Kiểm toán – hoàn thiện chính sách thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Hội thảo về Kiểm toán thuế trong chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, cách thức nâng cao hiệu quả kiểm toán thuế. Việc nhận thức đầy đủ và toàn diện về vai trò của kiểm toán thuế trong chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước sẽ làm cơ sở cho việc chỉ đạo, quản lý hoạt động kiểm toán thuế. Kết quả kiểm toán nói chung và kiểm toán thuế của Kiểm toán Nhà nước nói riêng góp phần vào hoàn thiện chính sách thuế của Nhà nước. Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, trong điều hành quản lý thuế hiện nay đối với các đối tượng nộp thuế còn có nhiều chính sách bất cập hoặc không theo kịp các hình thức sản xuất, kinh doanh. Vì thế mục tiêu của kiểm toán thuế là phối hợp nhìn nhận đánh giá những bất cập để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nộp thuế.

Theo Trưởng bộ phận Thuế tại Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh ChasRoy-Chowdhury, cùng với quá trình cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam đang chuyển sang cơ chế tự khai thuế. Có nghĩa là người nộp thuế tự kê khai vào tờ khai thuế và sau đó cơ quan thuế vụ chỉ cần kiểm tra hoặc không. Đây là phương thức khai và thu thuế đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông ChasRoy-Chowdhury chia sẻ kinh nghiệm, cơ quan thuế và hải quan của vương quốc Anh chú trọng vào các đơn vị có rủi ro trọng yếu và xem xét các sắc thuế thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng. Phương pháp này giúp nguồn lực kiểm toán có thể tập trung vào đúng các trọng tâm.

Một mục đích quan trọng của kiểm toán thuế là khắc phục yếu kém trong hạch toán, quản lý tài chính, chấp hành pháp luật thuế, ngăn chặn trốn thuế. Như vậy, kiểm toán không chỉ phát hiện lỗi, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn giúp doanh nghiệp nhận diện những yếu kém trong quản lý tài chính, thu nộp cho ngân sách. Từ đó, doanh nghiệp có thể chấn chỉnh hạch toán kế toán, thuế, thực hiện đúng chính sách pháp luật, góp phần nâng cao uy tín, cũng như khả năng cạnh tranh. Để nâng cao hiệu quả kiểm toán thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cần xem xét để kiểm toán có thể sử dụng kết quả thanh, kiểm tra của ngành thuế. Thay vì các cơ quan cùng làm một nội dung, cần tăng cường phối hợp, trao đổi số liệu giữa các đơn vị. Hơn nữa, xét về chức năng quản lý nhà nước, cơ quan thuế thay mặt nhà nước quản lý về thuế và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra thuế. Kiểm toán Nhà nước được sử dụng các số liệu này sẽ góp phần giảm chi phí xã hội, do doanh nghiệp phải cung cấp số liệu cho nhiều cơ quan.

Có thể thấy, cùng với quá trình phát triển kinh tế, chức năng và nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước đang ngày càng lớn hơn, đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng hơn. Các chuyên gia tại Hội thảo đề nghị, Kiểm toán Nhà nước cần triển khai đồng bộ những giải pháp thiết thực, dần hoàn thiện Luật Kiểm toán Nhà nước và phương pháp chuyên môn kiểm toán thuế khoa học, chặt chẽ, đầy đủ. Từ đó, bảo đảm công bằng xã hội, phục vụ tốt cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động, để trở thành một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tiền và tài sản nhà nước. Và xây dựng Kiểm toán Nhà nước thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trình độ chuyên nghiệp cao, có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Hà Nho
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân