Một dự thảo Luật chưa thay đổi căn bản thể chế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo Luật này đang được ngóng đợi Quốc hội thông qua vì đây là nội dung cốt lõi của quá trình tái cơ cấu DNNN. Nhưng dường như còn rất nhiều những ý kiến chưa đồng thuận, ông có bình luận gì?

Đây là một dự thảo luật “chưa đâu vào đâu”, vừa chồng chéo, vừa thiếu. Luật bao gồm 7 Chương, 63 Điều. Nhiều Điều phải bỏ đi và phần lớn những điều còn lại thì điều nào cũng phải sửa vì những nội dung như dự thảo thì không có nội dung hoặc sai lệch. Hơn nữa, quá nhiều nội dung trong dự thảo đã không hướng tới mục tiêu của luật này là đổi mới thể chế về quản lý và đầu tư vốn của nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Ngược lại còn đổ bê tông thêm cho nút thắt thể chế.

Chỉ nói ngay Điều 3: có 11 khoản giải thích từ ngữ thì cả 11 khoản phải sửa. Khoản 3 điều này giải thích DN thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu (CSH) là DN do cơ quan đại diện CSH quyết định thành lập hoặc được giao quản lý. Đây là khái niệm sai về pháp lý. Không có DN thuộc cơ quan CSH vì chưa biết cơ quan CSH là ai, mà một DN bao giờ cũng có chủ, dù đó là chủ danh nghĩa hay chủ thực sự. Cơ quan được giao? Vậy ai giao, giao thế nào, thế nào là giao? Khái niệm này hoàn toàn tù mù về nội dung và không rõ ràng về pháp lý.

Cơ quan đại diện CSH của DN là tổ chức được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN. Nhưng ai giao, giao ở đâu, bằng văn bản pháp luật nào? Triết lý để giao là gì?… Nếu chưa nói được cụ thể, thì cũng phải nói được địa vị pháp lý, vai trò, vị trí và các chức năng của nó. Luật này là luật gốc nên phải xác định được đó là cơ quan nào. Nếu không đây là thất bại lớn của Luật này.

Theo Khoản 8, vốn của DN đầu tư tại DN khác là vốn của DN đầu tư tại công ty con, công ty liên kết. Khoản này cũng giống như Khoản 7 và quy định như thế không chính xác nhưng tạo kẽ hở để người ta lạm dụng bòn rút tài sản DN, tài sản nhà nước. Hay như Điều 30 quy định về Đầu tư vốn ra ngoài DN lại tính cả “Mua công trái, trái phiếu để hưởng lãi” – DN không được làm điều này vì trái với mục tiêu, sứ mệnh của DNNN.

Ở đây có một số việc cần bàn thêm. Một là, có nhất thiết, lúc nào cũng phải có cá nhân đại diện quản lý vốn tại DN? Kinh nghiệm các nước là không? Nếu ta làm thế này, thì sẽ rất tốn kém, cần quá nhiều biên chế không cần thiết. Hai là, liệu cơ quan đại diện sẽ thực hiện tất cả các quyền CSH, cổ đông hay thành viên? nếu không, thì cá nhân đại diện chỉ thực hiện các quyền của cơ quan đại diện mà thôi.

Theo Dự thảo, đại diện CSH có Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý vốn nhà nước tại DN; Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước đối với DN do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện CSH nhà nước tại DN. Ông có ý kiến gì về nội dung này không?

Nội dung điều này rất thiếu, và rất sai lệch, không phù hợp Điều 53 của Hiến pháp là “…các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện CSH và thống nhất quản lý”. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, do dân bầu trực tiếp, phải nhận trách nhiệm đầu tiên và cao nhất với tư cách là đại diện CSH, phải có chính sách sở hữu nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản do nhà nước đầu tư. Sau đó, Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Luật do Quốc hội thông qua, Quốc hội không thể thoái thác trách nhiệm mà chuyển giao trực tiếp quyền và trách nhiệm này cho Chính phủ.

Tiếp theo, phải chỉ rõ Chính phủ chịu trách nhiệm về cái gì. Và Thủ tướng có phải là một cơ quan đại diện CSH không. Quy định trong Dự thảo luật này là đúng như vậy, nhưng không nói thẳng ra như vậy. Thủ tướng có quyền, nhưng trách nhiệm ra sao không rõ. Điều này vừa sai về nguyên lý vừa mâu thuẫn vì cơ quan đại diện CSH phải thực hiện tất cả các quyền, chứ không phải một số quyền. Nếu một số quyền, thì đó là những quyền nào đây, trách nhiệm nào đây, các quyền và trách nhiệm khác, thì do ai thực hiện. Và chỉ tiêu nào để đánh giá là Chính phủ đã hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ; và khi đó, thì ai chịu trách nhiệm?

Lâu nay, câu chuyện DNNN sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả, đầu tư dàn trải cũng bởi do giám sát yếu. Vậy cần phải giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào DN như thế nào, nội dung giám sát như dự thảo có đáp ứng được yêu cầu?

Trong dự thảo luật có Chương V về nội dung này. Nhưng không biết ai giám sát ai, giám sát cái gì, như thế nào, trách nhiệm ra sao…

Trước hết, quy định như hiện nay trong dự thảo không có chỗ cho Quốc hội giám sát Chính phủ. Cũng không thấy dư địa hay phạm vi giám sát của Chính phủ đối với cơ quan CSH. Cơ quan CSH là ai cũng chưa biết, thì lại càng không thể quy định cơ chế giám sát nó.

Tóm lại, tôi thấy khó kỳ vọng thực hiện cải cách DNNN một cách mạnh mẽ được. Với DNNN thì có 2 điều buộc phải làm là siết chặt kỷ luật ngân sách và áp đặt đầy đủ các nguyên tắc kỷ luật thị trường, nâng cao quản trị DN.

Một trong những nguyên tắc đầu tiên của áp đặt nguyên tắc thị trường là phải tách bạch chức năng thực hiện quyền CSH và chức năng quản lý nhà nước, nhưng cơ quan chuyên trách thực hiện quyền CSH chưa có, 2 chức năng vẫn không tách bạch được, vẫn không phân biệt được thế nào là quản lý nhà nước, thế nào là CSH – theo như Dự thảo đưa ra Quốc hội lần này.

Xin cảm ơn ông!

Linh Đan thực hiện
Nguồn: Thời báo Ngân hàng