Đề xuất quy định về hội quần chúng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, các hội phát triển đa dạng và phong phú, có quy mô, phạm vi hoạt động, tên gọi, tính chất khác nhau. Về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội hiện nay còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh khác nhau như: Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Liên đoàn Luật sư Việt Nam được điều chỉnh theo Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 08/1998/NĐ-CP về ban hành Quy chế thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Bộ Nội vụ, hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hội trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc, không hợp lý. Cụ thể, quy định pháp luật hiện hành về hội chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh trong tổ chức, tạm đình chỉ, thu hồi con dấu… Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hội để nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội.

Theo Bộ Nội vụ, đến nay số biên chế đã giao cho hội có tính chất đặc thù là 6.771. Nếu tiếp tục thực hiện quy định về hội có tính chất đặc thù, số biên chế giao cho các hội có tính chất đặc thù là rất lớn, không phù hợp lộ trình tinh giản biên chế trong giai đoạn hiện nay, gây khó khăn đối với ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số quy định về chính sách đối với người làm việc tại hội, trong đó có chế độ thù lao, đã thấy bất cập, không hợp lý như: Đối tượng hưởng thù lao chỉ là người đã nghỉ hưu, gây bất bình đẳng, so bì với người không phải là người về hưu được tín nhiệm bầu giữ chức danh lãnh đạo hội.

Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn chỉ, mục đích phù hợp với quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, của cộng đồng; góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Bộ Nội vụ đã đề xuất dự án Luật về hội gồm 8 chương, 37 điều quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Quy định này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng.

Nhà nước tạo điều kiện cho hội hoạt động

Theo dự thảo, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm công dân, tổ chức Việt Nam có quyền lập hội, tham gia hội, ra khỏi hội theo quy định.

Nhà nước tạo điều kiện cho hội hoạt động và phát triển theo quy định của pháp luật. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ, tư vấn; thực hiện chương trình, dự án, đề tài và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hội được Nhà nước cấp, khoán, hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao (nếu có).

Nhà nước có chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, phân công sang làm việc tại hội.

Các hành vi bị nghiêm cấm

Theo dự thảo, cấm cản trở, ép buộc, can thiệp vào việc thành lập, tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật. Cấm thành lập, hoạt động trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức xã hội, xâm phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân.

Theo Báo Điện tử Chính phủ