Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế: Phạt nặng để đảm bảo tính răn đe
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quy định cụ thể các trường hợp gian lận

Xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tại Khoản 10, Điều 108 của dự thảo Luật bổ sung quy định: “Các trường hợp có gian lận, trốn thuế khác theo quy định của Chính phủ”.

Thường trực UBTCNSQH cho rằng, tiêu chí để xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế và phải được quy định trong Luật, tạo căn cứ pháp lý để áp dụng các hình thức xửû phạt phù hợp. Do đó, cần phải quy định cụ thể trong dự thảo Luật về từng hành vi gian lận, trốn lậu thuế. Trường hợp chưa quy định được cụ thể thì nên bỏ quy định tại Khoản 10, Điều 108 của dự thảo Luật.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho rằng, các trường hợp gian lận trốn thuế có nhiều dạng khác nhau, pháp luật không thể quy định hết được, do đó, để đảm bảo có cơ sở pháp lý áp dụng khi có hành vi gian lận trốn thuế xảy ra đề nghị cho phép được quy định bổ sung vào Khoản 10, Điều 108 của dự thảo Luật. Mặt khác, đây chỉ là nội dung giao Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, do đó cũng phù hợp với quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.

Phạt cao hơn với hành vi khai sai

Điều 107 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn bị xử phạt 10% số thuế thiếu. Hành vi khai thiếu đi liền với việc chậm nộp tiền thuế (chiếm dụng tiền thuế), do đó còn bị phạt chậm nộp 0,5%/ngày (theo Điều 106). Thực tế này dẫn đến hiểu lầm là một hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt 2 lần (chưa phù hợp với nguyên tắc xử phạt hành chính).

Vì vậy, tại dự thảo Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã quy định về mức phạt đối với hành vi khai sai: Điều 107 Luật Quản lý thuế quy định: “… khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế, phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc khai sai… dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn”.

Thường trực UBTCNSQH cho rằng, để đảm bảo tính răn đe và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về chế tài xử phạt, cần nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% theo quy định của Luật hiện hành lên mức 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn trả cao hơn.

Tổng cục Hải quan cho rằng, để phù hợp với quy định về khai bổ sung tại Điều 34 Luật Quản lý thuế, khuyến khích người nộp thuế khai bổ sung trước khi cơ quan quản lý thuế kiểm tra, thanh tra thuế. Tổng cục Hải quan sẽ tiếp thu nội dung này theo hướng: Giữ nguyên mức phạt 10% đối với trường hợp người nộp thuế tự khai bổ sung trước khi cơ quan Hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế và phạt 20% đối với trường hợp người nộp thuế không tự khai bổ sung trước khi cơ quan Hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Tăng khung phạt với hành vi trốn thuế

Luật Quản lý thuế hiện hành quy định, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thì coi là trốn thuế và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn. Thực tế hiện nay, có trường hợp người nộp thuế không thể tự khai các khoản thuế, phí để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền thuế đất, thuế thu nhập cá nhân… Như vậy, nếu áp dụng xử phạt hành vi trốn thuế đối với trường hợp vì các lý do mang tính khách quan như trên thì sẽ không hợp lý cho người nộp thuế.

Ngoài ra một số trường hợp người nộp thuế sử dụng không đúng mục đích hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, xét miễn thuế nhưng chưa được quy định là hành vi trốn thuế.

Vì vậy, tại dự thảo Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định không xử phạt trốn thuế đối với các trường hợp người nộp thuế nộp chậm hồ sơ khai thuế do nguyên nhân khách quan theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, về mức phạt đối với hành vi trốn thuế: Điều 108 Luật Quản lý thuế quy định: Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1đến 3 lần số tiền thuế trốn.

Thường trực UBTCNSQH cho rằng, để nâng cao hiệu quả và tính chặt chẽ trong áp dụng chế tài xử phạt, cần thu hẹp khung các mức phạt theo hướng: Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 2 đến 3 lần số tiền thuế trốn (thay vì từ 1 đến 3 lần như hiện hành).

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần giữ mức phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn vì thực tế mức phạt từ 1 đến 3 lần là hợp lý và để đảm bảo tính khả thi trong công tác xử phạt và thu được tiền phạt, trên thực tế là chỉ thu phạt.

Nguồn: Báo Hải quan điện tử