Khoảng trống pháp lý trong đấu giá tài sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có biểu hiện “thông đồng”

Ông Lê Văn Tuấn, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp cho biết, chất lượng nhiều phiên đấu giá tài sản hiện chưa cao, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thông đồng, dìm giá, khiến giá trị tài sản bán vượt mức giá khởi điểm không đáng kể. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục đấu giá chưa đầy đủ, chặt chẽ; còn thiếu cơ chế kiểm soát hoạt động bán đấu giá.

Tại nhiều địa phương xuất hiện đối tượng cò mồi thỏa thuận với nhau trả giá thấp, sau đó ra ngoài đấu lại, chia nhau những khoản tiền không nhỏ, gây thất thoát lớn cho ngân sách. Trong đó, phổ biến nhất là hiện tượng đấu giá viên chủ động bàn bạc với người tham gia bằng cách đặt ra quy định, nội quy về bán đấu giá. Các bên thường thỏa thuận tổ chức đấu giá tài sản làm 2 vòng. Ở vòng đầu, một người trả trên mức giá sàn chút đỉnh và một người trả giá rất cao để không có người tiếp theo trả giá. Sau khi hai người này được vào vòng 2 đấu giá, người trả giá cao nhất của vòng 1 sẽ trả giá phạm quy, tức là giá thấp hơn giá khởi điểm của vòng 2 theo nội quy đấu giá. Như vậy, người kia đương nhiên được trúng tài sản đấu giá, mặc dù chỉ phải trả một khoản tiền thấp. Mặc dù có biểu hiện thiếu minh bạch nhưng người phạm quy chỉ bị mất khoản tiền đặt cọc theo Điều 39 Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản, trong khi đáng lẽ cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết loại bỏ kết quả đấu giá và buộc phải đấu giá lại.

Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định về tiêu chí, cách thức lựa chọn tổ chức đấu giá để thực hiện bán đấu giá tài sản nên việc lựa chọn tổ chức đấu giá hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có tài sản, dẫn tới hiện tượng có doanh nghiệp “sân sau” trong hoạt động bán đấu giá. Điều 28 của Nghị định 17/2010 cho phép thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá do từng tổ chức bán đấu giá quyết định dẫn đến tình trạng tùy tiện, ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng khi đăng ký mua tài sản bán đấu giá. Nhiều phiên đấu giá đã khoanh vùng, hạn chế và chọn lọc đối tượng tham gia, hạn chế thông tin về phiên đấu giá như không thông báo hoặc có thông báo nhưng không niêm yết hay cho niêm yết không đúng nơi có tài sản bán đấu giá, gây khó khăn cho người đến mua hồ sơ xin đấu giá. Khi đó, phiên đấu giá thực chất chỉ là “màn kịch” của những người tham gia đã được chọn lọc.

Tình trạng băng nhóm xã hội đen khống chế, đe dọa người tham gia đấu giá cũng xuất hiện tại nhiều địa phương. Mặc dù Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp có quy định xử phạt đối với loại hành vi này, nhưng vì diễn ra bên ngoài và trước khi tổ chức cuộc bán đấu giá nên các đấu giá viên không thể kiểm soát được hết, dẫn đến hiệu quả đấu giá không cao, gây thiệt hại cho người có tài sản bán đấu giá.

Mức phạt vi phạm hành chính cao nhất đối với hoạt động bán đấu giá tài sản hiện còn thấp so với giá trị tài sản cũng là sơ hở để nhiều đối tượng lợi dụng nhằm hợp pháp hóa tài sản buôn lậu hoặc không rõ nguồn gốc.

Tiền đã trao, tài sản vẫn biệt tăm

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá hiện không dễ dàng, đặc biệt là tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm. Trong một số trường hợp, quyền lợi của người mua tài sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không nhận được tài sản sau hàng chục năm. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc người dân “tẩy chay” những tài sản mà việc chuyển giao quyền sở hữu gặp nhiều khó khăn.

Có muôn vàn lý do lý giải việc người trúng đấu giá đã hoàn thành mọi nghĩa vụ nhưng không được nhận tài sản. Đơn cử như tài sản thi hành án dù đã được kê biên, định giá nhưng vẫn giao cho chủ sở hữu – là người phải thi hành án quản lý, sử dụng nên khi đấu giá xong, người này chống đối không trả lại tài sản. Mặt khác, theo phản ánh của một số tổ chức bán đấu giá, không ít trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính khi ra quyết định tịch thu sung quỹ tang vật, phương tiện vi phạm không thực hiện việc chuyển giao đúng thời hạn quy định, thêm điều kiện về kho bãi khiến việc quản lý tang vật, phương tiện không bảo đảm, đã làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản. Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương có hoạt động bán đấu giá tài sản diễn ra sôi động bậc nhất cả nước, cũng gặp phải vướng mắc khi bàn giao tài sản, do cơ quan quản lý từ chối hoặc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã bán đấu giá. Nguyên nhân còn nằm ở chỗ người phải thi hành án có hành vi đe dọa hoặc tài sản thi hành án liên quan đến bản án bị khiếu nại kéo dài. Từ đó, thiệt thòi luôn thuộc về người trúng đấu giá.

Do không nhận được tài sản, nhiều người muốn hủy kết quả bán đấu giá nhưng cũng không dễ. Theo Nghị định số 17/2010, việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án phải có thỏa thuận giữa người có tài sản, người mua được tài sản, tổ chức bán đấu giá cũng như người phải thi hành án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người phải thi hành án không hợp tác với cơ quan thi hành án để hủy kết quả bán đấu giá. Kết quả là người mua không nhận được tài sản mà cũng không lấy lại được tiền.

 Có ý kiến cho rằng, nên thiết kế một điều luật ràng buộc trách nhiệm của tổ chức bán đấu giá trong việc bàn giao tài sản, theo đó, bắt buộc giao tài sản trong 30 ngày hoặc kéo dài tới 60 ngày trong trường hợp đặc biệt. Song, giải pháp tối ưu có lẽ là cơ quan thi hành án chỉ tổ chức đấu giá tài sản khi đã trực tiếp quản lý tài sản, tránh trường hợp người trúng đấu giá rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” như hiện nay.

Thảo Mộc
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân