến các bộ, ngành hoặc lấy ý kiến công chúng đã được hình thành. Và đôi khi báo cáo RIA được xem như là một thủ tục bắt buộc phải có để cơ quan chủ trì soạn thảo bảo đảm tuân thủ đúng yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL hơn là công cụ hữu hiệu để cơ quan chủ trì soạn thảo tìm ra phương án chính sách tối ưu. Thậm chí, có chuyên gia được phỏng vấn cũng cho rằng, nội dung báo cáo RIA đôi khi được “đẽo gọt” cho phù hợp với các bản dự thảo. 
 
Bên cạnh đó, một số chính sách chưa được đánh giá và phân tích thấu đáo trong báo cáo RIA, các lập luận, phân tích phương án giải quyết vấn đề chưa đủ sâu, chưa nêu được đầy đủ các phương án khác nhau có khả năng giải quyết vấn đề cũng như chưa phân tích được đầy đủ các tác động tích cực và tiêu cực của mỗi phương án đến các đối tượng chịu sự ảnh hưởng. Kết luận lựa chọn chính sách đôi khi chưa thuyết phục do chưa dựa trên cơ sở so sánh chi phí – lợi ích với những thông tin, số liệu minh bạch. Chính điều này đã dẫn tới việc nhiều khi phương án lựa chọn chính sách chưa thực sự thuyết phục và thực tế cơ quan chủ trì soạn thảo khá “vất vả” khi muốn bảo vệ phương án mà mình theo đuổi. 
 
Thực tế cũng cho thấy, khi thực hiện các quy định về xây dựng báo cáo RIA cũng cho thấy các cơ quan chủ trì soạn thảo gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thông tin, số liệu thống kê mang tính khách quan, khoa học và hệ thống để phục vụ việc xây dựng báo cáo RIA.  Có ý kiến cho rằng, báo cáo RIA hiện nay đôi khi còn hình thức vì cho tới nay, pháp luật chưa có quy định về cơ chế hoặc cơ quan có trách nhiệm kiểm soát chất lượng của báo cáo RIA trong các hồ sơ xây dựng luật. Chính điều này có thể làm cho cơ quan chủ trì soạn thảo giảm động lực đầu tư nguồn lực xây dựng báo cáo RIA đạt chất lượng, và không ít trường hợp báo cáo RIA xuất hiện như là một thủ tục mang tính hình thức. 
 
Cần phải khẳng định rằng, việc quy định phải làm báo cáo RIA để lập luận, phân tích hiệu quả kinh tế – xã hội đối với mỗi phương án và đề xuất các phương án chính sách trong dự án luật là rất cần thiết và có ý nghĩa. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, cần phải có quy định cụ thể hơn về quy trình này. Cụ thể như thời điểm phải thực hiện RIA, mẫu báo cáo RIA, chủ thể thực hiện RIA. Đặc biệt, cần có cơ quan, tổ chức độc lập thực hiện RIA và phải được thực hiện trước khi bắt tay vào soạn thảo. Có như vậy, mới tách bạch được hoạt động hoạch định chính sách pháp lý và hoạt động quy phạm hóa chính sách.  

Hà An
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân