Khẩn trương hoàn thiện pháp luật cho các mô hình kinh tế mới 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Với rất nhiều chủ trương, chính sách lớn và mới được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc thực hiện đột phá chiến lược về cải cách thể chế đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng và cả những thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ, nhất là trong 2 năm 2021, 2022 – cao điểm triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện pháp luật cho sự hình thành và vận hành của các mô hình kinh tế mới.

Bảo đảm sự đồng thuận cao của xã hội

Với nhận thức tầm quan trọng của công tác thể chế, sau khi kiện toàn một bước các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, ngay từ phiên họp đầu tiên vào tháng 4.2021, Chính phủ đã quyết nghị, coi nhiệm vụ rà soát pháp luật, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, cần triển khai ngay ở tất cả bộ, ngành, địa phương. Chính phủ giao các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo, phụ trách công tác xây dựng pháp luật, chỉ đạo tổ chức huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, khắc phục các hạn chế, bất cập thể hiện ở chất lượng, tiến độ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, một số nghị định, thông tư chưa được sửa đổi, thay thế kịp thời để phù hợp với các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý gây cản trở đến các hoạt động phát triển kinh tế, cần tăng cường chỉ đạo rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật, cần tạo ra những động lực mới từ các cơ chế chính sách, hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid – 19 vừa phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là cần rà soát, sửa đổi ngay các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn quy định trong các nghị định, thông tư, hoàn thành trong quý III.2021. Việc xây dựng hoặc tham gia ý kiến về văn bản pháp luật phải bám sát yêu cầu phát triển và đổi mới của ngành, lĩnh vực quản lý, tránh tình trạng không có ý kiến dẫn đến văn bản ban hành không khả thi hoặc phát sinh vướng mắc mới. Việc rà soát pháp luật được Chính phủ chỉ đạo trực tiếp đến từng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh yêu cầu chỉ đạo tổ chức rà soát ngay các vướng mắc do các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đất đai, quy hoạch, quản lý tài sản công, thuế… để khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi.

Trong quá trình xây dựng pháp luật, các bộ, cơ quan phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, tránh tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phải kiểm soát chặt chẽ các quy định thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải chủ động lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, truyền thông về dự kiến chính sách mới, huy động sự tham gia có hiệu quả của các chuyên gia, nhà khoa học và người làm công tác thực tiễn để tiếp thu những ý kiến xác đáng trên tinh thần cầu thị, bảo đảm sự đồng thuận cao của xã hội và tính khả thi của chính sách.

Nhiệm vụ vẫn còn rất lớn

Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành còn rất lớn nhằm tiếp tục, đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường về nhiều nội dung quan trọng như: Thực hiện rà soát các nghị quyết, chủ trương của Đảng trong thời gian qua, nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế chính sách hiện hành về: Chế độ sở hữu, về thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường bất động sản; phát triển kinh tế số và chuyển đổi số; quản lý đất đai, phân bổ nguồn lực, quản lý ngân sách, tài sản công; quản lý quy hoạch không gian, quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành; thủ tục các dự án đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, xây dựng, môi trường, khai thác tài nguyên; điều kiện gia nhập thị trường, quyền tự do kinh doanh, vai trò của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài; phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế ở cấp Trung ương và địa phương…

Để có căn cứ pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh tế, thương mại, dân sự phát triển theo cơ chế thị trường, huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cùng với Nhà nước để tạo ra đột phá về thể chế mạnh mẽ hơn, trong thời gian tới cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực như: Cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số; hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí, ngân sách nhà nước; đầu tư của Nhà nước vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh; pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ; pháp luật về giải quyết các tranh chấp dân sự; cơ chế về tổ chức, bộ máy, biên chế, bảo hiểm xã hội và tiền lương ở khu vực công; pháp luật chuyên ngành trong các ngành liên quan đến phát triển hạ tầng như: Quy hoạch đô thị, nhà ở, bất động sản, năng lượng, dầu khí, giao thông (đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt)…

Đồng thời với việc sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm rà soát tổng thể các quan hệ chính trị, ngoại giao, đầu tư, thương mại của Việt Nam với các nước, tổ chức, định chế quốc tế, các Hiệp định thương mại, đề xuất hoàn thiện thể chế thực thi và khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế (WTO, CPTPP, các hiệp định đa phương và song phương), xây dựng các chính sách phù hợp để phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, tránh phụ thuộc vào một số thị trường; có giải pháp kịp thời, phù hợp với những diễn biến mới trong chính sách thương mại của các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU…