Hài hòa lợi ích trong quản lý, sử dụng nước 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trên đường từ thành phố Đà Nẵng đi khảo sát các hồ thủy điện A Vương dung tích 343 triệu m3, Đắk Mi 4 thuộc tỉnh Quảng Nam trong chương trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thấy rõ hệ thống các bậc thang thủy điện sông Vu Gia – Thu Bồn. Nhiệm vụ chính của các công trình là phát điện, trữ nước để bổ sung nguồn nước cho sản xuất và dân sinh vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn, góp phần đẩy mặn vào mùa cạn, làm chậm và giảm lũ cho hạ lưu.

Giải quyết sự “lệch pha” giữa nước sản xuất và nước sinh hoạt

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, đây là hai trong số 22 công trình thủy điện của tỉnh với tổng công suất 1.274 MW, ngoài 73 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 525 triệu m3 nước, 262 trạm bơm điện và 867 đập dâng. Với hệ thống hồ đập này, nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Quảng Nam cơ bản đã được đáp ứng. Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, trên địa bàn thường xuyên nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp, nên nguồn nước về các hồ chứa thủy lợi, thủy điện suy giảm. Mực nước trên các sông dao động ở mức thấp, mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội địa hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, bảo đảm nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất Quảng Nam đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp công trình, phi công trình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập gây ra. Tỉnh đã hướng dẫn bà con sản xuất nông nghiệp với lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng phù hợp, tính toán cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, xây dựng kế hoạch cấp nước hợp lý, thực hiện tưới theo đợt, tưới luân phiên, tưới “khô, ướt xen kẽ” để tiết kiệm nước. Trong đó, việc phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng kế hoạch vận hành xả nước qua phát điện với lưu lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng nước ở hạ du là rất quan trọng. Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chủ động bảo đảm nguồn nước tưới cho lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản và nước cấp cho sinh hoạt và công nghiệp trên cơ sở triển khai có hiệu quả quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Các hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành được phê duyệt bảo đảm việc quản lý, vận hành và chế độ thông tin, báo cáo của các công trình hồ chứa thủy điện thực hiện cơ bản bảo đảm theo quy định.

Đà Nẵng có 73 công trình thủy lợi gồm 20 hồ chứa, 29 đập dâng và 24 trạm bơm, trong đó có hệ thống thủy lợi An Trạch mà Đoàn đến khảo sát gồm 4 đập dâng An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít và Thanh Quít, cấp nước tưới cho 3 huyện Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn và cấp nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo báo cáo của thành phố Đà Nẵng, vấn đề ở đây là nguồn nước thô chính để cung cấp cho thành phố Đà Nẵng lại phụ thuộc quá nhiều vào việc sử dụng nước trên thượng nguồn của lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phía tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là việc Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 chuyển nước từ sông Đắk Mi ở thượng nguồn sông Vu Gia về phía thượng nguồn sông Thu Bồn để phát điện đã làm mất đi một lượng nước cơ bản của dòng chính sông Vu Gia chảy về hạ lưu. Do đó, theo ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Nhà máy thủy điện A Vương, tuy các nhà máy thủy điện thường xuyên phối hợp, chủ động cung cấp thông tin về tình hình nguồn nước và khả năng đáp ứng của hồ thủy điện, nhưng ở một số thời điểm nhất định, do có nhu cầu khác biệt của các địa phương nên công tác vận hành và điều tiết hồ chứa thủy điện rất khó khăn, khó đáp ứng yêu cầu của các bên có liên quan.

Tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, công suất 230 nghìn m3/ngày, bảo đảm 80% nhu cầu của thành phố, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng cho biết, mặc dù luôn được đầu tư mới hiện đại, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm chất lượng nước sạch sản xuất tại nhà máy uống trực tiếp được, nhưng vấn đề nhiễm mặn nguồn nước thô ngày càng trầm trọng, trong khi nhu cầu nước sạch của Đà Nẵng ngày càng tăng. Năm 2019 có tới 212 ngày nước bị nhiễm mặn. Thực tế này cần nhiều giải pháp đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng giữa hai địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan mới có thể giải quyết được sự “lệch pha” giữa nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ của Quảng Nam và nước cho sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ

Trao đổi với hai địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý cần có phương án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập trên cơ sở phối hợp chặt chẽ và tham vấn thường xuyên giữa hai địa phương, giải quyết hài hòa lợi ích giữa nước tưới cho nông nghiệp theo thời vụ, nước cho phát điện và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, tự động hóa, số hóa trong điều tra cơ bản và dự báo, quản lý, điều tiết, dự trữ và sử dụng nước để phát huy tối đa hiệu quả, hiệu lực các hệ thống thủy lợi và hồ chứa nước, bảo đảm nguồn nước ổn định, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Các hồ thủy điện phải bảo đảm dung tích phòng lũ. Bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước đang bị hư hỏng, xuống cấp để bảo đảm an toàn hồ đập, công trình, hạ du và chủ động phương án ứng phó phù hợp. Cùng với đó, phải thường xuyên kiểm tra công tác vận hành, phương án bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ chứa.

Biến đổi khí hậu đang có xu hướng tác động ngày càng cực đoan đến điều kiện thủy văn tại các hồ chứa nước không theo quy luật và chuỗi số liệu quan trắc nhiều chục năm dẫn đến thiếu hụt nguồn nước trầm trọng trong khi nhu cầu sử dụng nước ở hạ du ngày một tăng. Trong bối cảnh đó, yêu cầu phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bên trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập ở đây trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.