Dự án luật doanh nghiệp (sửa đổi): Không để doanh nghiệp ”ma” lợi dụng quyền tự do kinh doanh 10/11/2014
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhưng thảo luận về dự án Luật DN (sửa đổi) chiều qua (10/11), rất nhiều vấn đề lớn của dự án Luật vẫn đang ở ”ngã ba” các luồng ý kiến bởi những ”khoảng cách” giữa khả năng quản lý thực tiễn đối với hoạt động của DN và yêu cầu phát triển của DN trong quá trình hội nhập quốc tế.
 

Chưa bỏ được con dấu DN

Có ý kiến đề nghị bỏ quy định DN phải có con dấu nhằm giảm phiền hà cho DN. Gần đây, ở nhiều quốc gia, DN không dùng con dấu trong quá trình hoạt động. Việc xác định giá trị pháp lý văn bản giao dịch của DN chỉ cần căn cứ vào chữ ký của đại diện các bên giao dịch và chữ ký số cũng đã được sử dụng. Qua tham vấn, đại diện của Công ty tài chính quốc tế thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC) cho biết, nếu tiến hành cải cách không dùng con dấu trong như trên, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tăng lên nhiều bậc. ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cũng cho rằng, ”con dấu chỉ là hình thức tin nhau trong nước thôi. Chứ giữ con dấu là đi người với thông lệ quốc tế nên phải thay con dấu bằng những điều khoản ràng buộc hay qui trách nhiệm”.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật ở nước ta, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về DN phải có con dấu riêng, người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu; việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi có đủ điều kiện thích hợp. Đồng thời, dự án Luật quy định về con dấu của DN theo hướng cải cách thủ tục hành chính để DN có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện tên, mã số DN. Trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng dấu thì DN Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch.

Không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN

Nhiều ý kiến tán thành quy định dự án Luật về việc không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ quy định về ghi cụ thể ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý nhà nước nói chung.

Phân tích các qui định của Luật DN hiện hành về vấn đề này, một số ĐBQH nhận thấy, DN phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh “chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiền hà không cần thiết và gây rủi ro cho DN, quan trọng nhất là hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN theo tinh thần Hiến pháp”. Vì vậy, nhiều ĐBQH thống nhất đề nghị không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN.

Đồng thời, không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho DN trong hoạt động kinh doanh. Nhưng để phục vụ cho công tác quản lý, ĐBQH cũng lưu ý, DN vẫn phải có nghĩa vụ kê khai ngành, nghề dự kiến kinh doanh khi đăng ký thành lập DN trong giấy đề nghị đăng ký DN; thông báo với Cơ quan đăng ký DN khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh và thực hiện báo cáo hằng năm với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của DN, trong đó có nội dung về ngành, nghề đang kinh doanh, tránh những DN “ma” lợi dụng quyền tự do kinh doanh để lừa đảo, gây bất ổn thị trường kinh doanh.

Qui định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là mối quan tâm rất lớn của nhiều ĐBQH tại dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được thảo luận sáng qua (10/11). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, “quy định này là vấn đề lớn nhất để DN trong nước cũng như các DN FDI đều biết  cái gì mình được đầu tư, cái gì không được đầu tư, cái gì đầu tư có điều kiện”. Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia theo quy định của Chính phủ. Ngoài danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề nghề kinh doanh có điều kiện được minh bạch cụ thể, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, dự thảo Luật còn qui định về chính sách bảo hộ đầu tư của Nhà nước đối với DN đầu tư nước ngoài để luôn áp dụng những điều thuận lợi cho DN trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội): “đề nghị bổ sung ngành tư vấn và phổ biến pháp luật vào dự án Luật đầu tư (sửa đổi) để góp phần năng cao hơn nữa nhận thức phổ biến, giáo dục cho nhân dân bằng nhiều hình thức. Chắc chắn trong tương lai không xa sẽ có rất nhiều người đăng ký để có thể mở những hoạt động này mang tính dịch vụ xã hội, DN xã hội. Chúng ta cần phải khuyến khích đầu tư những hoạt động đó. Điều này cũng phù hợp với chủ trương, nguyên tắc, quy định của Đảng trong những vấn đề tham gia phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cần được khuyến khích trong hoạt động đầu tư kinh doanh”

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sau phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng qua (10/11), ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cho rằng, “không ngại luật chuyên ngành “gặm nhấm” luật đầu tư”.

Nhiều DN lo ngại dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) chưa có cải cách mạnh mẽ về điều kiện thành lập DN và giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ vẫn làm phát sinh giấy phép “con”?

Không phải vậy. Dự thảo Luật lần này có cải cách rất mạnh mẽ, thứ nhất là có phụ lục về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cấm kinh doanh. Còn điều kiện kinh doanh của ngành nghề được quy định chặt chẽ trong luật chuyên ngành, pháp lệnh và nghị định chứ thông tư của Bộ không được quy định điều kiện kinh doanh của ngành nghề. Như vậy, điều kiện pháp lý sẽ chặt chẽ hơn.

Nhưng như vậy lại gây lo ngại rằng “luật chuyên ngành sẽ “gặm nhấm” luật đầu tư”, thưa ông?

Lo lắng như vậy e rằng hơi quá. Nói về đầu tư kinh doanh có nhiều đạo luật. Ví dụ muốn đầu tư bệnh viện hay trường học thì ngoài luật đầu tư thì luật chuyên ngành phải quy định những điều kiện cụ thể.

Theo ông, giấy phép điều kiện kinh doanh quy định trong luật DN sẽ phù hợp hơn?

Như vậy thì kông khả thi và nếu vậy thì tồn tại luật chuyên ngành làm gì? Nếu luật chuyên ngành do các Bộ ban hành thì mới lo sợ luật bị bóp méo nhưng luật chuyên ngành cũng do Quốc hội ban hành nên Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội phải có trách nhiệm thẩm tra làm sao để những luật chuyên ngành không chồng chéo và “đá” những quy định trong luật đầu tư, phù hợp với Hiến pháp.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tư pháp