Giải pháp cho thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Yêu cầu bồi thường gia tăng đột biến
Mặc dù văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường thiệt hại trong các lĩnh vực quản lý hành chính; tố tụng (hình sự, dân sự và hành chính); thi hành án (dân sự và hình sự) chưa được ban hành kịp thời, song theo báo cáo tổng hợp tình hình thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong thời gian vừa tại các Bộ, ngành và địa phương thì trong năm 2010 số vụ việc yêu cầu bồi thường đã tăng đột biến so với trước khi Luật này được ban hành.
Cụ thể, tổng hợp tại 43/63 địa phương, đã có 308 đơn yêu cầu bồi thường, trong đó có 220 vụ việc  đã được các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thụ lý giải quyết. Con số này, chưa bao gồm các vụ việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà người bị thiệt hại khởi kiện theo thủ tục giải quyết vụ án hành chính hoặc thủ tục giải quyết vụ án dân sự của Tòa án. Tất nhiên, số lượng này chưa phản ánh đúng thực tế vì còn nhiều bộ ngành, địa phương chưa tổ chức tổng hợp và báo cáo. Mặt khác, người bị thiệt hại, do nhiều trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và còn thời hiệu nhưng tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chưa gửi đơn yêu cầu bồi thường vì cần phải thu thập hồ sơ, chứng cứ. Trong đó, nhiều trường hợp còn phải chờ văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng trong thời gian tới, dự báo yêu cầu bồi thường nhà nước sẽ gia tăng đáng kể khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01.7.2011, do phạm vi giải quyết vụ án hành chính của Tòa án được mở rộng. Đặc biệt, với quy định hồi tố, tức là  cho phép khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi, quyết định quản lý hành chính về đất đai từ năm 2006. Dự báo yêu cầu bồi thường nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai sẽ rất phức tạp. Bởi đây là lĩnh vực có đối tượng rộng, giá trị bồi thường lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp; liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã.

Nhưng thiếu người thạo việc

Hiện nay, ngành Tư pháp phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Cụ thể, ở cấp bộ, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án; phối hợp với TANDTC, VKSNDTC quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng; hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường… Ở cấp tỉnh,  quy định Sở Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Phạm vi thực hiện nhiệm vụ này ở địa phương rất rộng, bao gồm thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường đối với các cơ quan chuyên môn, các ngành ở cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế nên các địa phương gặp khó khăn, lúng túng về việc bố trí cán bộ và xác định đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường. Các Sở Tư pháp địa phương không biết xếp việc này vào phòng/ ban nào cho phù hợp, dễ triển khai. Thực trạng này, dẫn tới hệ quả là quản lý nhà nước về bồi thường chưa được tổ chức bài bản để đáp ứng yêu cầu tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước là hoạt động phức tạp, có thủ tục, thời hiệu, thời hạn chặt chẽ và phải áp dụng các quy định pháp luật về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xác định thiệt hại được bồi thường; thực hiện thương lượng và ban hành quyết định bồi thường; tham gia tố tụng tại Toà án với tư cách là bị đơn để đại diện bảo vệ lợi ích của Nhà nước trong trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, do chưa được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho nên việc giải quyết bồi thường ở địa phương còn gặp phải lúng túng, chưa kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.
Sẽ có cơ quan chuyên trách
Việc giải quyết bồi thường thực chất là xử lý xung đột lợi ích của một bên là người bị thiệt hại và một bên là người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Mặt khác, giải quyết bồi thường có thủ tục phức tạp, trong khi đó cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhà nước có thể là bất kỳ cơ quan, đơn vị nào trong bộ máy nhà nước (thuộc lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án), trong đó bao gồm cả UBND cấp huyện và cấp xã (nếu người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại do các cơ quan này trực tiếp quản lý).
Hơn nữa, trong quan hệ trách nhiệm bồi thường nhà nước, người bị thiệt hại luôn có địa vị pháp lý yếu thế so với bên bồi thường (Nhà nước), cơ quan có trách nhiệm bồi thường lại được tổ chức theo mô hình phân tán, đặt ra yêu cầu phải thiết lập đầu mối đại diện cho phía Nhà nước để người dân tìm đến khi có yêu cầu được hỗ trợ để thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bên cạnh đó, nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường rất rộng, bao gồm cả các nội dung quản lý nhà nước mang tính truyền thống và các nội dung quản lý mang tính chất đặc thù. Thiết nghĩ, để bảo đảm điều kiện về tổ chức bộ máy thực hiện các nhiệm vụ này thì có cần phải có đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp giúp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, trên cơ sở đánh giá, phân tích về yêu cầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ này và tình hình thực tiễn về tổ chức bộ máy của ngành tư pháp, dự thảo Đề án Thành lập đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế  bộ ngành để giúp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Xác định chỉ thành lập đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp (tương đương với các cục, vụ, viện), còn tại các Sở Tư pháp sẽ bố trí các cán bộ chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường. 
Đối với việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại các Bộ, cơ quan ngang bộ cần phải bổ sung biên chế và các điều kiện bảo đảm khác. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 122 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.

Phùng Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân