Gắng hết sức đem niềm vui đến cử tri 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Làm đại biểu Quốc hội “được” những gì? Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Khóa XI, XII, XIII Huỳnh Văn Tí trả lời ngay “được nhiều chứ”. Trong đó, cái “được” lớn nhất là có điều kiện trực tiếp tiếp xúc, báo cáo cụ thể tình hình và những khó khăn, vướng mắc cũng như nguyện vọng của cử tri địa phương với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Mỗi kiến nghị được giải quyết là thêm niềm vui cho cả đại biểu và cử tri.

“Để phát huy tốt vai trò của người đại biểu dân cử, đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải thực sự có bản lĩnh. Trước cái đúng và cái sai, cái hợp lý và chưa hoặc không hợp lý, phải có thái độ và quan điểm rõ ràng; dám nói, dám đấu tranh vì lẽ phải, vì lợi ích của đất nước, đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của cử tri và dám chịu trách nhiệm về hành vi và những phát ngôn của mình”.

ĐBQH Khóa XI, XII, XIII Huỳnh Văn Tí

Cách làm chưa có tiền lệ

14 năm, 3 khóa liên tục làm đại biểu Quốc hội (Khóa XI, XII, XIII), bây giờ nhìn lại, ông nhớ nhất điều gì?

– Hôm vận động bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XI, cử tri của tỉnh gửi gắm cho các ứng cử viên nhiều tâm tư, nguyện vọng, nhiều kiến nghị bức xúc kéo dài nhiều năm và hy vọng các đại biểu khóa mới sẽ phản ánh, kiến nghị Chính phủ giải quyết có kết quả. Chúng tôi lo lắm! Ban đầu, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với nhau là tập hợp đầy đủ ý kiến cử tri gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp báo cáo trước Quốc hội; đồng thời khi phát biểu thảo luận về kinh tế – xã hội tại tổ hoặc tại hội trường thì tranh thủ kết hợp mang tính chất minh họa, dẫn chứng tình hình, nhất là những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cử tri Bình Thuận để Quốc hội, Chính phủ biết và quan tâm giải quyết.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Ông Huỳnh Văn Tí (bìa phải) thăm gia đình chính sách
Ảnh: Thái Bình

Tuy nhiên, thấy rằng, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đạt. Đoàn chúng tôi bàn với nhau là phải tranh thủ giờ nghỉ giải lao các phiên họp của Quốc hội để gặp gỡ, trao đổi, báo cáo trực tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành và các cơ quan của Trung ương; đồng thời gửi kèm văn bản kiến nghị của Đoàn. Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XI, theo nguyện vọng của cử tri huyện đảo Phú Quý, Đoàn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng giờ phát điện (máy diesel), vì chỉ 5 giờ/ngày là quá ít, hoạt động sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân trên đảo gặp nhiều khó khăn. Văn bản gửi trực tiếp cho anh Đào Văn Hưng – Tổng Giám đốc Tập đoàn và là ĐBQH lúc bấy giờ – vào giờ giải lao sáng hôm trước thì khoảng 17 giờ 30 ngày hôm sau, anh Hưng trực tiếp mang văn bản trả lời “Đồng ý” đến cho Đoàn tại nơi ở. Cầm văn bản trên tay mà nước mắt muốn rơi! Không ngờ kiến nghị rất nhiều năm của bà con cử tri đã được đáp ứng nhanh như vậy! Ngay sau đó, điện đã phát 12 giờ/ngày và tăng dần đến năm 2004 là 24 giờ/ngày.

– Không chỉ tranh thủ giờ nghỉ giải lao các phiên họp của Quốc hội để gặp gỡ, trao đổi, chuyển kiến nghị của cử tri đến lãnh đạo các bộ, ngành, Bình Thuận còn là Đoàn ĐBQH đầu tiên đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ. Vì sao Đoàn Bình Thuận lại nảy ra cách làm mà dường như chưa ai làm?

– Khi trao đổi trực tiếp trong giờ giải lao các phiên họp Quốc hội, những kiến nghị thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương được giải quyết ngay; nhưng hầu hết những kiến nghị còn lại được tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Sợ như vậy sẽ phải thêm thời gian chờ đợi, nên chúng tôi quyết định đăng ký làm việc trực tiếp với Thủ tướng.

Sau khi bàn bạc và thống nhất trong Đoàn, hỏi thăm nhiều Đoàn khác thì được biết chưa có Đoàn nào đăng ký như thế cả, nên chúng tôi cũng lo. Không biết Thủ tướng chấp nhận không? Cách làm việc như thế nào, có giống ở địa phương không?… Nhưng cứ nghĩ đến việc cử tri ở tỉnh đang mong chờ kết quả giải quyết kiến nghị của mình, anh em trong Đoàn lại có thêm động lực. Rất vui là nhận được đề nghị của Đoàn, Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý ngay.

Tôi nhớ như in, mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng phát biểu: “Tôi hoan nghênh các đồng chí Bình Thuận. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội của một tỉnh”. Và chỉ trong vòng 30 phút, sau khi nghe tỉnh báo cáo, các bộ liên quan phát biểu, Thủ tướng kết luận đồng ý chủ trương tiếp tục đầu tư cho Bình Thuận một số công trình thủy lợi và một số kiến nghị khác. Mừng không kể xiết!

Đó là dấu ấn sâu sắc tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XI, khóa đầu tiên trong 3 khóa làm đại biểu Quốc hội của tôi. Cách làm như thế đã được Đoàn ĐBQH Bình Thuận tiếp tục phát huy ở các kỳ họp và các khóa sau này. Nhờ đó, kiến nghị của Đoàn được giải quyết ngày càng nhiều, mang lại niềm vui cho cử tri của tỉnh.

Trưởng thành về nhận thức, tư duy

Theo ông, làm ĐBQH “được” những gì?

– Tôi thấy làm ĐBQH “được” nhiều chứ! Cái “được” đầu tiên là được mở rộng tầm nhìn, mở rộng kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Được hiểu sâu, nắm chắc và nắm kịp các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng và triển khai kịp thời ở địa phương; có điều kiện mở rộng quan hệ với các cơ quan Trung ương và các địa phương bạn… rất có ích cho công việc mình đang đảm trách. Đặc biệt, thời gian tham dự các kỳ họp Quốc hội là lúc có điều kiện trực tiếp tiếp xúc, báo cáo cụ thể tình hình và những khó khăn, vướng mắc cũng như nguyện vọng của cử tri tỉnh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Nhờ vậy, nhiều vướng mắc, khó khăn đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân của tỉnh ngày càng được cải thiện. 

– Nhiều người nói, nghị trường cũng là một trường đại học lớn, ông có nghĩ như vậy không? Tại sao?

– Lúc được giới thiệu ứng cử ĐBQH Khóa XI, tôi lo lắm, xin rút tên nhưng lãnh đạo tỉnh và tập thể động viên nên ở lại. Công tác ở một thành phố thuộc tỉnh vừa được điều động lên tỉnh; khi tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, tôi thấy khá nặng, mà kiến thức các mặt của bản thân – thú thật – hạn hẹp lắm, như kiểu “ếch ngồi đáy giếng“. Vì thế, khi được công bố trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi lo nhiều hơn mừng.

Khi chính thức làm ĐBQH buộc mình phải nỗ lực học hỏi mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, khi dự các phiên họp của Quốc hội, nhất là khi thảo luận những vấn đề quan trọng, những vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm, trực tiếp lắng nghe phát biểu từ các đại biểu là thành viên Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể, cán bộ quản lý ngành, nhà khoa học, thầy thuốc, nhà giáo, quản lý doanh nghiệp… với nhiều ý kiến phong phú, đa dạng, phân tích khá sâu, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, ở những góc độ khác nhau, thậm chí trái chiều… giúp cho mỗi đại biểu nhận thức vấn đề sâu sắc và toàn diện hơn, đồng thời tiếp thu được lượng kiến thức có giá trị khá lớn trên nhiều lĩnh vực. Chính điều đó đã làm cho mỗi đại biểu như tôi, ngày càng trưởng thành về nhận thức, tư duy, góp phần thiết thực, trực tiếp nâng cao năng lực, phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc ở địa phương. Cho nên, nói rằng nghị trường cũng là một trường đại học lớn, theo tôi, rất đúng!

“Làm được việc”, dân sẽ tin yêu

– Từ thực tiễn 14 năm là đại biểu Quốc hội, theo ông, làm thế nào để được cử tri và Nhân dân tin tưởng, yêu mến?

– Theo tôi, ở đâu và bất cứ lúc nào, ở cương vị nào, điều đầu tiên mà cử tri yêu cầu là đại biểu phải luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, đặt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, đặt lợi ích của đất nước, của Nhân dân lên hàng đầu; thực sự tận tụy phục vụ Nhân dân; luôn nêu cao ý thức rèn luyện, gìn giữ đạo đức cách mạng; dám nói, dám bảo vệ cái đúng, bảo vệ lợi ích chính đáng của cử tri và nói chung là phải “làm được việc”, làm có kết quả thiết thực chứ không phải bằng lời hứa suông.

Muốn được như thế, người đại biểu phải không ngừng nỗ lực rèn luyện và học tập để mở rộng và nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình tiếp tục đổi mới ngày càng sâu sắc và toàn diện của đất nước, đổi mới hoạt động của Quốc hội. Phải thực sự gần gũi, gắn bó với cử tri, lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng ý kiến cử tri, trăn trở với những nhu cầu bức xúc trong cuộc sống mà cử tri đã sẻ chia, gửi gắm cho mình; từ đó, cùng với Đoàn ĐBQH phối hợp chặt với địa phương tìm cách xử lý. Không thể đặt ra mục tiêu là tất cả kiến nghị cử tri đều được giải quyết ngay một lúc nhưng ít ra qua mỗi lần tiếp xúc cử tri cũng giải quyết có kết quả cụ thể 1 – 2 việc; để mỗi lần nghe đại biểu chuẩn bị tiếp xúc thì cử tri MONG, khi đại biểu đến thì cử tri MỪNG và khi đại biểu về thì cử tri MẾN.

Anh em chúng tôi thường nói với nhau là mỗi đại biểu phải phấn đấu có “3 M” đó. Nói thì dễ nhưng thực sự không đơn giản chút nào, nếu đại biểu không chịu khó, nỗ lực với quyết tâm cao và nếu không có sự quan tâm cộng tác, phối hợp tích cực của chính quyền các cấp ở địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình của các bộ, ngành Trung ương.

 – Xin cảm ơn ông!