Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi): Cần bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn chưa thực sự phục hồi, đặc biệt là tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, gây thiệt hại về kinh tế cho người mua nhà làm mất niềm tin vào thị trường, các đại biểu kỳ vọng rằng Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi sẽ tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS. 

Tính tới truy cứu trách nhiệm hình sự

Bức xúc trước tình trạng người dân góp tiền mua nhà ở nhiều dự án, song chủ đầu tư lại lấy tiền góp vốn để làm việc khác, kiến nhiều dự án chậm tiến độ, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM), cho rằng các quy định hiện nay đang tạo “lỗ hổng” cho các chủ đầu tư sử dụng tiền sai mục đích. Ông Lịch cho rằng Dự thảo cần có điều khoản góp vốn mua, thuê nhà ở hình thành trong tương lai, buộc tiền góp vốn phải được ký gửi tại một ngân hàng do chủ đầu tư quy định  và ghi rõ trong hợp đồng. 

“Số tiền này chỉ được giải ngân cho công trình góp vốn, cấm dùng vào mục đích khác; người góp hoặc người đại diện góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng hoặc chủ đầu tư minh bạch về việc sử dụng số tiền này. Dự luật cũng nên quy định tỷ lệ góp vốn lần đầu tối đa 30%, và tỷ lệ nộp tối đa là 95%, cho đến khi người mua được cấp giấy chứng nhận nhà ở, còn phần góp vốn trong giai đoạn triển khai thì để các bên tự thỏa thuận. Tôi đề nghị cần phải sửa theo hướng như trên để tránh tình trạng lạm dụng vốn, bảo vệ người mua nhà”, ông Lịch đề xuất. 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) đặt câu hỏi, trước tình trạng người dân đã nộp tiền song hàng ngàn ha đất vẫn bị chủ đầu tư bỏ hoang hóa, khiến người mua nhà không có nhà, Dự thảo Luật sẽ giải quyết thực trạng này như thế nào? Trong khi đó, các quy định của Dự thảo luật vẫn chưa cân xứng trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua và người bán, khi các hành vi bị cấm quy định trong Dự luật còn quá nhẹ, nên đại biểu Đương cho rằng cần phải mạnh dạn quy định và ngăn chặn hành vi lừa đảo trong kinh doanh BĐS. 
 
Không nên bình ổn thị trường

Theo hầu hết các đại biểu, Dự thảo luật vẫn chưa thực sự coi trọng quyền lợi của khách hàng và đang thiên về bảo vệ quyền của người kinh doanh BĐS. Dẫn chứng về điều này, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho biết trong khi Dự thảo dành hẳn một điều khoản riêng về Hiệp hội BĐS, thì lại “quên” người mua nhà. Trong khi vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương đều gộp chung vào một điều khoản là không cân xứng. 
Liên quan đến những quy định về mức vốn pháp định trong thành lập DN kinh doanh BĐS không được thấp hơn 20 tỷ đồng, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), cho rằng trong điều kiện thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng vốn pháp định lên quá cao sẽ gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai), lại cho rằng trong điều kiện nhiều DN không có vốn vẫn huy động tiền, xây dựng dự án đến vài trăm tỷ song bỏ hoang hoặc chậm bàn giao, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà, thì việc quy định như trên nhằm bảo đảm năng lực tài chính của DN. 
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng các giao dịch BĐS cần phải chịu sự quản lý của Nhà nước, thông qua việc công chứng, chứng thực hợp đồng nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên; nhấn mạnh đến vai trò quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS trên nguyên tắc cung cầu thị trường và xã hội. Song các đại biểu cũng cho rằng cần cân nhắc quy định Nhà nước có chính sách bình ổn thị trường khi có biến động, bởi không phù hợp với quy luật của thị trường. 

Nguyễn Sơn

Nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn/du-thao-luat-kinh-doanh-bds-sua-doi-can-bao-dam-quyen-loi-cho-nguoi-mua-nha.html