Dự luật Trưng cầu ý dân: 4 chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đơn vị chủ trì soạn thảo dự luật Trung cầu ý dân cho biết: sự luật gồm 9 Chương, 56 Điều, được xây dựng theo phương án cụ thể hóa tối đa các quy phạm để áp dụng trực tiếp, không ban hành Nghị định hay hình thức văn bản khác để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chủ thể về có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, nội dung đề nghị trưng cầu và kết quả trưng cầu.

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, Ban soạn thảo thiết kế hai phương án. Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân. Hai là, ngoài bốn chủ thể trên, bổ sung Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân.

Giải thích về lý do bổ sung thêm 2 chủ thể trên, Ban soạn thảo cho biết, theo quy định tại Điều 98 Hiến pháp 2013, Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính tính thống nhất của hệ thống hành chính quốc gia nên việc bổ sung là cần thiết; Thứ hai, việc quy định Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân sẽ tạo thêm một kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề trưng cầu ý dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của mình.

Ngoài ra, Luật Tổ chức Quốc hội (khoản 1, Điều 19) chỉ quy định 4 chủ thể (như phương án 1) không cản trở Luật trưng cầu ý dân bổ sung thêm chủ thể vì Luật này là luật chuyên ngành trong lĩnh vực trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để phù hợp với khoản 1 Điều 120 của Hiến pháp thì cần phải giới hạn Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không được đề nghị trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân đã được Quốc hội thảo luận và cân nhắc kỹ tại kỳ họp thứ 8 khi xem xét, thông qua Luật tổ chức Quốc hội. Theo đó, “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội” (khoản 1 Điều 19). Do vậy, để bảo đảm tầm quan trọng của việc đề nghị trưng cầu ý dân và để thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội, đề nghị quy định chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như Phương án 1 của dự thảo Luật.

Về kết quả trưng cầu ý dân, luật trình 2 phương án. Phương án 1: Trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành. Phương án hai là ngoài các điều kiện như phương án 1, bổ sung quy định đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cuộc trưng cầu hợp lệ phải được quá 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và được quá 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành thì được công bố để thi hành. 

Uỷ ban Pháp luật cho rằng, việc quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá cao (quá 2/3) đối với một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thì không khả thi; thậm chí nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay và như vậy, sẽ làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân. Do vậy Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án 1.

Có ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân, đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lại cho rằng, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định theo ý chí của họ nên cơ quan nhà nước phải tôn trọng và thực hiện. Do vậy, Quốc hội không cần thiết phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân hay thông qua lại các nội dung đã được người dân biểu quyết tán thành. 

Châu Huệ
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp