Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Sự thay đổi căn bản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lần đầu tiên trong lịch sử, quyền tự do kinh doanh, một quyền cơ bản được quy định rất rõ trong Hiến pháp mới, có cơ hội được cụ thể hóa vào trong luật. Điều đáng nói là cùng với lần đầu tiên được “luật hóa” này, Bộ Kế hoạch Đầu tư, đơn vị chủ trì của hai dự thảo luật quan trọng này, đã cho thấy sự thay đổi căn bản trong tư duy trong quá trình xây dựng luật: DN từ chỗ chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép thì nay đã được phép làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm.

Để đăng ký đúng là… đăng ký

Trên thực tế, mỗi lần sửa đổi các quy định về kinh doanh đều được đánh dấu bằng sự phát triển nhiều hơn của các DN. Cho tới nay, có thể ghi nhận ba mốc thay đổi lớn: Năm 1992, lần đầu tiên quyền kinh doanh được đưa vào Hiến pháp. Tới năm 1999, lần đầu tiên có một bộ luật riêng, bộ luật DN được thông qua. Và năm 2005, luật DN được sửa đổi với mục tiêu tạo điều kiện hơn nữa cho DN.

Theo thống kê, từ năm 1992 đến 1999, cả nước có 46.800 DN, từ 2000-2005 với mốc Luật DN sửa đổi, chúng ta có hơn 161.000 DN. Sau khi luật DN sửa đổi ra đời, tới hết năm 2013, chúng ta có 563.000 DN.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, VCCI, Chủ tịch Ủy ban vận động chính sách thương mại quốc tế, nhận xét: sự phát triển về số lượng DN như trên là do có sự thay đổi quan trọng trong nội hàm về quyền tự do kinh doanh.

Nếu như Hiến pháp 1992 chỉ giới hạn là công dân thì Hiến pháp 2013 đã được mở rộng hơn thành mọi người. Ngoài ra, trong Hiến pháp 1992, quyền tự do kinh doanhh được kèm theo “theo quy định của pháp luật” có nghĩa là theo sự chỉ dẫn, đã được thay đổi thành “những gì luật pháp không cấm”.

Sự thay đổi này cũng là một sự ngầm quy định về trách nhiệm của Nhà nước. Quyền tự do kinh doanh của mọi người giờ đây gắn với nghĩa vụ của Nhà nước: Công bố công khai những ngành nghề mà pháp luật cấm.

Nói một cách khác, phần việc khó khăn vốn được đẩy cho DN thì giờ đã được đưa về đúng chỗ, đúng nơi. Trước đây, với những ngành nghề có điều kiện thì phải được cấp Giấy phép kinh doanh. Mà những ngành nghề bị cấm hay cần có giấy phép thì chính bản thân Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng không rõ vì sao lại cấm hoặc vì sao phải có giấy phép vì nó được quy định bởi rất nhiều văn bản dưới luật của các Bộ, ngành với mục đích… an toàn cho mình.

Thay vào đó, chỉ cần tránh những ngành nghề bị cấm (được Nhà nước đưa ra, quy định rõ trong Luật) thì người dân được quyền kinh doanh một cách tự do.

Để Luật không làm khó DN

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Mỹ Long, Văn phòng luật sư Sao Biển (Hải Phòng), cho biết hiện các văn phòng tư vấn đều tránh nhận những hồ sơ đăng ký kinh doanh cho những ngành nghề như vệ sinh, đầu tư vào trường học, vũ trường… vì trên lý thuyết, những ngành nghề này không bị cấm kinh doanh, nhưng có được các cơ quan cấp phép hay không lại là một chuyện khác.

“Bản thân các cơ quan quản lý cũng rất lúng túng, nhiều khi nhận đơn rồi họ cũng không biết xử lý như thế nào. Và trong rất nhiều trường hợp, sau một thời gian nghiên cứu hồ sơ, các cơ quan này thường chọn cách an toàn nhất là… không cấp phép cho lĩnh vực đó”, ông Long nói.

Thực tế này phản ánh năng lực của các cơ quan Nhà nước cũng như sự rối rắm chằng chịt của hệ thống các văn bản quy định hiện tại đang làm khó DN, và cả cơ quan quản lý liên quan.

“Xu thế của các cơ quan quản lý bao giờ cũng là muốn sự an toàn về phía mình. Vì thế, họ sẽ tìm cách đưa ra những quy định (không cấm) để các DN muốn hoạt động phải có đăng ký để khi “có chuyện” họ có căn cứ pháp lý để “nói lại”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhận xét.

Sau một thời gian dài, với rất nhiều cuộc họp cũng những cuộc hội thảo, dự kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ đưa vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này 8 ngành nghề cấm kinh doanh và 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện để Quốc hội thảo luận, xem xét trong kỳ họp lần này.

Đã có rất nhiều ý kiến rằng con số 330 ngành nghề có điều kiện ấy vẫn có thể được rút ngắn hơn nữa. Hoặc liệu có những sự hiểu khác nhau để cố tình lấy dễ cho mình, đẩy khó cho DN…

Bình luận về những con số này, ông Trần Mỹ Long cho rằng chúng ta chỉ cần làm được như New Zealand – nền kinh tế được xếp thứ ba trên thế giới về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh và đứng thứ nhất riêng về tiêu chí “Khởi sự kinh doanh” (báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới).

Chính phủ New Zealand đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho DN trong việc đăng ký thành lập. Sau khi đăng ký trực tuyến để giữ tên với cơ quan Đăng ký kinh doanh, DN tiếp tục tiến hành quy trình đăng ký kinh doanh.

Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Certificate of Incorporation) cho DN qua email trong vòng vài phút. Đặc biệt, ngành, nghề kinh doanh không ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Toàn bộ việc đăng ký và kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý và DN đều được thực hiện trực tuyến, các cơ quan quản lý cũng kết nối hệ thống thông tin với nhau để trao đổi các dữ liệu cần thiết về DN.

Theo ông Long, cái khó là để làm được như vậy thì gần như phải cơ cấu tổ chức lại bộ máy. Khi đó, bộ máy hậu kiểm của Nhà nước sẽ phải hoạt động thật hiệu quả để có thể đảm đương được công việc giám sát của mình.

Và chính vì thế, việc sửa Luật DN khó một, thì việc thay tư duy bộ máy từ hạn chế sự gia nhập nền kinh tế của các DN sang giám sát hoạt động sau gia nhập của DN khó gấp trăm lần.

Thang Duy

Nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn/