Kiến nghị bỏ trần 15% chi quảng cáo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là nội dung được đại diện các Hiệp hội đưa ra tại buổi Tọa đàm “Dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo khuyến mại – Một quyết định đúng đắn” do Hiệp hội các nhà bán lẻ cùng các hiệp hội DN, ngành hàng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội.

Hiện Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi 2013 vẫn quy định mức khống chế quảng cáo khuyến mại là 15% trên tổng chi phí của DN. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất Quốc hội dỡ bỏ trần quảng cáo khuyến mại. Đó cũng là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN như Nghị quyết 11 và Nghị quyết 19 Chính phủ đã đề ra.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết:  Khảo sát hơn 50 nước, chỉ còn có Việt Nam và Trung Quốc giữ trần quảng cáo khuyến mại. Nhưng Trung Quốc “mềm dẻo” hơn Việt Nam là nếu chi phí quảng cáo khuyến mại năm nay không dùng hết có thể chuyển vào năm sau.

Việc dỡ bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo sẽ khuyến khích DN phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm mới, DN mới trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp sáng tạo. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác.

Nhìn chung, việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo khuyến mại sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam cả ba góc độ: Cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng DN.

Bà Loan cũng cho rằng, việc dỡ bỏ trần quảng cáo không lo ngại tình trạng lạm dụng quảng cáo tràn lan. Bởi vì, trong cơ chế thị trường, nếu DN chi phí quá mức, giá hàng cao không tương xứng với chất lượng thì sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Để hạn chế việc các DN gian dối trong quảng cáo sẽ có các công cụ pháp lý khác để quản thúc như cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh… 

Còn ông Lê Bá Cơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho rằng, việc tăng chi phí quảng cáo không đồng nghĩa với việc tăng giá bán, vì nếu doanh nghiệp đạt được doanh thu cao do bán hàng tốt thì doanh nghiệp sẽ tự biết điều chỉnh giá bán hàng hóa sao cho phù hợp.

Có cùng quan điểm, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Quan trọng hiện nay phải xây dựng được một số thương hiệu lớn, có sức cạnh tranh và như thế nhất thiết phải có quảng cáo, đầu tư và phát triển công nghệ.

Việc dỡ bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại còn giúp Việt Nam hội nhập, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài, cạnh tranh hiệu quả với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP cũng đồng tình với quan điểm: Nếu bỏ giới hạn mức chi hợp lý thì vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của DN, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác mà Nhà nước đã đánh thuế đối với khoản thu này.

Được biết, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm hưởng ứng đề xuất của Bộ Tài chính trình Chính phủ, đồng thời tiếp tục kiến nghị Quốc hội dỡ bỏ hoàn toàn trần chi phí quảng cáo và khuyến mại ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 10/2014, nhằm tạo điều kiện cho DN quảng bá hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sức mua và phát triển thị trường.

Anh Minh

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Kien-nghi-bo-tran-15-chi-quang-cao/209545.vgp