Dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi: Vàng, USD không được bảo hiểm tiền gửi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo dự thảo luật, loại tiền được bảo hiểm là đồng Việt Nam gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu… ; không áp dụng bảo hiểm tiền gửi với ngoại tệ hay vàng bạc, đá quý. Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhất trí với dự thảo luật với lý do Chính phủ đang thực hiện chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối là chống đôla hóa và trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng tiền Việt Nam.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy định này có phần không hợp lý. Ông dẫn ví dụ người gửi tiền là lao động nước ngoài, gửi bằng ngoại tệ, nhưng lại không được bảo hiểm, mà lẽ ra đối tượng này cũng cần được bảo vệ. “Vấn đề chống đôla hóa là việc quản lý của ngân hàng”, ông kết luận.
Về những ý kiến trái chiều xung quanh phạm vi được bảo hiểm tiền gửi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nêu rõ, việc triển khai luật phải phù hợp với đặc thù kinh tế Việt Nam, còn nếu để thỏa mãn mong muốn thì không thực tế.

Giải thích việc chỉ bảo hiểm tiền gửi với VND, Thống đốc cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nước trên thế giới cũng chỉ bảo vệ cho đồng tiền của họ. Hơn nữa, chủ trương của Chính phủ muốn người dân chỉ sử dụng đồng nội tệ. “Chính phủ cũng nói nhiều đến vấn đề quan hệ gửi vay chuyển dần sang quan hệ mua bán, gửi tiết kiệm bằng VND, giảm cho vay bằng ngoại tệ, tiến tới nếu cần ngoại tệ, người dân sẽ mua tại ngân hàng”, ông Bình nói.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trước khi áp dụng, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác. “Chẳng hạn nước Mỹ mỗi năm đổ 200-300 ngân hàng, nhưng bảo hiểm họ xử lý hết vì một lúc có thể chi 200-300 tỷ USD để cứu. Mình cứ đụng ‘ông’ bé, Nhà nước đã lo rồi. Tôi nghĩ là phải cho chết anh yếu mới ra anh khỏe”, ông Hùng nhấn mạnh.

Kết luận buổi thảo luận về dự thảo luật bảo hiểm tiền gửi, Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Ngân hàng Nhà nước cần tiếp thu các ý kiến đóng góp từ Ủy ban Thường vụ để thẩm tra chính thức. Dự thảo nếu được thông qua, phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao niềm tin, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ngoài ra, bà Ngân cũng khuyến cáo cần làm rõ một số điều trong dự thảo lần này, như quy định về khái niệm người được bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm, phí bảo hiểm và các loại tiền không được bảo hiểm.

Theo Tuệ Minh
Vnexpress