“Khóa” gian lận chứ đừng chặn DN xuất nhập khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý, thời gian qua, Thông tư 38 đã bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý. Một số đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng trong quy trình thủ tục hải quan để thực hiện hành vi gian lận thương mại, buôn lậu.

Nở rộ gian lận thương mại

Cụ thể, về xác minh tờ khai hải quan, Khoản 1 Điều 22 Thông tư 38 quy định, cơ quan Hải quan sẽ tự hủy tờ khai khi quá hạn 15 ngày mà người khai hải quan chưa có hàng hóa đưa vào khu vực giám sát hải quan hoặc chưa thực hiện thủ tục kiểm tra hải quan với cơ quan Hải quan.

Lợi dụng quy định này, một số DN sau khi mở tờ khai hải quan, biết kết quả phân luồng đã cố tình không nộp chứng từ hoặc xuất trình hàng hoá có khả năng vi phạm (khai sai, khai không đúng…) để cơ quan Hải quan kiểm tra mà chờ tờ khai hết hạn hiệu lực để mở tờ khai mới; hoặc đi đăng ký tờ khai mới ngay và để tờ khai cũ tự hết hiệu lực nhằm hợp thức hóa hành vi gian lận.

Bên cạnh đó, Thông tư 38 chưa có nội dung quy định về việc khai bổ sung trong trường hợp gửi thừa hàng, nhầm hàng nên nhiều trường hợp người khai cố tình khai sai tên hàng, mã số, chủng loại, số lượng để trốn tránh nghĩa vụ thuế, trốn thực hiện các chính sách mặt hàng và phân luồng.

Ngoài ra, việc cho phép đưa hàng về bảo quản dựa trên cơ sở đề nghị của DN và người khai hải quan tự chịu trách nhiệm bảo quản hàng hoá mà không quy định cụ thể các điều kiện cần đáp ứng về khu vực lưu giữ hàng hoá đưa về bảo quản đã làm phát sinh vi phạm như: Hàng hoá đang trong quá trình bảo quản đã được đưa vào tiêu thụ…

Cần thận trọng

Để đảm bảo công bằng trong kinh doanh và thực thi pháp luật, ban soạn thảo cho biết sẽ trám các lỗ hổng trên. Tuy nhiên, theo đại diện DN và hải quan, việc sửa đổi cần thận trọng. Cụ thể, quy định về kho bãi đưa hàng về bảo quản, đại diện Cục Hải quan Bình Dương cho rằng cần xem xét lại quy định địa điểm kho bãi phải trang bị hệ thống camera giám sát kho, bãi có chia sẻ hình ảnh với cơ quan Hải quan, phải được Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác nhận vì quy định này sẽ gây khó khăn cho DN, đặc biệt là DNNVV. Nếu cứ bắt buộc như vậy thì đồng nghĩa với việc các DN phải đi thuê kho bãi đủ tiêu chuẩn, phát sinh thêm chi phí, tạo gánh nặng cho DN. Về lưu giữ chứng từ, dự thảo quy định người khai hải quan có trách nhiệm lưu giữ tất cả các chứng từ và xuất trình cho cơ quan Hải quan khi kiểm tra sau thông quan hoặc thanh tra chuyên ngành. Theo các DN, quy định này không những không khắc phục được sự không rõ ràng về số lượng chứng từ phải nộp xuất trình tại thời điểm thông quan, tại thời điểm kiểm tra sau thông quan và đặc biệt những chứng từ DN phải lưu tại trụ sở DN để chứng minh việc khai báo đã thực hiện của quy định trước mà còn tạo nên áp lực cho DN.

Đại diện DN Dệt và nhuộm Hưng Yên cho biết: đa phần DN lưu giấy tờ theo dạng điện tử. Tùy thuộc mục hàng, ngành hàng DN mới lưu thêm những giấy tờ chính. Nếu liệt kê tất cả các chứng từ cần nộp và lưu trữ thì sẽ quá nhiều với một số DN hoặc không đủ với các DN khác, tùy theo hợp đồng, loại hình kinh doanh.

Minh Nguyên
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp