Dự án Luật Du lịch (sửa đổi): Thiếu chính sách đột phá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Du lịch – ngành kinh tế tổng hợp

Cả nước hiện có 1.573 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, hơn 13.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, trong đó có nhiều công ty, tập đoàn lớn mang tầm khu vực và quốc tế. Nhiều hãng lữ hành quốc tế lớn đã đến Việt Nam đầu tư, thành lập các liên doanh đưa khách quốc tế đến Việt Nam.

Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu. Công tác quản lý các doanh nghiệp lữ hành còn nhiều khó khăn. Tình trạng kinh doanh lữ hành không phép, trái phép, kinh doanh núp bóng (nhất là đối với kinh doanh lữ hành quốc tế), giao dịch khép kín, hạ giá tour dưới giá thành, nhái thương hiệu, sử dụng ngoại tệ khi giao dịch, phân biệt đối xử với khách, sử dụng hướng dẫn viên là người nước ngoài… đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch, gây thiệt hại cho khách du lịch, còn Nhà nước thì thất thu thuế.

(Theo Báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện Luật Du lịch)

Hiện nay, các tỉnh, TP trên cả nước đều có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch đã thành lập Sở Du lịch, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch. Ban Chỉ đạo về du lịch ở Trung ương và cấp tỉnh được kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch sau nhiều lần tách – nhập đang thiếu tính ổn định, bị hẫng hụt trong công tác cán bộ; chưa tạo ra sự thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Hiện nay cũng chưa có văn bản quy định về tiêu chí thành lập Sở Du lịch; về trung tâm xúc tiến du lịch; về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch; về thành lập Ban quản lý khu du lịch… Quản lý liên ngành, liên vùng về du lịch hiệu quả thấp. Phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý và phát triển du lịch còn lúng túng, trong khi trách nhiệm của các bên chưa được xác định rõ. Công tác tham mưu cho chính quyền các cấp về du lịch còn thụ động…

Trong Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần này, Ban soạn thảo dành một chương riêng – Chương IX quy định về quản lý nhà nước. Nhưng, các quy định tại chương này lại không đề cập đến nội dung quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch. Do đó, Ban soạn thảo cần xem xét lại thực tế vướng mắc trong quản lý về du lịch và bổ sung những nội dung trên cho phù hợp với tên gọi của chương.

Đáng lưu ý, dự thảo Luật chưa thể hiện được vai trò của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế tổng hợp. Việc thúc đẩy ngành du lịch phát triển cần có sự tham gia của các ngành khác (giao thông – vận tải, ngoại giao, xây dựng, giáo dục, thông tin, truyền thông, kinh doanh, dịch vụ…) và ngược lại. Ban soạn thảo phải cụ thể hóa được trách nhiệm của các bộ, ngành trong lĩnh vực du lịch và tăng tính chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Điều kiện kinh doanh lữ hành còn đơn giản

Trong Dự thảo Luật hiện đã có một số điều chỉnh cơ bản, bảo đảm sự công bằng giữa kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu một số nội dung sau:

Thứ nhất, về các loại hình kinh doanh lữ hành, nên phân chia kinh doanh lữ hành thành 3 loại: Đón khách vào (inbound), đưa khách ra (outbound), du lịch nội địa (domestic) và có những quy định phù hợp với đặc thù của từng loại, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, về điều kiện kinh doanh lữ hành, so với Luật Du lịch năm 2005, dự thảo Luật đã giảm từ 5 điều kiện xuống còn 3. Tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh lữ hành còn đơn giản, chưa đáp ứng được tính đặc thù, phức tạp của dịch vụ lữ hành. Quy định như vậy dễ dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành một cách tràn lan, không kiểm soát được chất lượng. Vì vậy, Ban soạn thảo nên bổ sung quy định về các điều kiện đặc thù của dịch vụ lữ hành, như điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất, nhân lực (trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh lữ hành; số lượng hướng dẫn viên cơ hữu…).

Thứ ba, về địa điểm kinh doanh, nếu địa điểm kinh doanh là trụ sở doanh nghiệp thì quy định này không cần thiết (vì theo quy định tại Chương II, Luật Doanh nghiệp 2014, phải có trụ sở mới được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp); còn nếu là địa điểm tiến hành kinh doanh thì quy định này là cứng nhắc, ảnh hưởng đến tính chủ động của doanh nghiệp. Theo đó, cần xem lại quy định về giấy tờ chứng minh có địa điểm kinh doanh phù hợp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Khái niệm phù hợp ở đây còn mang tính chất định tính, dễ dẫn đến sự tùy tiện khi áp dụng vào thực tiễn.

Thứ tư, về phí thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, nên rà soát quy định về phí thẩm định, cấp, cấp lại, cấp đổi giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa trong dự thảo Luật với Luật Phí và lệ phí 2015 để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Khoản 1, Điều 61, dự thảo Luật quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện. Quy định này tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, khó khăn trong quản lý, thống kê cơ sở lưu trú, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao,quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch; tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh du lịch, đến diện mạo và uy tín của ngành. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

Nguyễn Văn Tuyết – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ
Hoàng Ngọc ghi
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử