Đề xuất quy định mới về bảo lãnh ngân hàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định sau: Tổ chức tín dụng chỉ được bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú. Việc bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú (trừ trường hợp khách hàng là tổ chức tín dụng ở nước ngoài) phải đáp ứng một trong những điều kiện sau: a- Khách hàng là doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2014 hoặc dưới hình thức đầu tư trực tiếp khác tại nước ngoài theo pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư; b- Khách hàng ký quỹ đủ 100% giá trị bảo lãnh; c- Bên nhận bảo lãnh là người cư trú.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được bảo lãnh bằng ngoại tệ cho khách hàng tổ chức là người không cư trú khi bên nhận bảo lãnh là người cư trú.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú phải tuân thủ các quy định sau: a- Được Ngân hàng Nhà nước cho phép hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước (đối với trường hợp bảo lãnh cho người không cư trú hoạt động kinh doanh tại Việt Nam) và hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế (đối với trường hợp bảo lãnh cho người không cư trú hoạt động kinh doanh tại nước ngoài); b- Tuân thủ quy định tại các Điều 126, Điều 127, Điều 128 và Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn thực hiện các quy định này của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm thực hiện bảo lãnh cho khách hàng; c- Có quy trình đánh giá, quản lý rủi ro tín dụng, trong đó có rủi ro trong bảo lãnh đối với người không cư trú.

Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản 2014 như sau:

Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai: a- Là ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động; b- Tại thời điểm thực hiện bảo lãnh không bị kiểm soát đặc biệt; c- Không trong giai đoạn bị sáp nhập theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

Ngân hàng thương mại được thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài.

Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai khi chủ đầu tư có đủ các điều kiện sau đây: a- Có đủ các điều kiện quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài); b- Nhà ở hình thành trong tương lai có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua theo quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản; c- Đánh giá chủ đầu tư có khả năng thực hiện đúng tiến độ dự án và sử dụng số tiền ứng trước, các khoản tiền khác của bên mua, bên thuê mua đã trả cho chủ đầu tư đúng mục đích (trừ trường hợp ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài).

Số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư được xác định bằng số tiền bên mua, bên thuê mua đã ứng trước cho chủ đầu tư trước khi nhà ở được bàn giao.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ