Làm rõ sự khác biệt giữa văn bản pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Cân nhắc, thận trọng, theo sát tất cả quá trình đến khi luật thông qua
 
Quá trình xây dựng luật Ban soạn thảo đã rà soát và đã thực hiện đúng chỉ đạo của QH là cho nghiên cứu để thống nhất 2 văn bản luật là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp địa phương. Tôi ủng hộ nên thống nhất 2 văn bản này là một và sẽ có 2 phần gồm cấp Trung ương và chính quyền địa phương.

Đồng thời, cần phải rà soát lại khái niệm xây dựng ban hành văn bản pháp luật hay quy phạm pháp luật thì sau này sẽ giải thích thêm. Tại Điều 3 quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm có cả Hiến pháp, luật, pháp lệnh, bỏ nghị quyết của QH và UBTVQH nhưng đến khi xây dựng luật lại không có. Ở Chương II thẩm quyền ban hành và nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ nói luật và tổ chức, không có Hiến pháp. Hiến pháp có phải luật không, rõ ràng chúng ta nói Hiến pháp là luật gốc. 
 
Ngoài ra, về thẩm quyền, thẩm tra và quy trình cần phải ghi chặt chẽ. Ở đây nếu nói là tất cả các luật thông qua có thể làm tắt, thông qua một văn bản quy phạm pháp luật là có thể thông qua tại một Kỳ họp, vấn đề này cần phải tính trong tính đồng bộ và tính thống nhất của luật pháp hiện nay. Chúng ta chưa thể bắt chước được Mỹ, chưa thể bắt chước được các tổ chức của Liên Hợp Quốc ra nghị quyết về luật. Tôi đề nghị, chúng ta phải thực hiện theo quy trình, cái gì đang ổn định rồi mà phát huy được, có thể rườm rà ở động tác nào đó thì sửa, bỏ đi; còn theo quy trình phải bảo đảm quy trình thận trọng… 
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: Thế nào là văn bản pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật
 
Đúng là ta mắc với nhau chỗ khái niệm, cách hiểu thế nào là văn bản pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật. Tôi cảm nhận 2 khái niệm về cơ bản là đồng nghĩa với nhau, không thể gọi là một văn bản pháp luật mà không có nội dung quy phạm pháp luật, bây giờ ta hiểu như thế nào là quy phạm pháp luật. Theo tôi, không nên bàn cãi nhiều về vấn đề này mà nên bàn ngay vào chỗ giải thích từ ngữ, vì đúng là có những văn bản cùng một cấp có thể ra quyết định nhưng có thể chỉ là văn bản điều hành công việc chứ không phải văn bản mang tính chất quy định pháp luật. Ngoài ra, ai có thẩm quyền ra những văn bản có tính pháp luật của một quốc gia? Đã gọi là pháp luật nó phải mang tính quốc gia, đến cấp xã, thôn, bản mà bảo là pháp luật thì phải cân nhắc, phải phân biệt cụ thể. Theo tôi, gốc của văn bản pháp luật phải ở cấp trung ương, là cấp sản xuất ra tất cả các quy chuẩn để bắt đầu hình thành những cái sau này nói là văn bản pháp luật có rất nhiều loại. Không phải tất cả HĐND tỉnh, huyện, xã được ra các văn bản quy phạm pháp luật. 
 
Thứ hai, những văn bản có quy phạm pháp luật, ai được thẩm quyền đó? Ở đây có thể giải nghĩa đó phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được luật định, cho phép sẽ cụ thể hóa một điều nào đó hoặc một khoản nào đó trong điều luật để ban hành những quy định, tổ chức thực hiện và có hiệu lực pháp luật. Ta phải dẫn xuất như vậy mới phân biệt được cùng một cấp chính quyền nhưng văn bản nào là văn bản pháp luật, văn bản nào chỉ là văn bản điều hành hành chính để thực hiện những nội dung của pháp luật.

Thứ ba, bây giờ bộ có văn bản pháp luật không? Ở Điều 100 quy định Bộ trưởng và cơ quan ngang bộ được ban hành văn bản pháp luật. Ví dụ, Luật Bảo vệ tài nguyên, QH giao cho Bộ NN và PTNT quản lý, bảo vệ rừng, phân loại các nhóm rừng, quy định những mức độ, lượng gỗ trên một địa bàn để xác định thế nào là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. QH làm sao kiểm kê từng mét rừng được mà giao hẳn cho Bộ NN và PTNT, từ đó Bộ NN và PTNT quy định và bị xử phạt hành chính hoặc nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy tố trước pháp luật. 
 
Như vậy, ở đây văn bản của Bộ NN và PTNT là văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc phải thi hành, không chỉ công dân, Bộ NN và PTNT, mà các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương các cấp cũng phải thi hành, không thi hành quy định này của Bộ NN và PTNT là vi phạm pháp luật. Đó là văn bản pháp luật vì nó có hiệu lực bắt buộc mọi người phải thi hành, các cơ quan, các tổ chức phải thi hành là vì nó được dẫn xuất từ một quy định của luật, luật cho phép được thực hiện quyền đó. Cho nên, để dẫn dắt những văn bản nào được quy phạm pháp luật, cũng là một bộ hay một nghị quyết của UBTVQH, nghị quyết về mặt tổ chức nội bộ không thể là văn bản quy phạm pháp luật. Theo tôi, cách mạng của luật này là phải làm rõ cái nào là có quy phạm pháp luật là bắt buộc phải thực hiện, và cái nào có tính chất điều hành công việc của cơ quan, tổ chức. 
 
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Làm rõ hai khái niệm luật chuyên ngành và luật chung
 
Câu chuyện các văn bản, nghị quyết của QH ban hành, UBTVQH ban hành có phải là văn bản quy phạm pháp luật hay không? Chúng ta đã tranh luận ngay từ đầu trình ra Luật Văn bản ban hành quy phạm pháp luật, tranh luận cho tới bây giờ vẫn còn tranh luận. Vì vậy, tôi đề nghị, điều đầu tiên là cân nhắc luật này là Luật Ban hành văn bản pháp luật hay là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chỗ này cần cân nhắc, suy nghĩ thêm để có thể giải quyết được những vấn đề tranh luận bấy lâu nay, qua mấy lần trình ra luật này. Nếu loại nghị quyết của UBTVQH hoặc QH ra, cũng có những văn bản cũng sẽ không ổn. Ví dụ, nghị quyết về ngân sách sẽ tranh luận là có quy phạm hay không quy phạm và bắt buộc áp dụng, Nghị quyết về kinh tế – xã hội cũng là một ví dụ điển hình, nghị quyết về công trình dự án quốc gia rất lớn cũng là một điển hình. 
 
Thứ hai, đề nghị tiếp tục làm rõ hai khái niệm là luật chuyên ngành và luật chung. Cái gì gọi là luật chung và cái gì gọi là luật chuyên ngành. Tại Khoản 4, Điều 132 đưa ra việc áp dụng luật chung và luật chuyên ngành, việc này trên thực tiễn rất kỳ vướng mắc. Bộ luật Lao động có phải là luật chung không, Luật Giáo dục có phải là luật chung không, những luật như Luật Hình sự, Luật Dân sự nó rõ ràng hơn nhưng một số luật khác thì tính chất chung và tính chất chuyên ngành có vẻ một số điểm mơ hồ, áp dụng như thế nào? Đi vào một số điểm cụ thể, tôi ủng hộ ý kiến của Ủy ban Pháp luật. Điểm đầu tiên là hình thức thẩm quyền ban hành, có lẽ rà soát thêm để quyết định còn tồn tại những văn bản nào. Ở đây theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật thực ra cũng bỏ ra được một số văn bản, theo quan điểm chung cũng giảm thiểu các loại văn bản. Ví dụ Điều 3 quy định HĐND có nghị quyết, nhưng UBTVQH, QH không có nghị quyết, chỗ này giải trình sẽ rất khó khăn. Tại sao HĐND tỉnh thì được nghị quyết, giải quyết được đó là văn bản quy phạm pháp luật; còn QH, UBTVQH không được ra nghị quyết, giải thích đó không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Theo tôi,  chỗ này là chỗ vướng về mặt khái niệm nữa. Ngoài ra, cần cân nhắc lại văn bản của Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát, đây là hai nhánh quyền lực, Quốc hội – Chính phủ, Tòa án – Viện kiểm sát, hai nhánh quyền lực trong nhà nước, tại sao không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chỗ này nếu nói về mặt lý luận có lẽ tính thuyết phục chưa ổn.

Khánh Dương – Lê Hoa lược ghi
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân