Luật Giá: Luật hóa cơ chế thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đòi hỏi bức thiết…

Với vai trò là một đòn bẩy quan trọng trong nền kinh tế, để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính… là những đòi hỏi cơ bản đặt ra đối với của việc xây dựng Luật Giá. Sự ra đời của Luật Giá, sẽ có cơ chế để giá cả hình thành và vận động theo các quy luật kinh tế khách quan vốn có, khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức kinh doanh và được vận động bình ổn trong tầm kiểm soát của Nhà nước.

Pháp lệnh Giá được ban hành năm 2002, mặc dù cơ chế giá thị trường đã được thể hiện, nhưng không còn phù hợp và có những nội dung chưa được đề cập như: Pháp lệnh Giá chưa khẳng định Việt Nam “nhất quán” thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chưa quy định các cơ chế cạnh tranh về giá trong nền kinh tế như: thỏa thuận giá, đấu thầu, đấu giá, định giá dựa vào cạnh tranh. Pháp lệnh Giá quy định biện pháp bình ổn giá “trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp, gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu khác” không rõ về phạm vi, mức độ, lộ trình nên “bị coi” là chưa thực hiện đúng với cam kết WTO. Trong khi các biện pháp bình ổn giá có hiệu quả để điều tiết mặt bằng giá như tài khóa, tiền tệ lại không được quy định. Mặt khác, Pháp lệnh Giá chỉ quy định bình ổn giá đối với một số mặt hàng cụ thể mà chưa đề cập đến bình ổn giá của toàn bộ mặt bằng giá… Không những thế, sau khi Pháp lệnh Giá được ban hành thì Nhà nước cũng đã ban hành một số Luật khác có quy định liên quan đến giá, thẩm định giá, từ đó đã xuất hiện những nội dung thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo như: Chống bán phá giá, kiểm soát giá độc quyền, định giá và thẩm định giá… Điều đó, đòi hỏi phải sửa đổi, và nâng lên thành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu chung là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật Giá là tạo ra môi trường pháp lý công khai, minh bạch, một khuôn khổ pháp luật phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm có căn cứ pháp luật đưa công tác quản lý giá, chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá vào nề nếp và hiệu quả. Nhằm tạo ra cơ chế để giá cả hình thành và vận động theo các quy luật kinh tế khách quan vốn có của giá cả, khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức Nhà nước kinh doanh nhưng giá cả vẫn vận động bình ổn trong “tầm kiểm soát của Nhà nước”. Tạo ra chế độ phân cấp quản lý rõ ràng, minh bạch không chồng chéo giữa Nhà nước và thị trường, giữa Trung ương và địa phương, giữa địa phương và DN. Điều quan trọng là đảm bảo việc quản lý, điều hành giá của Việt Nam phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện, nhằm sớm được cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Nhất quán theo cơ chế thị trường

Một trong những yêu cầu của Luật giá là thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo mục tiêu đặt ra là thể chế hóa đúng đắn đường lối chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng và Nhà nước. Dự án Luật Giá được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII đã nhận được đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội về những đột phá mới so với Pháp lệnh Giá, bám sát thực tế, hướng đến môi trường pháp lý công khai, minh bạch, một khuôn khổ pháp luật phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường… Đồng thời, quy định rõ và cụ thể hơn các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Việc hạ giá hàng hóa, dịch vụ sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu…

Dự thảo quy định 2 nguyên tắc chung nhằm bảo đảm việc định giá của Nhà nước vừa tuân theo cơ chế giá thị trường, vừa góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước, cũng như thể hiện tính linh hoạt trong hoạt động điều hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp. Cụ thể: Phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Trường hợp vì lý do đặc biệt Nhà nước định giá thấp hơn chi phí hình thành giá thì Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thích hợp; Đồng thời, kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Trong dự thảo Luật giá quy định “hoạt động điều tiết giá của Nhà nước” thay bằng “điều hành giá của Nhà nước” như trong Pháp lệnh. Hoạt động điều tiết giá của Nhà nước được quy định bao gồm các nội dung như: Bình ổn giá thị trường, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá. Các nội dung như chống bán phá giá, kiểm soát độc quyền trước đây của Pháp lệnh giá có quy định như dự thảo Luật giá sẽ không quy định nữa nhằm tránh chồng chéo với các luật khác như Pháp lệnh chống bán phá giá hàng nhập khẩu và Luật Cạnh tranh.

Về trường hợp bình ổn giá, ngoài quy định Nhà nước thực hiện bình ổn giá khi hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường, dự thảo Luật quy định bổ sung trường hợp khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế- xã hội. Dự thảo cũng bãi bỏ biện pháp “trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất…” vì trái với quy định của WTO. Ngoài ra, dự thảo bổ sung một số biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường như biện pháp về tài chính, tiền tệ; đăng ký giá; lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với loại hàng hóa dịch vụ được hình thành quỹ bình ổn theo quy định của pháp luật, phù hợp các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới của dự thảo Luật so với Pháp lệnh giá đó là kiểm tra yếu tố hình thành giá. Đây là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra các yếu tố cấu thành nên giá mua hoặc giá bán của hàng hóa, dịch vụ cần kiểm tra yếu tố hình thành giá do các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tính toán khi giá hàng hóa, dịch vụ đó có biến động bất thường hoặc có biến động không hợp lý nhằm làm cho giá cả được hình thành ở mức hợp lý phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường. 

Nguồn: Tạp chí  Tài chính điện tử