Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chưa… “cập nhật” thực tiễn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là cần thiết, song cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho SME hơn là hỗ trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Nhiều vấn đề còn băn khoăn

Hiện nay chúng ta có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Dự thảo Luật này là cơ sở pháp lý để các chính sách đó đi vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Một số nội dung chủ yếu trong Dự thảo luật mà quý vị đại biểu còn băn khoăn là:

Thứ nhất, tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự thảo này có đề cập thêm đến tiêu chí doanh thu và một tiêu chí quan trọng nữa là trách nhiệm của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ hai, hình thức hỗ trợ tín dụng: Bù lãi suất. Hai ngân hàng của Chính phủ là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào; Cơ chế hoạt động, nguồn lực của 3 quỹ mà dự thảo đưa ra như thế nào. Trên thực tế, hiện nay có 2 quỹ đang hoạt động. Theo Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hiệu quả, quá trình giải ngân rất thấp. Luật cũng đề cập tới bảo lãnh và rất mong quý vị đại biểu có ý kiến đóng góp về hình thức hỗ trợ này.

Thứ ba, các đại biểu cũng băn khoăn một vấn đề nữa rằng những cơ chế, chính sách về thuế có thể được đưa vào Dự thảo luật hay không. Tuy nhiên, theo quy định, tất cả những gì liên quan đến thuế phải được quy định trong các luật về thuế, chính vì vậy, chúng tôi cũng đề xuất với Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp về mức thuế suất. Thuế suất áp cho các doanh nghiệp vừa cũng được đề xuất được điều chỉnh giảm. Chưa có quy định về mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, chúng tôi đề nghị Chính phủ đưa ra quy định cho các doanh nghiệp siêu nhỏ để có các chính sách khác nhau cho từng đối tượng để các chính sách có thể hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách hiệu quả.

Thứ tư, vấn đề thứ ba là đất đai. Những chính sách cho thuê đất trong Luật đất đai cần được thiết chế như thế nào. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có số lượng rất lớn, khoảng 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động, mặc dù vậy theo báo cáo, chỉ có khoảng 460.000 doanh nghiệp trong số đó đăng ký thuế, và chỉ có hơn 180.000 doanh nghiệp tham gia… Đây là một vấn đề mà Dự thảo luật rất băn khoăn . Với một số lượng doanh nghiệp lớn như thế, làm thế nào để Luật có những quy định trọng tâm để Luật đi vào được cuộc sống, hỗ trợ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là điều mà chúng tôi muốn lắng nghe từ quý vị đại biểu.

Vấn đề cuối cùng là nguồn lực hỗ trợ. Những nguồn lực nào có thể được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp là điều mà nhiều đại biểu quan tâm.

Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cũng yêu cầu Chính phủ trong quá trình xây dựng dự thảo luật, trước khi ban hành phải gửi kèm theo tất cả các nghị định để cụ thể hóa các chương trình, các hỗ trợ để khi Luật ra đời, nó có tác động hiệu quả và trực tiếp ngay lập tức.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: Điều 29 sa vào… điều lệ của Hiệp hội

Đây là lần thứ 3 tôi được tham gia góp ý Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều 29 phát sinh sáng tạo ngoài quy định, chúng tôi thấy không đúng. Điều 29 này sa vào điều lệ của một hiệp hội. Sau 6 năm hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi thấy bất cập ở địa phương ở điểm một địa phương có quá nhiều hội, sinh ra xung đột. Ngay Hiệp hội ở trung ương cũng có tranh cãi. Chúng tôi quyết định thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, trong đó có bộ phận theo dõi doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có đến 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vậy ai là người sẽ lãnh đạo bộ phận doanh nghiệp này? Chúng tôi rất kỳ vọng vào VCCI, là tổ chức chính trị nghề nghiệp, nhân sự do Ban Bí thư giới thiệu. Chúng tôi là các hiệp hội cấp tỉnh tin tưởng hội quốc gia

Có rất nhiều hội doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc, nếu không tham gia vào Hiệp hội. Quy định này khó đi vào cuộc sống. Điều này làm mất đi tính cạnh tranh, mất tính đổi mới trong quan hệ giữa các tổ chức với nhau. Chúng ta không nên bàn chi tiết về nhiệm vụ của Hội. Hiện nay, các doanh nghiệp thành lập hiệp hội doanh nghiệp của các tỉnh, có nhiều địa phương đã bỏ hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dệt may Việt Nam: Thế nào là doanh nghiệp nhỏ và vừa

Điểm a khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định “Tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng”. Vậy đây là vốn điều lệ hay vốn tài sản? Trong ngành dệt may, có những doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng nhưng có hàng nghìn lao động, có những doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ những có tới 4000 lao động. Như vậy khi xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta cần liên hệ tới Luật Doanh nghiệp 2014 hay Luật Chứng khoán (quy định rằng doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ hay dưới 100 cổ đông thì không phải là doanh nghiệp đại chúng). Cần định nghĩa rõ hơn về vốn và doanh thu, nghĩa là từng ngành hàng có mức riêng. Có 100 tỷ thì chúng tôi sẽ triển khai được dự án trên 1 ha đất, giải quyết được 1.000 lao động. Không thể gọi doanh nghiệp như vậy là nhỏ được.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hơn nữa, Điều 6 quy định nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, điểm a khoản 1 quy định vốn tín dụng có hỗ trợ của nhà nước và định nghĩa về vốn tín dụng này chưa có. Liệu rằng điều này có khả thi trong bối cảnh tình hình ngân sách nhà nước và tài chính doanh nghiệp hiện nay? Điểm b và c cũng cho thấy sự thiếu thực tiễn, xa vời.

Đặc biệt, Điều 29 đã gây cho chúng tôi một thắc mắc lớn. Chúng tôi có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, và hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng của chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ dưới sự điều hành của VCCI, vậy nên cần quy định rõ điều đó để thực hiện vai trò của hiệp hội, không nên gom về Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế, trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ tự cấp chứng chỉ, nên quy định này là không cần thiết.

Chúng tôi đề nghị chúng tôi có hiệp hội ngành hàng, và hiệp hội ngành hàng của chúng tôi đang thực hiện mục đích, nhiệm vụ trách nhiệm dưới vai trò điều hành của VCCI thì hãy định nghĩa rõ để thực hiện nhiệm vụ, vai trò của Hiệp hội. Không nên gom về doanh nghiệp vừa và nhỏ vì nếu định nghĩa như Điều 2 thì tất cả các đơn vị trôi về hết Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các hiệp hội chúng tôi họp 5 năm một nhiệm kỳ, bỏ phiếu để bầu. Thậm chí hiệp hội chúng tôi có doanh nghiệp không chịu được cũng tự bỏ ra ngoài, vì vậy, quy định này không phù hợp với thực tiễn quản lý ngành của các hiệp hội.

Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Tiêu chí cụ thể để phân định doanh nghiệp nhỏ

Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 280.000 doanh nghiệp nhưng 95% là doanh nghiệp doanh nghiệp vừa và nhỏ, trừ một số doanh nghiệp có doanh thu trên 5.000 tỷ trở lên thì đa số là vừa và nhỏ. Chúng tôi quan điểm 2.000 tỷ trở xuống là doanh nghiệp vừa. Quy định 300 lao động là doanh nghiệp vừa và nhỏ là tôi luôn luôn phản đối và đến giờ này tôi vẫn quan điểm rất chính xác. Đơn cử, tất cả các doanh nghiệp Đài Loan ở Việt Nam từ 5-10.000 lao động vẫn coi là doanh nghiệp vừa. Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nên cho dưới 1000 lao động vì phải nhìn một cách rõ ràng. Các doanh nghiệp nhỏ, yếu, lao động thủ công mới cần nhiều lao động. doanh nghiệp càng hiện đại càng ít lao động.

Và một điều hết sức quan trọng, các nhà xuất khẩu bị áp thuế phá giá với Luật này hỗ trợ cho các doanh nghiệp 1000 lao động thì chúng tôi sẽ không bị phản đối. Nếu quy định như hiện nay thì chúng tôi bị áp thuế chống bán phá giá ngay vì vi phạm luật. Chúng tôi đề xuất từ 1000 -2000 lao động trở xuống được coi là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về hỗ trợ thuế, nên học hỏi tất cả các nước có hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp với chúng ta đó là Đài Loan. Các đề nghị trong Điều 9 khá đầy đủ nhưng tôi lưu ý bổ sung “loại bỏ hoặc thay đổi một số loại thuế không còn phù hợp”, đó là thuế khoán. Một loại thuế hết sức không hợp lý mà kéo dài rất lâu rồi, đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất. thuế khoán tạo ra một sự yên ổn cho các doanh nghiệp nhỏ nhưng tạo sự bất công với doanh nghiệp cùng ngành nghề. Doanh nghiệp 3 tỷ khai doanh thu, doanh nghiệp 2 tỷ khai thuế khoán. Ông làm 2 tỷ chỉ phải nộp 10 triệu, ông làm 3tỷ phải nộp ít nhất 100 triệu. do đó, đề nghị xem lại chế độ thuế khoán.

Riêng đối với trách nhiệm của VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội ngành nghề: tôi đồng ý nhưng xin thưa rằng doanh nghiệp chỉ chịu tác động của 2 hội: VCCI không bàn tới nữa tổ chức quốc gia của doanh nghiệp lâu nay rồi, 1 là hội ngành nghề, 1 là hiệp hội địa phương. Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh hết sức mờ nhạt, gần như hàng ngàn doanh nghiệp không biết cái hiệp hội này ở đâu, hoạt động như thế nào. Doanh nghiệp giờ sinh hoạt ở rất nhiều hiệp hội do đó, chỉ chịu tác động của 2 hiệp hội chính ngoài VCCI là hiệp hội ngành nghề và hiệp hội doanh nghiệp địa phương. Tôi nghĩ đó là 2 đầu mối tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Luật còn phải chờ… rất nhiều hướng dẫn

Ủy ban kinh tế Quốc hội cố gắng luật đưa ra làm sao có thể trực tiếp áp dụng ngay, nhưng đọc thế này tôi thấy còn phải chờ rất nhiều Nghị định, Thông tư.

Hơn nữa, với điều 29, chắc chúng tôi sắp tới phải “lobby” để vào BCH Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh. Điều này là “lobby” thôi. Như vậy, điều này mà ra thì nên giải thể VCCI đi là vừa. ĐIều khoản cấp chứng chỉ rất không hợp lý. Anh muốn được hỗ trợ lại phải cấp chứng chỉ, phải lên xin hiệp hội. Đây lại là hình thức xin – cho rồi. cơ quan soạn thảo chắc là mắc phải cái bẫy.

Đã xác định cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cần là VCCI, về Đảng uỷ cũng do BCH Trung ương, nhân sự các ban của Đảng cũng đã thẩm tra đi thẩm tra lại. Điều lệ VCCI do Chính phủ quy định, còn Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thì do Sở Nội vụ các tỉnh quy định.

Tôi đề nghị bộ phận thẩm định nghiên cứu ý kiến nếu không sẽ bị mang tiếng… đẻ ra “giấy phép con” nữa..

Ông Phan Đăng Tuất – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VIệt Nam: Một “loại văn mẫu”

Tôi hay bắt đầu từ cảm xúc, đọc luật này tôi thấy buồn. Đó là một loại luật văn mẫu và người ta làm cho có: dài và hoành tráng nhưng ít khả dụng. “Bài văn” này gần như không đáng chấm điểm.

Thứ hai, tôi cực kỳ lo ngại về chữ “hỗ trợ”. Tất cả các FTA cả song và đa phương tối kỵ chữ hỗ trợ, các Chính phủ khôn khéo nếu muốn hỗ trợ phải dấu chữ hỗ trợ đi. Cô gái đi thi hoa hậu nhỡ chữa cái răng, người ra phải dấu đi. Thi xong phát hiện đã làm răng là người ta tước danh hiệu ngay. Tôi không hiểu tại sao 500 đại biểu, cả một bộ vĩ đại cứ thích chữ hỗ trợ lạ kỳ thế trong cuộc hội nhập vĩ đại này.

Nếu buộc phải có chữ hỗ trợ thì sẽ bất cập ở điểm sau: chủ thể hỗ trợ – Chính phủ, VCCI, hiệp hội các loại, UBND…làm gì có thứ hỗ trợ nhiều chủ thể thế? Bảy món hỗ trợ là quá nhiều, một thứ lẩu không dùng được. bảy món này nếu chiếu theo luật thì Luật này không đè được lên các Luật kia, làm sao đè được Luật tín dụng ngân hàng để bắt hỗ trợ về lãi suất, làm sao đè được Luật đất đai để bảo là hỗ trợ mặt bằng. Bảy món này đều nằm dưới 7 luật chuyên ngành.

Doanh nghiệp cần sòng phẳng và một tế bào kinh tế một cách nghiêm túc, có trách nhiệm với đất nước, người ta không cần “hỗ trợ”. Nếu có sửa thì sửa thành “Luật bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ” mới là một luật xác đáng mà chúng tôi cần.

Tôi nhắc lại, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất đàng hoàng và “rất đáng thương” trong nền kinh tế mở này. Họ cần được bảo vệ hơn là được hỗ trợ! Và bảo vệ những quyền lợi chính đáng trong cuộc cạnh tranh này, các anh có biết họ đang bị thương lái ép giá, các nhà phương Bắc kia chèn đủ thứ, không được bảo hộ, đang bị cạnh tranh bất chính…họ đang bị công an, thuế vụ…chính quyền can thiệp một cách quá đáng, họ đang bị nhũng nhiễu đòi chi tiền…cần phải được bảo vệ.

Song Nhi
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp