Không nên cho người đã bị kết án được hành nghề luật sư
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quy định chặt chẽ đối tượng được hành nghề luật sư

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư đã thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI. Sau 5 năm thi hành, Luật Luật sư đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả. Về cơ bản, các quy định của Luật Luật sư là đúng hướng và đa phần vẫn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, có nhiều quy định tiếp cận với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động luật sư ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư, tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.

Số lượng luật sư hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư ở một số địa phương còn lỏng lẻo, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, có sự trùng lặp giữa quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư… 

Hai vấn đề “nổi” lên trong phiên thảo luận tổ là quy định cho phép các điều tra viên tham gia hành nghề luật sư và quy định cho phép những người đã bị kết án nhưng đã hết thời hạn chịu án được hành nghề luật sư.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, với lực lượng điều tra viên của Công an, không phải ai cũng có trình độ về cử nhân luật nên không thể đưa vào làm luật sư. Tuy nhiên, đại biểu Khánh lại ủng hộ việc để các cán bộ viên chức đang giảng dạy luật được hành nghề luật sư vì hiện nay, chúng ta đang thiếu luật sư, mà đội ngũ này lại có trình độ.

Với những người phạm tội nghiêm trọng do cố ý, đã bị kết án tội phạm nghiêm trọng, đại biểu Khánh đề nghị không cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên, cần thận trọng khi quy định vì không ít trường hợp sau khi bị kết án phạm tội nghiêm trọng đã được chứng minh là bị oan sai.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung cũng nhất trí, cần quy định chặt chẽ việc cho phép các điều tra viên, kiểm sát viên tham gia làm luật sư. Cần yêu cầu các đối tượng này tham gia các khóa đào tạo trong Học viện Tư pháp để bảo đảm chất lượng của luật sư.

Đa số các đại biểu cho rằng, đối với những người đã phạm tội hoặc phạm tội nghiêm trọng đã được xóa án tích nhưng sau đó lại được hành nghề luật sư là điều không nên. Luật nên quy định theo hướng cấm hành nghề luật sư. Đặc biệt, cần cấm vĩnh viễn với những trường hợp phạm tội nặng, như Nhật Bản đã áp dụng.

Đại biểu Trần Du Lịch cùng đại biểu Phạm Văn Gòn cũng tán thành quan điểm không cho phép những người đã bị kết án hành nghề luật sư.

Ở cương vị Phó Chánh án TAND TP.HCM, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cũng ủng hộ việc quy định các trường hợp bị kết án không được làm luật sư. “Tôi đề nghị giữ nguyên như luật cũ, đã phạm tội, đã xóa án tích rồi thì cũng không được làm luật sư, vì người luật sư cần cái tâm trong sáng”, đại biểu Ánh nói.

Đại biểu Đinh Tiên Phong (Thanh Hóa) cho rằng nên quy định chặt chẽ những đối tượng được tham gia hành nghề luật sư để hạn chế số lượng và nâng cao chất lượng luật sư.

Chống độc quyền về điện

Cũng trong ngày hôm nay, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết cần sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3-12-2004, có hiệu lực từ ngày 1-7-2005.

Việc thi hành Luật trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Tuy nhiên, qua gần 7 năm việc thực hiện, Luật Điện lực đã bộc lộ không ít những bất cập, khó khăn, vướng mắc, một số quy định không còn phù hợp với phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành phù hợp với quan điểm đẩy mạnh phát triển hạ tầng cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ bản thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Về chính sách giá điện, đa số các đại biểu tán thành với quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Theo đại biểu Đinh Thế Huynh (Thanh Hóa), cần xử lý vấn đề giá điện một cách đồng bộ, một mặt không thể để giá điện thấp nhưng mặt khác nếu đưa giá điện lên cao cần tính đến thu nhập người dân, nhất là đối với những người có thu nhập trung bình, không được bù lỗ giá điện. Đại biểu đề xuất nên có nhiều thang để tính giá, quy định mức nào được nhà nước hỗ trợ nhiều, mức nào được Nhà nước hỗ trợ tương đối để bảo đảm tương đương thu nhập của người dân.

Một số đại biểu cho rằng, hiện EVN đang độc quyền giá điện, hệ thống cơ sở hạ tầng và truyền dẫn… Vì vậy, khi chưa xây dựng được các đối tác cạnh tranh bình đẳng với EVN thì việc thực hiện bán điện theo cơ chế thị trường rất khó áp dụng. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm chống độc quyền điện, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh để người dân được quyền lựa chọn.

Các đại biểu cũng đề nghị, ngành Điện cần công khai minh bạch và phải bảo đảm cơ sở hạ tầng để giảm hao hụt trong truyền tải. Để Nhà nước khỏi điều tiết và bù giá, Nhà nước cần quy định rõ trong luật như hạ tầng về mạng, trạm phát, hệ thống phân phối… thuộc Nhà nước quản lý và quy định mức giá, có như vậy mới giảm được sự tăng giá điện. Nhà nước cũng cần quản lý thu mua điện đầu vào để việc mua bán điện được đúng giá thị trường và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư.

P.Lan
Nguồn: Báo điện tử Công lý