Khắc phục “lỗ hổng” về vô hiệu giao dịch dân sự
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ luật Dân sự vốn được xem là bộ luật gốc, là cơ sở của luật chuyên ngành, điều chỉnh các quan hệ dân sự trong đời sống hằng ngày nên nhận được sự quan tâm rất lớn từ mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp.

Qua gần 10 năm thi hành Bộ luật Dân sự 2005, từ thực tế xét xử, giải quyết các yêu cầu về giao dịch dân sự vô hiệu thì trường hợp vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức giao dịch chiếm tỷ lệ rất cao, đồng thời được coi là lỗ hổng của pháp luật dân sự, gây bức xúc cho nhân dân.

“Lách” quy định để vi phạm một cách hợp pháp

Kế thừa quy định tại Bộ luật Dân sự 1995 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.

Mặc dù không quy định cứng là giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức sẽ bị vô hiệu như Bộ luật Dân sự 1995, theo Bộ luật Dân sự 2005 thì giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức chỉ bị tuyên bố vô hiệu khi một trong hai bên có yêu cầu đến Tòa án trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, quy định về việc Tòa án ấn định cho hai bên một thời gian nhất định (thông thường là 1 tháng) để thực hiện đúng quy định về hình thức của giao dịch không có ý nghĩa.

Thực tế, do hai bên phát sinh tranh chấp, không thể dung hòa về quyền lợi, nghĩa vụ nên mới đưa ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. Vì đã có mâu thuẫn về quyền lợi nên việc Tòa án ấn định thời hạn để hai bên cùng nhau thực hiện việc công chứng, chứng thực giao dịch theo đúng quy định là không khả thi.

Đây chính là “lỗ hổng” mà không ít trường hợp bên bán/chuyển nhượng tài sản (chủ yếu) lợi dụng để vi phạm nghĩa vụ – từ chối bán tài sản (khi tài sản tăng giá) hoặc bên mua/nhận chuyển nhượng từ chối mua tài sản (khi giá trị tài sản bị giảm sút) một cách hợp pháp.

Như vậy, vô hình chung với quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2005, pháp luật lại bảo vệ cho bên vi phạm nghĩa vụ, thiếu trung thực và thiện chí trong giao dịch dân sự, không đảm bảo được tính công bằng của pháp luật.

Khắc phục “lỗ hổng” để đảm bảo quyền lợi cho các bên

Để khắc phục lỗ hổng nêu trên, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, tại khoản 1, Điều 145 như sau:

Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:

a. Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó;

b. Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời gian hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thi giao dịch dân sự đó vô hiệu”.

Như vậy, theo quy định mới, nếu giao dịch dân sự không đúng hình thức theo luật định nhưng giao dịch đó không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và các chủ thể đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc thì không bị vô hiệu.

Quy định này sẽ góp phần ổn định quan hệ dân sự (đối với trường hợp đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc theo thỏa thuận), tránh trường hợp một bên chủ thể lợi dụng để vi phạm cam kết, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của bên kia, đồng thời đảm bảo được quyền lợi cho bên thứ ba (giao dịch dân sự không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác).

Quy định về điều kiện hình thức giao dịch dân sự (bằng văn bản, được công chứng, chứng thực) chủ yếu được áp dụng với bất động sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, thường là những tài sản có giá trị lớn. Mục đích của quy định này là để tạo căn cứ, cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý Nhà nước đối với các tài sản có đăng ký quyền sở hữu và bảo vệ quyền lợi cho hai bên cũng như người thứ ba.

Có thể khẳng định, việc không tuân thủ quy định về hình thức giao dịch dân sự đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại, một phần là do ý thức của người dân không nắm được quy định pháp luật và phần lớn là do đối tượng của giao dịch dân sự chưa đáp ứng, không đủ điều kiện để thực hiện quy định về hình thức.

Ví dụ, theo quy định, để thực hiện công chứng, chứng thực giao dịch thì phải có “Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản” nhưng rất nhiều trường hợp người có tài sản hoặc được công nhận quyền sở hữu hợp pháp chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhưng do nhu cầu, điều kiện bắt buộc họ phải thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản. Do đó, mặc dù biết và mong muốn nhưng chủ thể tham gia giao dịch không thể tuân thủ quy định về hình thức. Vì vậy, pháp  luật dân sự cần phải có cơ chế hợp lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các bên tham gia giao dịch này.

Thực tế hiện nay, một số quốc gia trên thế giới không đề cao quy định về hình thức đối với giao dịch dân sự, đặc biệt là Hợp đồng dân sự (chiếm chủ yếu trong các giao dịch dân sự). Bộ nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế tuyệt đối không coi trọng hình thức hợp đồng, các bên có thể chứng minh quan hệ hợp đồng bằng bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, đối với điều kiện kinh tế-xã hội ở Việt Nam thì quy định về hình thức giao dịch dân sự vẫn là cần thiết. Quy định tại Điều 145, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ khắc phục được lỗ hổng của Bộ luật Dân sự 2005, tạo ra cơ chế mới để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch dân sự đồng thời đảm bảo sự phù hợp với mục đích của quy định về điều kiện hình thức của giao dịch dân sự.

LS. Hà Thị Thanh – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ