Mới nhưng chưa đúng tinh thần Hiến pháp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng), dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đưa ra nhiều cái mới, nhưng hình như không đúng với tinh thần của Hiến pháp 2013.

Đầu tiên, theo đại biểu Thuyền là quy định thẩm phán – nếu như không có luật để xử thì cho phép họ thỏa thuận với nhau; Nếu không thỏa thuận được thì áp dụng tập quán; Nếu không có tập quán thì áp dụng nguyên tắc tương tự; Nếu nguyên tắc tương tự không có thì cho áp dụng nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng dân sự, rồi vì lẽ công bằng xã hội mà xét xử…

Theo dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), thẩm phán không có quyền từ chối yêu cầu xét xử. Bất cứ công dân nào, khởi kiện vấn đề gì tới tòa thì tòa phải xét xử. Nếu không có luật thì cho phép họ hòa giải theo thương lượng hay nguyên tắc cơ bản, không cần những điều luật cụ thể. Tức là thẩm phán có thể sử dụng bất cứ cái gì đó để xét xử công bằng.

“Tư tưởng này mới nhưng lại mâu thuẫn với Hiến pháp 2013 quy định: thẩm phán xét xử và tuân theo pháp luật, nếu không có luật không được, nguyên tắc trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)  mở quá rộng. Đây là vấn đề hết sức mới, cần có sự cân nhắc, vì nếu bảo lấy lẽ công bằng xã hội mà xét xử, thì cũng phải đặt câu hỏi ngược lại là, thực sự lấy gì làm thước đo cho lẽ công bằng này?”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Sơn (TP. Hà Nội) thì cho rằng, việc quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản (Điều 644 Dự thảo Luật) là mâu thuẫn với các quy định khác trong Bộ luật Dân sự hiện hành (Điều 635).

Theo đại biểu Nguyễn Sơn, về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế của Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trong các quyền và nghĩa vụ về tài sản có quyền sở hữu tài sản (di sản) do người chết để lại. Như vậy, ngay từ thời điểm mở thừa kế đã phát sinh quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản của những người thừa kế. Mà theo Hiến pháp 2013, quyền sở hữu và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Có nghĩa là, quyền sở hữu tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ không có thời hạn.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (TP. Hà Nội) đặt câu hỏi: “Triết lý của việc sửa luật này là gì(?). Tôi cho rằng, triết lý quan trọng nhất khi sửa luật là tổng kết thức tiễn cái gì vướng thì sửa, chứ cứ đọc sách nước ngoài và sửa cho phù hợp với nước ngoài không hợp lý. Nhìn lại trong luật sửa đổi này nhiều vấn đề không đúng thực tiễn. Nhất là một số vấn đề, khái niệm dân đã quen sử dụng, sử dụng không vướng mắc gì thì không cần sửa đổi.

“Tôi thấy lạ vì sửa đổi Bộ luật Dân sự, tôi là người viết tờ trình luật này từ năm 1996, Luật này không có gì mới so với luật trình Quốc hội năm 2005, thậm chí rất nhiều quy định này khi trình Quốc hội năm 2005 đã bị bác, chẳng hạn các từ vật quyền, trái quyền, hành vi dân sự, thời hiệu….

Về nội dung, tôi rất băn khoăn phần các quan hệ dân sự trong sở hữu đất. Trong Luật Đất đai đã có quy định quan hệ của nhà nước và công dân về sở hữu đất đai, đất đai là một quyền sở hữu tài sản. Khi đưa tài sản sở hữu này vào giao dịch (cầm cố, thế chấp) dân sự thì phải điều chỉnh bởi các chế định luật dân sự. Tôi không đồng tình với quy định này. Trong trường hợp đất đai đã là quyền tài sản thì trong quan hệ dân sự phải tuân theo nguyên tắc ngang giá, đồng ý thì giao dịch, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính để thu hồi đất được”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thì đặt câu hỏi: “Chúng ta xây dựng có đặt nền tảng lấy Bộ luật Dân sự là luật gốc trong tất cả các quan hệ hay không hay theo các luật chuyên ngành? Nếu lấy Bộ luật Dân sự là cốt, thì cốt phải là gốc. Tôi hoàn toàn ủng hộ, lần này làm rõ từ điều 3 đến điều 9 là những nguyên tắc của pháp luật dân sự. Đây là những nguyên tắc cần thiết, chi phối, khi thẩm phán lượng án thì dựa trên nguyên tắc pháp luật. Điều 9 quy định về nguyên tắc hòa giải. Trong quan hệ dân sự, cái gì mà đương sự tự hòa giải được thì luật pháp, nhà nước không can thiệp. Tôi luôn ủng hộ nguyên tắc này”.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, về vấn đề pháp nhân quy định tại điều 90 của dự thảo tương đối rõ. Nhưng một vấn đề nổi lên ở chương IV mang tính tránh né. 

“Chính quyền có là pháp nhân công không? Thực ra, pháp nhân có hai loại: pháp nhân công và pháp nhân tư. Pháp nhân tư thì đã rõ. Pháp nhân công thì có hai loại là công quyền, là cơ quan nhà nước và pháp nhân phi công quyền là các tổ chức của nhà nước, đơn vị sự nghiệp, bệnh viện, trường học… Đã là pháp nhân thì phải có tài sản chứ không phải là tài sản nhà nước nói chung. Vì chúng ta không thừa nhận pháp nhân công là công quyền, phi công quyền nên chúng ta lúng túng. Chúng ta phải làm rõ, cơ quan nhà nước, pháp nhân công quyền ký kết với bất cứ cá nhân, pháp nhân nào thì khế ước đó là khế ước hành chính. Theo tôi, quốc gia là một pháp nhân công trong quan hệ công pháp. Địa phương, Chính phủ, các chính quyền địa phương là pháp nhân công trong quan hệ đối nội, đó là pháp nhân công quyền. Còn các tổ chức khác, các đơn vị sự nghiệp… đó là pháp nhân công phi công quyền”, đại biểu Trần Du Lịch phân tích.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận xét, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới. Bộ luật Dân sự về mặt “tầm cỡ” chỉ đứng sau Hiến pháp, bởi vì Bộ luật Dân sự liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, liên quan đến hôn nhân gia đình, di chúc, liên quan đến cả người đã chết. Trong trường hợp có những điều khoản trong Bộ luật sửa đổi lần này mâu thuẫn đối với các sửa đổi của các luật được ban hành trước đó thì phải dựa vào Bộ luật Dân sự. Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật này phải có điều khoản khẳng định là trong trường hợp mâu thuẫn với các luật chuyên ngành, thì Bộ luật Dân sự là bộ luật pháp lý cao hơn.

Xem chi tiết tờ trình dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại đây.

Quang Hưng
Nguồn: http://baodautu.vn/moi-nhung-chua-dung-tinh-than-hien-phap.html