Giảm thiểu các xung đột pháp luật trong cộng đồng ASEAN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hài hòa hóa tư pháp là tất yếu

Đánh giá về cơ hội và thách thức của lĩnh vực tư pháp khi hội nhập ASEAN, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ thúc đẩy dòng đầu tư thương mại, đặc biệt trong nội khối ASEAN. Bên cạnh những cơ hội mà Cộng đồng mang lại, các quốc gia trong khu vực cũng phải đối mặt những khó khăn, thách thức nhất định, trong đó có những vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại xuyên biên giới sẽ ngày càng gia tăng, tất yếu phát sinh nhu cầu tương trợ tư pháp giữa các nước, tìm kiếm những biện pháp để giải quyết những xung đột tư pháp quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc hội nhập ASEAN và hài hòa hóa tư pháp trong ASEAN trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan tư pháp ASEAN.

Việc hài hòa hóa tư pháp trong ASEAN là một quá trình mà hệ thống các quốc gia thành viên có thể xích lại gần nhau hơn, giảm thiểu các xung đột pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, tố tụng dân sự. Trong quá trình này, thông tin pháp luật của các hệ thống tư pháp của các quốc gia thành viên tiệm cận với nhau và tiệm cận với xu hướng pháp luật của thế giới, từ đó tạo cơ sở cho việc hình thành thể chế liên kết khu vực. Việc thực hiện hội nhập ASEAN và hài hòa hóa tư pháp giúp hệ thống tư pháp của các quốc gia thành viên duy trì thường xuyên quá trình liên kết, xử lý kịp thời những xung đột phát sinh, góp phần xây dựng một ASEAN thống nhất trong đa dạng, ông Bình nhấn mạnh.

Khẳng định việc hài hòa hóa tư pháp trong các nước ASEAN là tất yếu, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Xuân Khôi cho rằng, Việt Nam đang đóng vai trò tích cực xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất, phát triển. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam cũng cần khẳng định tinh thần trách nhiệm thực hiện các cam kết, với tư cách là thành viên cộng đồng tòa án ASEAN. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp của các quốc gia vốn đa dạng, khác biệt. Do vậy, việc hài hòa hóa tư pháp tạo cơ sở cho việc hình thành một thể chế liên kết; giúp các quốc gia xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, tăng cường sự đoàn kết và liên hệ chặt chẽ về tư pháp giữa các quốc gia thành viên; góp phần nâng cao vị thế của mỗi quốc gia thành viên trong khu vực và trên trường quốc tế là việc làm cần thiết. 

Để thực hiện được mục tiêu trên, đòi hỏi Tòa án và thẩm phán trong ASEAN cần thông thạo hơn với khung pháp luật ASEAN đang xuất hiện, bao gồm việc hài hòa hóa, giải thích, áp dụng và thực thi chúng, ông Khôi nhấn mạnh. 

Cần “Tiếng nói” tương đồng

Từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS Hoàng Phước Hiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng, việc hài hòa hóa pháp luật và tư pháp của các nước ASEAN là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, song con đường, phương thức hài hòa pháp luật và tư pháp còn tùy thuộc vào quyết định của từng nước.

Ông Hiệp cho rằng, vấn đề hài hòa hóa pháp luật về lĩnh vực này trong khuôn khổ ASEAN cần phải được xem xét trong một chỉnh thể với vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế của ASEAN. Theo đó, vấn đề hài hòa hóa pháp luật và tư pháp nói chung và vấn đề hài hòa hóa pháp luật và tư pháp về đầu tư trong khuôn khổ ASEAN nói riêng được tiến hành song song ở hai phương diện: hoạt động cải cách pháp luật và tư pháp của từng quốc gia thành viên ASEAN và trong hoạt động tập thể xây dựng các “Bộ luật” chuyên ngành của cả Cộng đồng ASEAN trên nền tảng Hiến chương ASEAN.

Đưa ra một số kết quả quan trọng trong hài hòa hóa pháp luật thực định về đầu tư từ phương diện hoạt động cải cách pháp luật và tư pháp của từng quốc gia thành viên, ông Hiệp cho rằng, pháp luật về đầu tư của đa số các nước ASEAN sau cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 90 của thế kỷ trước đều hài hòa hóa theo hướng có quy định về những lĩnh vực cấm đầu tư, hạn chế đầu tư nước ngoài hoặc đầu tư có điều kiện. Cụ thể như Indonesia sau 1998 có 16 lĩnh vực cấm mọi đầu tư tư nhân, trong đó có kinh doanh sòng bạc, nuôi trồng rong biển;…. có 9 lĩnh vực cấm đầu tư nước ngoài, trong đó có vận tải xe buýt, dịch vụ phát thanh và truyền hình; có 8 lĩnh không cho người nước ngoài sở hữu 100% vốn là xây dựng và kinh doanh cảng biển…

 Trong lĩnh vực xung đột pháp luật đối với các nước ASEAN hiện nay, việc thống nhất các quy tắc lựa chọn pháp luật thông qua ký kết điều ước quốc tế là khó khả thi. Bước đi thích hợp là tìm kiếm một bước đi ngay trước mắt và mang tính chuyển tiếp là xây dựng luật mẫu bộ nguyên tắc mang tính khuyến nghị. Đây cũng là cách tiếp cận đã và đang thành công trong hoạt động hài hòa hóa pháp luật giữa các nước – ( TS. Nguyễn Tiến Vinh – Phó chủ nhiệm phụ trách Bộ môn Luật Quốc tế Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Còn ở Thái Lan, sau năm 1998 có quy định 38 lĩnh vực cấm người nước ngoài kinh doanh. Theo đó, có 21 lĩnh vực cấm vì lý do an ninh, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội; 17 lĩnh vực cấm vì lý do bảo hộ sản xuất kinh doanh trong nước và cạnh tranh… Còn Philippines quy định cấm đầu tư nước ngoài là các lĩnh vực mà Philippines ưu tiên dành cho công dân Philippines; các lĩnh vực trong nước đáp ứng, không cần phải có vốn đầu tư nước ngoài… Việt Nam cũng có các quy định về lĩnh vực cấm cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện tương tự. Còn pháp luật của Lào cơ bản cũng có quy định tương tự pháp luật Việt Nam.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, pháp luật về đầu tư của đa số các nước ASEAN trong những năm gần đây đều hài hòa hóa theo hướng có quy định ở các mức độ khác nhau theo xu hướng tăng cường tự do hóa, thu hút mạnh mẽ dòng đầu tư nước ngoài vào nước mình.

Bên cạnh đó, các nước trong khối ASEAN cũng đưa ra các biện pháp thuế mềm dẻo hơn, thấp hơn để tự do hóa hơn cho nhà đầu tư. Đơn cử, Brunei đã bỏ thuế đối với bất động sản từ ngày 1.1.2013, thuế nhập khẩu đối với máy móc công nghiệp chạy bằng điện, sản phẩm đồ gỗ chỉ còn 5%. Còn Malaysia việc ban hành Luật Tài chính năm 2013, Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… Theo đó, thuế hàng hóa và dịch vụ thay thế cho thuế mua bán và dịch vụ. Thuế hàng hóa và dịch vụ là Thuế VAT được xác định là một mức chung là 6%…

Từ những điểm cơ bản tương đồng này là những thuận lợi khi thực hiện mục tiêu hài hòa hóa tư pháp trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, việc lựa chọn vấn đề, lĩnh vực để tham gia vào tiến trình hài hòa hóa pháp luật và tư pháp trong ASEAN là hoàn toàn phụ thuộc vào sự chuẩn bị sẵn sàng của mỗi nước. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào quá trình đó, song ông Hiệp cũng lưu ý rằng, bên cạnh sức ép các cam kết với WTO, với các đối tác FTA song phương, sức ép từ cam kết theo khung pháp luật ASEAN đối với Việt Nam khá lớn.

Tin và ảnh: Hà An
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân