Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật được Chính phủ tổ chức chỉ một tuần sau khi Quốc hội kết thúc Kỳ họp thứ Mười với kỳ vọng và đòi hỏi từ thực tiễn: Công tác xây dựng thể chế, thực thi pháp luật trong thời gian tới sẽ phải có những chuyển biến tốt hơn.

Ba “đợt sóng” cải cách ấn tượng

Nhìn lại công tác xây dựng pháp luật giai đoạn 2016 – 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở cả khía cạnh xây dựng và thi hành pháp luật. Hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn, từ pháp luật về quyền con người, quyền công dân; tổ chức bộ máy đến lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, từng bước tiệm cận chuẩn mực luật pháp quốc tế. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ kịp thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.

<img alt=" Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị" src="” width=”850px” />
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị
Nguồn: ITN

Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ ấn tượng với ba đợt sóng về cải cách thủ tục hành chính quan trọng trong nhiệm kỳ này. Cụ thể, đợt sóng đầu tiên diễn ra vào năm 2016, ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIV được phê chuẩn. Một chiến dịch quyết liệt đã giúp khai tử hàng nghìn giấy phép con được quy định trong thông tư của các bộ, ngành và nhiều điều kiện kinh doanh quy định trong nghị định của Chính phủ, nhằm bảo đảm thực thi Luật Đầu tư năm 2014. 

Đợt sóng thứ hai vào năm 2018, là giai đoạn tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, với việc cắt giảm, đơn giản hóa từ 50 – 60% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. “Cắt giảm, đơn giản hóa từ 50 – 60% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành là một nỗ lực vượt bậc”, Chủ tịch VCCI nhận định.

Đợt sóng thứ ba diễn ra vào năm 2020, được tiến hành với tinh thần tiếp tục cải cách và mở đầu bằng Nghị quyết 68. Trong đó, Chính phủ quyết định tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa trên 20% quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh và thành lập Tổ công tác rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

“Ba đợt sóng cải cách thủ tục hành chính được tích hợp, cộng hưởng với hai ngọn gió nỗ lực hội nhập đỉnh cao khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, cũng như chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, thực hành nền kinh tế số đã vẽ lên bức tranh về cải cách hệ thống pháp luật trong kinh doanh của nước ta nhiệm kỳ này, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, với những chuyển biến ấn tượng, được quốc tế đánh giá cao”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Còn nhiều việc phải làm

 Tuy vậy, từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật thời gian qua. Trong đó chất lượng một số dự án luật trình Quốc hội và một số dự thảo nghị định trình Chính phủ rất đáng lo ngại. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, khi xu hướng phát triển bền vững, nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo, hội nhập, cạnh tranh gay gắt đòi hỏi việc cải cách hệ thống pháp luật phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế cần tiếp tục rà soát, khắc phục, hoàn thiện, bổ sung trong thời gian tới như: Hệ thống pháp luật còn những quy định chưa đồng bộ; tính khả thi của một số dự thảo luật, nghị định chưa cao; tính ổn định của một số luật, pháp lệnh còn hạn chế do điều kiện khách quan trong phát triển, do vấn đề mới chưa tiên lượng hết; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo… Cùng với đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là một khâu yếu. Thực tế không hiếm những ví dụ về việc người dân vi phạm pháp luật một cách rất hồn nhiên, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là trong chấp hành phát luật về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, phải tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức cả về xây dựng và thi hành pháp luật. Thay vì tập trung vào công tác xây dựng pháp luật như trước đây, trong thời gian tới cần quan tâm, tập trung hơn nữa cho quá trình thực thi pháp luật. Trong đó, công tác xây dựng pháp luật cần bám sát vào Nghị quyết của Đảng để tập trung vào các trọng tâm lớn gồm: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Bảo đảm cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Đối với công tác thực thi pháp luật, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới, thay đổi tư duy đối với các công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để từng bước chuyển dần từ mô hình Nhà nước chịu trách nhiệm chính sang mô hình người dân tự tìm hiểu pháp luật là chính. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng, với những vấn đề được xem xét thảo luận, quyết định, sau Hội nghị này, công tác xây dựng thể chế, pháp luật và thi hành pháp luật của nước ta sẽ có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới.

Trên cơ sở ý kiến từ lãnh đạo Quốc hội, một số cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành và chuyên gia, chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật, qua đó giúp đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật, hoàn thành tốt một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định từ Đại hội toàn quốc lần thứ XI, XII.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.