Đơn ngành hay đa ngành?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong số 190 doanh nghiệp đấu giá tài sản hiện nay chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp đăng ký hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản; các doanh nghiệp còn lại kinh doanh đa ngành nghề, phần lớn có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém; có doanh nghiệp một năm chỉ tổ chức vài phiên đấu giá. Các doanh nghiệp này chỉ coi bán đấu giá tài sản là hoạt động bổ sung cho các lĩnh vực kinh doanh khác. Vì vậy để chuyên nghiệp hóa mạnh mẽ hoạt động bán đấu giá tài sản và phù hợp với thực tiễn, cần thiết quy định bổ sung điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Theo đó, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản chỉ cho phép doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực đấu giá, không được kinh doanh các ngành, nghề khác. 

Tuy nhiên, theo ông Tạ Quang Đãng – Giám đốc Công ty CP Đấu giá Sao Khuê, quy định này không phù hợp tinh thần của Luật Doanh nghiệp mới, cho phép doanh nghiệp được quyền tham gia kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Quy định của dự thảo vô hình trung đã “trói” doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi ngay cả ở Pháp, những công ty về bán đấu giá tự nguyện, vẫn có thể làm thêm lĩnh vực khác có liên quan tới bán đấu giá như cung cấp thêm dịch vụ vận chuyển tài sản. Hơn nữa, Nghị định 17/2010 cho phép doanh nghiệp bán đấu giá được kinh doanh ngành nghề khác, thành thử hiện nay có tới 80% doanh nghiệp đang hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Quy định đơn ngành như dự thảo, có thực sự làm tăng hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản không? Hay nó chỉ như giải pháp tình thế gỡ khó cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động doanh nghiệp. 

Tương tự đối với quy định doanh nghiệp bán đấu giá chỉ được hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, ông Nguyễn Văn Mạnh, đại diện Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ băn khoăn đặt câu hỏi, quy định này có phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp hay không, vì phần lớn các doanh nghiệp đấu giá tài sản hiện nay đang hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, một số doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tư nhân. Đâu là lý do chỉ khống chế hai loại hình này?

Phó cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai lý giải, quy định này của dự thảo sẽ bảo đảm được tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp đấu giá. Trong quá trình xây dựng dự thảo, ban soạn thảo cũng tổ chức nhiều tọa đàm lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia và được biết, hoạt động của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản giống với hoạt động của doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản. Theo quy định của pháp luật về phá sản, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản chỉ hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân mà thôi. Bên cạnh đó, bán đấu giá là hoạt động có điều kiện và hiện nay chưa duy trì bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp hoạt động vì vậy quy định trách nhiệm vô hạn đối với chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên công ty hợp danh là rất cần thiết, bảo đảm đủ về mặt tài chính và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đỗ Quyên
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân