Góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Nhiệm vụ đặt ra cho Ủy ban Tài chính – Ngân sách Khóa XIV rất nặng nề, khi cùng với những đổi mới về quản lý ngân sách và tài sản công theo quy định pháp luật, bội chi ngân sách luôn ở mức cao và áp lực nợ công vô cùng lớn… Kết thúc nhiệm kỳ, các mục tiêu tài chính, ngân sách 5 năm đều hoàn thành thắng lợi, an ninh tài chính quốc gia được bảo đảm. Thành quả ấy có đóng góp không nhỏ của cơ quan chủ trì tham mưu những quyết sách quan trọng về tài chính, ngân sách cho Quốc hội.

Rõ giải pháp, rõ chính kiến

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tham mưu giúp Quốc hội, UBTVQH trong việc xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện những định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại tài chính, ngân sách, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Nổi bật là đổi mới của Quốc hội trong việc quyết định và thông qua Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương hàng năm.

<img alt=" Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguồn: quochoi.vn" src="” width=”850px” />
Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn: quochoi.vn

“Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải, người vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội, chia sẻ về nhiệm vụ ông tâm đắc nhất trong nhiệm kỳ.

Những năm đầu thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch Đầu tư công trung hạn đứng trước những yêu cầu, thách thức mới, nhất là khi thu ngân sách tiếp tục khó khăn, bội chi ngân sách ở mức cao và áp lực nợ công ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc để xử lý phù hợp.

Trước thực tế này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã chủ động tham mưu, trình Quốc hội quyết định các chỉ tiêu, tổng mức thu, chi ngân sách 5 năm, giới hạn phạm vi bội chi, nợ công làm cơ sở cân đối tổng thể nguồn lực quốc gia trung hạn và điều hành cân đối tài chính, ngân sách hàng năm. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ ngân sách, được Quốc hội, đại biểu đánh giá cao. Trong đó phải kể tới quyết định dự toán thu ngân sách phù hợp thực tế; bảo đảm kiểm soát bội chi năm sau phải thấp hơn năm trước; không phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn dưới 5 năm; điều hành chi ngân sách đúng dự toán được phê duyệt; yêu cầu công khai, minh bạch dự toán, quyết toán ngân sách.

Các báo cáo về ngân sách được chuẩn bị kỹ, thể hiện rõ chính kiến, cung cấp nhiều thông tin, số liệu về quản lý, điều hành. Đặc biệt, Ủy ban luôn thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong quản lý thu, chi, điều hành ngân sách, đưa ra những đề xuất hợp lý giúp các đại biểu có căn cứ thảo luận, thông qua các nghị quyết liên quan. Nhiều đề xuất, kiến nghị của Ủy ban được Quốc hội ghi nhận và thể hiện trong các nghị quyết về kinh tế – xã hội, ngân sách.

Tương tự, Báo cáo quyết toán hàng năm, Báo cáo tài chính nhà nước được Ủy ban thẩm tra kỹ lưỡng, bảo đảm chặt chẽ. Nhiều vấn đề lớn đã được phát hiện và kiến nghị trực tiếp trong các báo cáo thẩm tra. Trong thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm, Ủy ban cũng chỉ ra khá nhiều hạn chế kéo dài nhiều năm trong việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước ở các cấp, ngành từ trung ương tới địa phương như: Công tác lập, giao dự toán thu chưa sát thực tế; cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục; chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương lớn, có xu hướng gia tăng, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách…

Trong thẩm tra các nội dung về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại như: Dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội, Luật Đầu tư công, tình trạng dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư. Việc xác định danh mục các dự án đầu tư công theo thứ tự ưu tiên trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng còn nhiều vướng mắc… Từ đó đề xuất, trình Quốc hội, UBTVQH thông qua nhiều nghị quyết để khắc phục tồn tại từ giai đoạn trước chuyển sang và thực hiện tốt hơn Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn tiếp theo.

Thu về “trái ngọt”

Kết thúc nhiệm kỳ, các mục tiêu tài chính – ngân sách 5 năm 2016 – 2020 theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 đã được hoàn thành thắng lợi.

Cụ thể, cả giai đoạn 2016 – 2020, tổng thu ngân sách đạt 6,89 triệu tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch. Cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011 – 2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84 – 85%), tỷ trọng thu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011 – 2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

Tỷ trọng chi ngân sách bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011 – 2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 ước đạt trên 29% (mục tiêu là 25 – 26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi ngân sách (mục tiêu là dưới 64%). Bội chi ngân sách bình quân 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 3,6% GDP, bảo đảm mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, giảm mạnh so với mức tương ứng là 63,7% và 52,7% năm 2016 (mức trần cho phép là 65% và 54%).

Đằng sau những con số khô khan ấy là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Không chỉ kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của các khóa trước, Ủy ban Tài chính – Ngân sách khóa này đã tiếp tục phát huy trí tuệ các thành viên; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan; cải tiến phương pháp làm việc mang tính khoa học, chuyên nghiệp hơn… Tất cả đều nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, từ đó góp phần vào thành quả chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia

Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Tài chính – Ngân sách được phân công chủ trì nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng, phức tạp như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết về sửa đổi khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước…

Những đạo luật, nghị quyết này góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính theo Hiến pháp năm 2013, tăng cường quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công, tài sản công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Cùng với đó, Ủy ban đã chủ trì thực hiện một số hoạt động giám sát nổi bật như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 – 2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018; Việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện theo Thỏa thuận Bảo lãnh và Cam kết của Chính phủ Việt Nam (GGU) với các nhà đầu tư nước ngoài.