Khi văn bản không phù hợp…
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lẫn lộn về cách tính bình quân lương theo ngày

Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5.1.2005 (gọi tắt là TT 08) của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm việc thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức (kể cả những người đang trong thời gian tập sự, thử việc và lao động hợp đồng đã được xếp lương do Nhà nước quy định làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập). Theo đó, TT 08 hướng dẫn bình quân tiền lương hàng tháng cho 22 ngày làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, xác định tiền lương làm việc mỗi ngày để làm căn cứ thanh toán chế độ ngày công làm việc thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức là không chính xác. Bởi, đối với cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thì tiền lương hàng tháng của họ được trang trải cho 30 ngày hoặc 31 ngày theo lịch hàng tháng. Nếu tính bình quân tiền lương của mỗi tháng cho 22 ngày làm việc thì những ngày nghỉ phép, nghỉ lễ, Tết, thứ bảy, chủ nhật, cán bộ, công chức, viên chức lấy gì để trang trải trong thời gian nghỉ ngơi theo chế độ quy định. TT 08 chỉ phù hợp đối với những người làm công hưởng lương công nhật theo lao động phổ thông hoặc lao động theo hợp đồng thời vụ không được xếp theo bảng lương do Nhà nước quy định. Do đó, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính không thể hướng dẫn đánh đồng cán bộ, công chức, viên chức cùng chung một diện. Trong thực tiễn, những năm qua các ngành, các cấp căn cứ TT 08 để thực hiện bình quân tiền lương hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức cho 22 ngày làm việc để làm cơ sở huy động nghĩa vụ đóng góp mỗi cán bộ, công chức, viên chức một ngày lương cho các hoạt động xã hội. Đồng thời, có nhiều địa phương cũng căn cứ TT 08 để huy động thêm mỗi cán bộ, công chức, viên chức có hộ khẩu thường trú một ngày lương cho đủ chỉ tiêu. Thế là, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện mỗi nghĩa vụ 2 lần đóng góp từ thu nhập và chi tiêu thường ngày của những người làm công hưởng lương từ ngân sách nhà nước là không phù hợp với thực tế khách quan.

Hai mặt đối lập từ các nghị định của Chính phủ

Từ năm 2000 – 2012, giá cả lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… tăng lên đáng kể, ảnh hưởng không ít đến đời sống và điều kiện sinh hoạt của đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công hưởng lương. Do đó, Chính phủ đã ban hành 8 nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu chung từ 180.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng, tăng trên gấp 5 lần. Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lượng vũ trang và người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp… nhằm tháo gỡ bớt một phần khó khăn cho cán bộ, công chức trong điều kiện giá cả thị trường hiện nay.

Ngược lại, để thực hiện Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2007, từ năm 1998 đến năm 2011, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định quy định bắt buộc cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; những người được bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ theo nhiệm kỳ; những người được tuyển dụng vào các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp nhà nước; cán bộ theo các chức danh Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là những đối tượng phải kê khai tài sản, giá trị mỗi loại tài sản từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai.

Như vậy, so sánh giữa các Nghị định của Chính phủ thấy những bất hợp lý. Bởi, loại tài sản có giá trị 50 triệu đồng thời kỳ năm 1998 – 2004 là loại tài sản có giá trị khá lớn. Nếu so sánh với giá lương thực, thực phẩm thời điểm năm 2000 với thời điểm hiện tại thì giá cả cũng chênh lệch tăng lên gấp nhiều lần. Hoặc, 50 triệu đồng đem ra mua – bán vàng theo giá thị trường vào những năm 2004 trở về trước thì sẽ được khoảng 11 lạng, nhưng thời điểm hiện tại đem 50 triệu đồng giao dịch mua – bán vàng thì được khoảng 11 chỉ. Điều đó cho thấy, hiện nay Chính phủ còn quy định giá trị mỗi tài sản 50 triệu đồng cán bộ, công chức phải kê khai là không còn phù hợp với giá cả thị trường và không tương xứng với việc tăng mức lương tối thiểu chung vừa qua.

Từ thực tế này, Chính phủ cần điều chỉnh giá trị mỗi tài sản phải kê khai cho phù hợp với thực tiễn khách quan; Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cần sớm hướng dẫn cách xác định bình quân tiền lương hằng tháng tính ngày theo lịch của tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhằm giúp cho việc huy động ngày công nghĩa vụ được chính xác, không ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức đã nêu trên.

Thái Nguyên Toàn
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân