Hệ thống chính sách pháp luật cho ngành bán lẻ nội cần minh bạch
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính đưa đến tình trạng còn nhiều bất câp là do việc phản biện và đóng góp xây dựng chính sách, phát luật chưa tốt. Trước làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, cần điều chỉnh chính sách phân phối, bán lẻ để giúp doanh nghiệp trong nước tồn tại trước làn sóng mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài.

Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường phân phối bán lẻ cũng đã có. Tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ cần phải có hệ thống văn bản hiệu quả hơn, tốt hơn thì còn nhiều khiếm khuyết. Do đó, chính sách, pháp luật phải thực sự minh bạch mới có thể đi vào thực tế.

Tại Hội thảo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn có một hệ thống pháp luật, tất cả các văn bản pháp luật phải minh bạch, rõ ràng và khả thi để cho tất cả các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh bình đẳng và sẵn sàng hội nhập, sẵn sàng cạnh tranh. Tuy nhiên những chính sách nói một cách cụ thể thì chúng tôi  mong muốn có những chính sách ủng hộ được việc phát triển thị trường nội địa mà chúng ta đã có ví dụ như đề án Phát triển thị trường nội địa gắn liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhưng khi triển khai vào thực tế vẫn chậm chạp và thực sự chưa mang được hiệu quả to lớn như mong muốn. Do đó, bên cạnh việc xây dựng những chính sách pháp luật phù hợp với cuộc sống, phù hợp với thời đại hội nhập thì còn phải phù hợp với tình trạng thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam ở từng bước phát triển của họ.”

Có ý kiến cho rằng, những hạn chế của chính sách pháp luật hiện nay có gây trở ngại đối với sự phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nội đối với các doanh nghiệp bán lẻ đến từ nước ngoài? Theo bà Loan thì: các văn bản pháp luật sẽ khó có văn bản nào nhìn thấy được rào cản hoặc sự phân biệt giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, trong thực tế dường như vẫn có tư tưởng hoặc tư duy dường như có chính sách ưu đãi hơn hoặc sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ cho các doanh nghiệp FDI. Hiện nay chúng ta vẫn kêu gọi các Doanh nghiệp FDI vào đầu tư nên đã có những ưu đãi nhất định. Nhưng chúng ta cũng cần phải ủng hộ các doanh nghiệp bán lẻ nội địa nhất là khi các doanh nghiệp này còn đang rất khó khăn và cần sự hỗ trợ để họ có thể phát triển tốt hơn. Nếu đem so sánh trên một tương quan lực lượng thì doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn đang rất yếu và đang rất nhỏ bé.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Việt Nam cũng cho rằng: “Vấn đề chính sách cho thị trường bán lẻ Việt Nam thì doanh nghiệp FDI được ưu ái nhiều nhất, sau đó đến doanh nghiệp nhà nước, cuối cùng là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Ví dụ Metro Cash and Carry được ưu đãi thuế, đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp. Về vấn đề pháp luật, thì hiện nay chưa đầy đủ. Chúng ta chưa có luật về chống độc quyền và luật bán lẻ.”

Hiệp hội bán lẻ cũng nhấn mạnh, để cơ quan nhà nước làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu xem những quy định nào cản trở hoạt động kinh doanh bán lẻ để kiến nghị sửa đổi, từ đó thay đổi cách làm, cách quản lý để có thể cải thiện nền tảng về chính sách, đây là yếu tố có tính tác động lâu dài cho ngành bán lẻ.

Minh Ngọc