Không nên quy định hộ gia đình là 1 chủ thể của quan hệ dân sự
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS hiện hành) quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.

Các thành viên của hộ gia đình phải có quan hệ gia đình với nhau, đó là quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Đây là đặc điểm mang tính đặc trưng của chủ thể hộ gia đình để phân biệt với các chủ thể khác được quy định trong BLDS.

Bất cập trong việc xác định thành viên hộ gia đình

Trên thực tế, hộ gia đình không phải là một chủ thể bất biến, cuộc sống gia đình và các quan hệ trong gia đình luôn có sự thay đổi, biến động về chủ thể, do chịu tác động bởi các sự kiện như: sinh, kết hôn, ly hôn, nhận nuôi con nuôi, cho con để người khác nuôi, nhập hộ, tách hộ, chết, tuyên bố mất tích, tuyên bố chết…

Trường hợp trong hộ khẩu của hộ gia đình có thêm thành viên mới, chẳng hạn như con dâu hoặc con rể, hoặc con nuôi, hoặc cháu nhập về… thì thành viên mới đó có được tính là thành viên của hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự không? Nếu những người này cùng tham gia hoạt động sản xuất kinh tế chung của hộ gia đình thì có quyền đối với tài sản chung của hộ gia đình hay không? Thực tiễn xét xử của Tòa án, ở mỗi thời điểm khác nhau như thời điểm hình thành tài sản, thời điểm được cấp giấy chứng nhận, thời điểm tòa thụ lý, thành viên của hộ cũng có những biến động làm ảnh hưởng đến việc xác định thành viên của hộ.

Do luôn có sự thay đổi, biến động về chủ thể, dẫn tới nhiều quy định về hộ gia đình, đặc biệt về chủ thể là không rõ ràng, tính khả thi thấp.

Trong BLDS hiện hành không thấy có quy định cụ thể tiêu chí, căn cứ xác định thành viên của hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự. Bất cập này dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật và những người có chức danh tư pháp như thẩm phán, luật sư, công chứng viên, công chức tư pháp-hộ tịch… khi xác định thành viên hộ gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Việc xác định thành viên hộ gia đình được dựa trên hộ khẩu hay quan hệ hôn nhân, huyết thống hay dựa trên các căn cứ khác luôn là câu hỏi được đặt ra cùng với những đáp án không thống nhất. 

Trong thực tế khi thực hiện chứng thực hay công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ, các địa phương xác định hộ không giống nhau. Có địa phương căn cứ vào sổ hộ khẩu để tính những người có tên trong hộ khẩu từ đủ 15 tuổi trở lên phải đồng ý ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng, có địa phương lại áp dụng hộ là cả gia đình, nên tất cả các con dù ở chung hay ở riêng, có tên hay không có tên trong sổ hộ khẩu đều phải đồng ý, ký tên trong hợp đồng.

Tại các địa phương, để giải quyết vướng mắc này, cơ quan giải quyết các quan hệ liên quan đến hộ gia đình thường phụ thuộc vào việc xác nhận của UBND cấp xã, cơ quan công an, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất… việc xác nhận này thường không thống nhất.

Theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT ngày 21/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, để biết thông tin xác định các thành viên hộ gia đình, người có yêu cầu có thể đề nghị Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cung cấp thông tin về các thành viên trong hộ gia đình được Nhà nước giao đất. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đều có thể xác định được. Mặt khác, theo pháp luật đất đai hiện hành, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình cũng chỉ ghi tên chủ hộ mà không ghi tên các thành viên của hộ.

Về đại diện hộ gia đình

Theo quy định tại Điều 107 BLDS hiện hành, chủ hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự có thể là 1 trong các thành viên của hộ gia đình như: cha, mẹ hoặc người đã thành niên và họ có quyền đại diện cho hộ trong giao dịch dân sự.

Chủ hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự có thể là chủ hộ theo hộ khẩu (cha hoặc mẹ), hoặc có thể là người cao tuổi nhất, người đóng góp công sức tiền của nhiều nhất, hoặc một người đã thành niên theo sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong hộ.

Như vậy, chủ hộ của hộ gia đình trong BLDS khác với chủ hộ trong sổ hộ khẩu được quy định tại Luật Cư trú năm 2006 (chủ hộ trong sổ hộ khẩu không thể mặc nhiên dùng tư cách chủ hộ để thực hiện các giao dịch dân sự cho cả hộ, trừ trường hợp được cả hộ ủy quyền).

Với cách quy định như vậy, cùng với quy định về xác định thành viên không rõ ràng dẫn đến khó khăn khi xác định một thành viên của hộ gia đình khi nào xác lập giao dịch dân sự với tư cách cá nhân hay tư cách chủ hộ gia đình. Do đó, khó xác định trách nhiệm của thành viên hộ gia đình và hộ gia đình đối với người thứ 3 trong các giao dịch dân sự.

Điều 110 BLDS hiện hành quy định, trong trường hợp tài sản chung của hộ gia đình không đủ để thanh toán các nghĩa vụ của hộ gia đình thì các thành viên của hộ gia đình phải thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản riêng của mình, quy định này có cách hiểu khác nhau: tất cả các thành viên của hộ gia đình phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng hay chỉ những thành viên đã đủ 15 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự mới phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình…

Về tài sản chung

Tài sản chung của hộ gia đình bao gồm tài sản do các thành viên đóng góp theo thỏa thuận; tài sản cùng nhau tạo lập nên trong quá trình cùng lao động, kinh doanh; tài sản được tặng cho chung; được thừa kế chung; tài sản là quyền sử dụng đất; quyền sử dụng rừng; rừng trồng của hộ gia đình.

Tuy nhiên, BLDS hiện hành không có quy định cụ thể về phân tách giữa tài sản của các thành viên hộ gia đình (tài sản cá nhân của một thành viên, tài sản chung của vợ chồng, tài sản chung của cha mẹ và con…) với tài sản chung của hộ gia đình. Do đó, trong thực tiễn, khi xác lập, thực hiện các giao dịch thường bị lẫn lộn hoặc cố tình lẫn lộn tài sản của các thành viên hộ gia đình là tài sản hộ gia đình và ngược lại. Bất cập này đã có tác động không nhỏ đến việc thực hiện các quyền sở hữu của hộ gia đình và thành viên hộ gia đình.

Vấn đề định đoạt tài sản chung của hộ gia đình

Từ bất cập trong quy định về tài sản của hộ gia đình đã dẫn tới phát sinh nhiều vướng mắc về xác định giao dịch liên quan đến tài sản phải có sự đồng ý của các thành viên hộ gia đình; thành viên có quyền định đoạt trong thực hiện giao dịch; hiệu lực của giao dịch trong trường hợp không có đủ các thành viên quyết định.

Bất cập này đã tác động không nhỏ đến thực tiễn tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình và thành viên hộ gia đình, họ phải chịu nhiều ràng buộc không phải về mặt pháp lý mà từ các chủ thể là đối tác của giao dịch như: Để bảo đảm an toàn trong giao dịch, trong thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng, thì các tổ chức tín dụng thường yêu cầu tất cả các thành viên của hộ gia đình ký, kể cả trong trường hợp tài sản thế chấp là tài sản riêng của một thành viên; đối với các giao dịch thông thường thì thành viên hộ gia đình khi xác lập, thực hiện giao dịch thường nhân danh mình, ít khi nhân danh hộ gia đình và đối tác trong giao dịch cũng thường xác định giao dịch đó là giao dịch cá nhân của thành viên hộ gia đình…

Bên cạnh những vướng mắc, bất cập nêu trên, việc quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như BLDS hiện hành đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động áp dụng pháp luật, đặc biệt là cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hộ gia đình.

Thực tế không thấy có vụ kiện nào được Tòa án thụ lý có người khởi kiện (nguyên đơn) là hộ gia đình, không thấy có người bị kiện (bị đơn) nào là hộ gia đình, không thấy có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nào là hộ gia đình. Hơn nữa, khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ quy định, đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (hộ gia đình không được xác định là đương sự trong vụ án dân sự).

Từ thực tiễn thi hành BLDS năm 2005, với những phân tích nêu trên, có thể nhận thấy quy định hộ gia đình là một chủ thể của quan hệ dân sự có sự bất cập, nảy sinh phức tạp trong đời sống xã hội, quản lý Nhà nước và làm khó khăn trong giải quyết tranh chấp có liên quan đến chủ thể này.

Chúng tôi  nhất trí và ủng hộ Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

LS Lê Văn Đài – Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ