Lấy ý kiến doanh nghiệp về Luật Thuế xuất nhập khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là mục tiêu được nhấn mạnh tại hội thảo lấy ý kiến Luật Thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) sửa đổi do Tổng cục Hải quan (TCHQ) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 4/8.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh,  Luật Thuế XK, thuế NK hiện hành áp dụng 10 năm qua đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, hỗ trợ dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời bảo hộ hợp lý.

Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập WTO được 8 năm và ký kết 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Thời gian tới Việt Nam sẽ tiến tới ký kết một số FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Việt Nam-EU. Từ năm 2018 trở đi, mức thuế suất thuế NK về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo các cam kết thuế quan.

Chính vì những điều này mà rất cần có khung pháp lý mới bảo vệ sản xuất trong nước trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại, hoặc bị đe dọa thiệt hại do các hành vi bán phá giá, trợ cấp, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, do một số quy định trong Luật hiện hành chưa phù hợp với những nội dung cam kết trong hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia, nên việc sửa đổi Luật là cần thiết.

Dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi được thiết kế thành 5 Chương, 22 Điều, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2015. Nếu được thông qua, Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Đảm bảo ổn định, giảm chi phí cho doanh nghiệp

Góp ý tại hội thảo, một số ý kiến đề nghị cải cách việc nộp thuế XNK theo hướng tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN.

Bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cho rằng: Việc giãn thời hạn nộp thuế cho hàng XNK theo định kỳ, thay vì phải trả ngay khi thông quan là một trong những cải cách căn bản.

Theo quan điểm của ngành hải quan, hiện chỉ có 35 DN ưu tiên nộp thuế theo định kỳ với tổng kim ngạch XK khoảng hơn 58 tỉ USD. Đây là những DN được đánh giá là tuân thủ pháp luật về thuế, kế toán, thống kê, thủ tục thuế điện tử…

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, việc đa phần các DN còn lại phải nộp thuế trước khi thông quan, hoặc giải phóng hàng như các DN trên là chưa phù hợp. Hướng sửa đổi được đưa ra là DN chỉ phải kê khai nộp thuế 1 tháng/lần và không phải trả phí bảo lãnh, tiền chậm nộp…

Góp ý dự thảo, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, hiện DN kinh doanh xăng dầu băn khoăn nhất là việc thay đổi thuế suất thường xuyên, khiến DN khó trong việc hoạt động kinh doanh. Vì vậy, quy định tại Điều 11 của dự thảo Luật về nguyên tắc thẩm quyền ban hành thuế suất nên thực hiện theo phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu;

Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào nguyên tắc tại Khoản 1 Điều này, mức thuế suất tối thiểu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để quy định biểu thuế XK, biểu thuế NK đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan, đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết.

Nếu áp dụng theo phương án trên sẽ giúp DN ổn định thuế suất lâu hơn, ổn định phát triển.

Còn đại diện Công ty Honda Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật đã đưa ra thẩm quyền và nguyên tắc ban hành biểu thuế. Tuy nhiên, việc giám sát thực hiện nguyên tắc này ra sao cũng cần được đưa vào dự thảo Luật.

Các ý kiến góp ý trên đã được ban soạn thảo tiếp thu. Cũng tại Hội thảo các ý kiến đưa ra đều được ban soạn thảo trả lời, giải thích và tiếp thu một cách tích cực.

Anh Minh

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ