Luật Đầu tư (sửa đổi): Phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho thu hút đầu tư
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng thiếu đồng bộ, thống nhất với một số đạo luật liên quan như Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Bên cạnh đó, chính sách bảo đảm đầu tư, cũng cần rà soát sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với một số điều ước quốc tế về đầu tư mà Chính phủ ký kết hoặc tham gia trong thời gian qua, cũng như những yêu cầu đặt ra trong việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp. Lĩnh vực cấm đầu tư thì quá rộng và thiếu cụ thể. Danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư còn dàn trải, chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Để khắc phục các hạn chế, tồn tại trên, làm cho môi trường đầu tư nước ta hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thích ứng với đòi hỏi cao hơn của quá trình phát triển KT – XH cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về tự do hóa đầu tư.

Thứ nhất, cần xem xét lại khoản 3, Điều 4 khi quy định “hoạt động đầu tư phải phù hợp với quy hoạch”. Hoạt động đầu tư rất đa dạng, trên mọi lĩnh vực của đời sống KT – XH như đầu tư hạ tầng, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch… Nhưng có một thực tế là, công tác quy hoạch, nhất là ở các địa phương, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Công tác quy hoạch không bao quát hết được mọi lĩnh vực KT – XH, nhiều lĩnh vực không có quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng không đủ chi tiết cho tất cả các hoạt động đầu tư, và cơ bản về lâu dài, cũng không thể phủ trùm hết được mọi lĩnh vực. Như vậy, khi muốn đầu tư mà chưa có quy hoạch thì nhà đầu tư sẽ vướng ngay đến điều khoản đầu tiên này. Mặt khác, các quy hoạch thường gắn với địa phương, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, tính liên kết vùng đang là điểm yếu hiện nay nên những dự án đầu tư có phạm vi hoạt động rộng thì khó có thể thỏa mãn được yêu cầu này. Với các lý do đó, nên xem xét lại nguyên tắc “hoạt động đầu tư phải phù hợp với quy hoạch”, chỉ nên quy định với loại đầu tư có điều kiện, không nên đưa thành nguyên tắc chung như trong dự thảo.

Thứ hai, cần quy định cụ thể, rõ ràng ngành nghề cấm đầu tư, ngành nghề  đầu tư có điều kiện và  địa bàn ưu đãi đầu tư. Dự thảo Luật quy định về lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực đầu tư có điều kiện và địa bàn ưu đãi đầu tư rất chung chung, không hơn so với Luật hiện hành. Luật Đầu tư hiện hành đã được trải nghiệm thực tế hơn 8 năm, đủ cơ sở để rà soát, quy định cụ thể luôn trong Luật sửa đổi những ngành nghề cấm đầu tư, những ngành nghề đầu tư có điều kiện và chi tiết địa bàn ưu đãi đầu tư để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi thực hiện. Có như vậy thì cũng mới thực hiện được quy định trong Hiến pháp là nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, mới tạo được sự minh bạch trong thực thi pháp luật, góp phần hạn chế được cơ chế xin-cho, sự nhũng nhiễu còn khá phổ biến trong bộ máy công quyền hiện nay.

Có lo ngại rằng, nếu quy định chi tiết trong Luật thì khi xuất hiện tình huống phải sửa đổi, bổ sung Luật do khi đề ra quy định chưa lường hết được thực tiễn, hoặc do cần thay đổi cho phù hợp với diễn biến của quá trình phát triển KT – XH và thực hiện các cam kết quốc tế về đầu tư, thì việc thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật gặp nhiều khó khăn, không được kịp thời như việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Luật do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, hoàn toàn không nên vì lý do đó mà làm mất đi tính công khai, minh bạch của Luật và tạo thêm nhiều khó khăn khác cho quá trình thực thi Luật. Chúng ta cũng đã có thời gian dài để Luật hiện hành trải nghiệm, đã có thời gian không ngắn trong hội nhập quốc tế để lường trước các yêu cầu đặt ra. Mặt khác, khi cần sửa đổi, bổ sung Luật, chúng ta cũng sẽ dần tiến đến cách làm của các nước là sửa đổi ngay những điều khoản phát sinh cụ thể, chứ không chờ đến khi có rất nhiều điều bất cập thì mới sửa đổi như hiện nay.

Thứ ba, cần có quy định phù hợp hơn về thời gian giãn tiến độ đầu tư. Tại khoản 2, Điều 54 có quy định về thời gian giãn tiến độ đầu tư không được vượt quá 24 tháng. Thực tế, việc chậm tiến độ ở các dự án đầu tư là khá phổ biến, làm lãng phí các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai và vốn, ảnh hưởng đến tạo việc làm và nhiều hệ lụy khác trong xã hội, cần có giải pháp khắc phục mà việc quy định hợp lý thời gian cho phép giãn tiến độ đầu tư là giải pháp có tính chất khởi đầu. Dự thảo Luật quy định chung, cho phép giãn không quá 24 tháng là không hợp lý, vì hoạt động đầu tư bao gồm nhiều lĩnh vực và mỗi một lĩnh vực có một đặc điểm, đặc thù riêng. Có những lĩnh vực, độ phức tạp cao, quy mô lớn thì có thể cần giãn tiến độ đầu tư dài đến 24 tháng, nhưng có những lĩnh vực đơn giản thì việc giãn tiến độ như vậy sẽ không còn nhiều ý nghĩa trong kinh tế – xã hội. Do vậy, Luật cần phải phân ra các lĩnh vực khác nhau để quy định thời gian cho phép giãn tiến độ đầu tư một cách phù hợp.

Ngoài ra, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có các quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo ráo riết xây dựng thí điểm 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang. Do vậy, cần bổ sung trong Luật các quy định mang tính nguyên tắc chung để có căn cứ pháp lý về đầu tư cho các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt này. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu bổ sung những quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm để tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước trong công tác đầu tư.

Minh Tiến
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân