Không hình sự hóa các vi phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hỗ trợ kiểm tra, giám sát hải quan

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 9 tháng năm 2014, nền kinh tế của nước ta đạt mức tăng trưởng 5,8% so với năm ngoái, tuy nhiên, có tới 57.000 doanh nghiệp giải thể do khó khăn về kinh tế, số doanh nghiệp mới thành lập không nhiều và chỉ có 29% doanh nghiệp làm ăn có lãi. Trong đó, số doanh nghiệp có giá trị gia tăng thông qua thuế quan chỉ chiếm 24%. Cụ thể, đối với lĩnh vực hải quan, số doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu cơ bản vẫn giống như những năm trước, kim ngạch tăng trưởng có gia tăng cũng chỉ tập trung ở khu vực FDI, chiếm 66%.

Song với quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật Hải quan (sửa đổi) được ban hành ngày 23.6.2014 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 được nhận định sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bên cạnh việc bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia.

Và một trong những nội dung bổ sung cơ bản phải nhắc đến là việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Theo đó, không chỉ nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế, quản trị doanh nghiệp tốt, cũng như làm tiền đề thực hiện việc công nhận chế độ ưu tiên giữa các quốc gia như hải quan các nước, công tác quản lý rủi ro còn giúp tạo điều kiện để cơ quan hải quan tập trung nguồn lực ở những nơi rủi ro cao, giảm ở những nơi có rủi ro thấp, góp phần bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan. Đặc biệt, áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan góp phần tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế. Cụ thể, khoản 1, Điều 17 Luật Hải quan (sửa đổi) năm 2014 quy định: cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hỗ trợ hoạt động phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Không phải là cơ sở để hình sự hóa

Với mục tiêu kể trên, khẳng định quản lý rủi ro là xương sống của hải quan hiện đại, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đồng thời cho biết: việc áp dụng quản lý rủi ro được quán triệt trong từng quy trình, nghiệp vụ hải quan từ kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan, giám sát hải quan, thu nhập, xử lý thông tin hải quan và thậm chí là kiểm tra sau thông quan.

Theo Thông tư số 175 ngày 29.11.2013 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, cơ quan hải quan áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro để xác định trọng điểm kiểm tra sau thông quan (xác lập danh sách doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm tra sau thông quan, xác định lô hàng phải kiểm tra sau thông quan). Theo đó, quy định và phân công nhiệm vụ cụ thể việc phân tích thông tin, áp dụng tiêu chí và lựa chọn đối tượng kiểm tra có hiệu quả; đồng thời, cập nhật đầy đủ, kịp thời kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra sau thông quan vào hệ thống dữ liệu của ngành hải quan.

Như vậy, áp dụng quản lý rủi ro đối với công tác kiểm tra sau thông quan là việc áp dụng có hệ thống các quy định của pháp luật, các quy trình, viện pháp nghiệp vụ để xác định đánh giá và phân loại các rủi ro có tác động tiêu cực đến hiệu quả quản lý hải quan làm cơ sở để cơ quan hải quan áp dụng hiệu quả các biện pháp hải quan và quản lý thuế; từ đó, hỗ trợ phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại. Chứ đây hoàn toàn không phải là cơ sở để hình sự hóa các vi phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan được quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Hải quan (sửa đổi) năm 2014 về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đó là chưa kể quy định cơ quan hải quan chỉ được áp dụng biện pháp tuần tra; điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự khi tiến hành kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan, theo khoản 2, Điều 88 về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Lý giải trên chính là lời đáp cho sự băn khoăn của đại diện một doanh nghiệp có mặt tại buổi Đối thoại khi cho rằng, việc hình sự hóa hoạt động kiểm tra sau thông quan sẽ khiến các doanh nghiệp sợå hãi trách nhiệm, cố gắng lách luật và trong trường hợp có sai sót, nếu không có biện pháp xử lý hợp lý, cẩn thận sẽ đẩy các doanh nghiệp đến mức phá sản, từ  đó, cản trở quá trình hoạt động nghiệp vụ hải quan. Và để khẳng định thêm một lần nữa về nội dung quy định này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ sẽ có văn bản đối với Tổng cục Hải quan nêu rõ không được hình sự hóa trong công tác quản lý rủi ro, đối với các đối tượng có rủi ro cao chỉ áp dụng biện pháp điều tra như luật định. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tại phiên họp báo thường kỳ chiều ngày 29.10 – Đó là không hình sự hóa với những trường hợp vi phạm kinh tế khi không cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất cho những người vi phạm tự khắc phục; khi nào họ không tự khắc phục được thì tìm biện pháp ngăn chặn cần thiết – Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh…

Bạch Dương
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân điện tử