Dự thảo Luật dành cho “người giàu” ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức – PTGĐ, GĐ Khối Pháp chế và GSTT Maritime Bank cho rằng, theo cách hiểu thông thường, như đã được giải thích trong Từ điển tiếng Việt năm 1992 của Viện ngôn ngữ học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, thì: “Thiết yếu là rất cần thiết, không thể thiếu được”. Điều đó, có nghĩa là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu là loại hàng hoá, dịch vụ cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống bình thường của đại đa số người tiêu dùng.

Với cách hiểu trên thì theo ông Đức, trong tổng số 15 loại hàng hoá, dịch vụ đã được nêu trong Dự thảo thì hàng hoá, dịch vụ thiết yếu chỉ có 3 dịch vụ đó là Dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt; Dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt; Dịch vụ thuê bao điện thoại cố định.

“Nhiều hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung nêu trong Dự thảo là trái luật, vì thuộc loại hàng hoá, dịch vụ cao cấp, nâng cao giá trị cuộc sống cá nhân, chứ không phải là loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, không được đối với đa số người tiêu dùng là cá nhân.” – ông Đức nói.

Ông cũng cho rằng, Dự thảo nói trên dường như mới chỉ nhằm “nắm kẻ có tóc”, chứ chưa nhằm vào mục tiêu thật sự là phải quản lý những hợp đồng, giao dịch hàng hoá, dịch vụ thiết yếu theo quy định của Luật. Ông Đức lấy ví dụ, chỉ yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện chung đối với mua bán ô tô mới, là mặt hàng dành cho số ít cá nhân khá giả, trong khi đó không yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện chung đối với mua bán mô tô, xe máy, là mặt hàng thiết yếu đối với đông đảo người tiêu dùng cá nhân. Như vậy, cơ chế này chưa bảo vệ được người tiêu dùng thật sự.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Đình Song – Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nếu theo danh mục này thì chỉ có Dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt; Dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt; Dịch vụ thuê bao điện thoại cố định là thuộc vào mặt hàng thiết yếu, còn lại thuộc hàng hóa cho những người khá giả.

Đại diện Baoviet Bank cũng đề xuất hủy bỏ dịch vụ thẻ sử dụng máy rút tiền tự động (ATM), Dịch vụ thẻ tín dụng (Credit card), ngoài ra còn đề xuất bỏ thêm dịch vụ mua, bán ô tô mới và góp vốn đầu tư hoặc mua bán nhà, căn hộ mới. Lý do đề xuất hủy bỏ của vị đại diện này là do các loại hình hàng hóa, dịch vụ trên không phải là những loại hàng hóa bắt buộc phải có, không thể thiếu trong hoạt động hàng ngày của người tiêu dùng; không phải bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có nhu cầu và/hoặc khả năng tiếp cận với những loại hàng hóa, dịch vụ này. Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng đề nghị bổ sung dịch vụ truyền hình cáp/Truyền hình vệ tinh vào danh mục mặt hàng cần phải đăng ký hợp đồng theo mẫu.

Bà Trịnh Hằng Nga – Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt, và nhất là đường hàng không chỉ phục vụ cho những người có kinh tế khá giả. Số người chọn đường sắt, hàng không làm phương tiện di chuyển chỉ chiếm khoảng 1% so với các loại đường khác, “Vậy cơ sở đâu để Ban soạn thảo đưa đường hàng không, đường sắt vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cần đăng ký hợp đồng theo mẫu mà không phải là đường bộ trong khi đường bộ chiếm tỉ lệ cao nhất.?” – Bà Nga đặt câu hỏi.

Trái ngược với những ý kiến trên, ông Tùng – Vụ Kinh tế Tổng hợp Văn Phòng Chính phủ lại cho rằng, chúng ta không nên trói buộc các hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vào các mặt hàng thiết yếu.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Công ty Honda cũng đưa ra ý kiến, sửa khiếm khuyết về khái niệm thiết yếu để thay đổi quy định là không nên. Đây không phải là vấn đề lớn khi danh mục các hàng hóa, dịch vụ này không thiết yếu vì tất cả những hàng hóa, dịch vụ nếu đăng ký hợp đồng theo mẫu đều bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự thảo đã đưa ra danh mục gồm 15 loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, gồm: 1. Mua, bán ô tô mới; 2. Mua bán nhà, căn hộ mới; 3. Dịch vụ quản lý khu đô thị, khu chung cư; 4. Dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt; 5.Dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt; 6. Dịch vụ truyền hình trả tiền; 7. Dịch vụ thẻ sử dụng máy rút tiền tự động (ATM); 8. Dịch vụ thẻ tín dụng (Credit Card), thẻ ghi nợ (Debit Card); 9. Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ; 10. Dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ; 11. Dịch vụ thuê bao điện thoại cố định; 12. Dịch vụ thuê bao điện thoại di động trả sau; 13. Dịch vụ truy cập internet hoặc cung cấp nội dung trực tiếp trên nền tảng Internet; 14. Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không; 15. Dịch vụ vận chuyển hành khách đường sắt.Hộp chỉ chứa chữ. Màu nền, viền, kiểu dáng của chữ hay hộp đều có thể thay đổi.

Hồ Hường
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp