Dứt khoát cách hiểu về “điều kiện kinh doanh”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc họp sáng 25/4 của Thường trực Chính phủ nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, vấn đề điều kiện kinh doanh nổi lên là một trong những vướng mắc lớn nhất.

Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1/7/2016 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, rà soát, bãi bỏ điều kiện không cần thiết và không hợp lý, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư; giảm thiểu hình thức xin cấp phép, xác nhận hoặc chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển sang áp dụng hình thức ban hành điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm; đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh…

Theo Bộ KHĐT, hiện vẫn còn một số vấn đề vướng mắc cơ bản trong công tác này. Việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định thay thế các thông tư là chậm.

Quan trọng hơn, công tác tập hợp, rà soát các điều kiện kinh doanh chưa phân tích, đánh giá tính cần thiết, tính phù hợp, tính hiệu lực và hiệu quả. Do đó, phần lớn các dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh mới chỉ chuyển đổi một cách cơ học các quy định tại các thông tư thành các quy định tương ứng trong nghị định. “Vì vậy, về cơ bản chưa có cải thiện về chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh”, Bộ KHĐT đánh giá.

Một vướng mắc khác đang nổi lên là các bộ, cơ quan vẫn chưa thống nhất cách hiểu về nội hàm “điều kiện đầu tư kinh doanh”.

Chẳng hạn theo Bộ GTVT, hiện Bộ này đang cùng các bộ ngành khác xây dựng và ban hành theo thẩm quyền rất nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó có các quy định về điều kiện kỹ thuật liên quan đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vậy thì quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có phải là điều kiện kinh doanh không?

Vướng mắc tương tự cũng từng được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ra khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ. “Việc nâng các quy định từ cấp độ thông tư lên nghị định gặp nhiều khó khăn. Nếu quy định trong Nghị định thì còn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nữa hay không?”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói và cho biết đã kiến nghị Bộ KHĐT hướng dẫn cụ thể thêm về các vấn đề này.

Kiên quyết xong trước 1/7

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu không để có thêm các giấy phép con, các điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Để làm được điều này, cần gắn việc tổ chức triển khai thực hiện  Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường vai trò của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Thủ tướng đồng ý ban hành các nghị định theo quy trình rút gọn (dùng một nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước 1/7/2016, đồng thời giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng.

Về nội hàm “điều kiện đầu tư kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông đề nghị cần thống nhất cách hiểu theo Nghị định 118 năm 2015 của Chính phủ: “Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng theo quy định của luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư”.

Như vậy, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện áp dụng với các tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, khác với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là quy định đối với hàng hóa, dịch vụ.

Như vậy, các Bộ vẫn sẽ tiếp tục ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây không phải là điều kiện kinh doanh và do đó, các cơ quan quản lý không được phép xem đây là yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp để cản trở họ sản xuất kinh doanh.

Cách hiểu như vậy một mặt vừa giúp gỡ vướng trong việc xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh, mặt khác vừa bảo đảm thuận lợi, tránh rủi ro cho các doanh nghiệp trong quá trình đăng ký kinh doanh và sản xuất kinh doanh.

Hà Chính

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ