Một luật sửa nhiều luật: Kiến nghị bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự luật này nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, DN và cùng với những điều chỉnh trong dự thảo, nhiều bất cập trong quá trình sản xuất kinh doanh tiếp tục được kiến nghị bổ sung, điều chỉnh.

Tiến độ khẩn trương

Theo nội dung Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đang được lấy ý kiến rộng rãi, sẽ có 12 luật hiện hành thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật “sửa nhiều luật” này. Đó là: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Quản lý thuế, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở và Luật Điện ảnh.

Đối với Luật Đầu tư, cùng với việc đề xuất loại bỏ tới 67 ngành nghề ra khỏi danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đồng thời bổ sung thêm 14 ngành nghề vào danh mục này, dự thảo còn tiếp tục đề nghị sửa đổi, bổ sung 30 điểm tại hơn 20 điều của Luật Đầu tư. Dự thảo cũng đã đề xuất điều chỉnh, sửa đổi 22 điều khoản của Luật Doanh nghiệp, 10 điều khoản của Luật Đất đai, 11 điều khoản của Luật Xây dựng và một số điều tại các luật có liên quan đến đầu tư và kinh doanh khác.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh là một sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh rất đáng hoan nghênh, tiếp nối dòng chảy xóa bỏ các rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đồng thời quá trình xây dựng Luật cho thấy có nhiều điểm tích cực, từ cách làm, phạm vi, tiến độ cũng như sự quyết tâm của các cơ quan liên quan.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – xã hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Bắc Ninh cho rằng, điều mà các DN trông chờ chính là thủ tục hành chính, hồ sơ thuận lợi, đơn giản hơn, thời gian giải quyết rút ngắn, đảm bảo tính minh bạch, giảm bớt điều kiện kinh doanh, việc tiếp cận nguồn lực của Nhà nước thuận lợi và bình đẳng hơn, tránh cửa quyền, bất bình đẳng do “thân hữu”, “sân sau”… Vấn đề là ở chỗ, các Luật được điều chỉnh trong luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh bao gồm cả 3 vấn đề lớn gồm điều kiện kinh doanh,  thủ tục hành chính và cả việc tiếp cận nguồn lực (đất đai, khoáng sản…), do đó vai trò của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh là rất quan trọng.

Đánh giá chung về dự thảo luật, ông Nguyễn Phương Bắc cho rằng, sáng kiến xây dựng Luật đã đáp ứng sự mong đợi của DN, đã tập hợp được những điểm vướng mắc dễ nhận diện nhất trên bình diện chung về môi trường kinh doanh, tiến độ xây dựng Luật rất khẩn trương và có nhiều điểm trong quá trình góp ý xây dựng luật trước đây chưa được tiếp thu nay mới được xem xét chỉnh sửa lại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Bắc, từ góc độ tiếp cận các thủ tục thì còn nhiều vấn đề chưa được hóa giải. Đơn cử điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không rõ ràng về trình tự, thủ tục. Điều 193, Luật Đất đai quy định phải xin phép của cơ quan có thẩm quyền, nhưng cơ quan thẩm quyền là ai, và xin phép vào lúc nào lại chưa được quy định rõ. 

Nhiều bất cập cần sửa đổi

Bên cạnh những sửa đổi, bổ sung đã được cơ quan chức năng đề xuất trong dự thảo, các chuyên gia, DN tiếp tục đề xuất những kiến nghị nhằm chỉnh sửa những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động đầu tư và kinh doanh.

Cụ thể, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, có 10 điều khoản của Luật Đất đai 2013 được kiến nghị điều chỉnh. Góp ý về những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai liên quan đến vấn đề tiền sử dụng đất được quy định tại Điều 107 Luật Đất đai, đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM đề nghị thay thế chế định “tiền sử dụng đất” bằng sắc thuế “Thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở” để đảm bảo minh bạch và loại trừ cơ chế “xin – cho”.

Lý giải cho đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, hiện nay, tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí (không bị điều chỉnh bởi Luật Thuế, Luật Phí và lệ phí), nhưng lại là một khoản thu ngân sách của địa phương rất lớn được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước. Theo cách hành thu hiện nay thì tiền sử dụng đất là “gánh nặng” của DN và người tiêu dùng phải “gánh chịu” khi mua nhà, là “ẩn số” không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư và đây cũng là môi trường tạo ra cơ chế “xin – cho”. Theo ông Lê Hoàng Châu, để thị trường BĐS vận hành thực sự theo cơ chế thị trường thì về trung hạn, dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế, với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất, như đề xuất của UBND TP.HCM. Điều này vừa đảm bảo minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho, hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.

Ngoài 12 Luật đang được nghiên cứu sửa đổi những nội dung cấp bách, Hiệp hội BĐS TP.HCM đề nghị bổ sung thêm 2 Luật gồm Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đấu thầu với rất nhiều các điều khoản đề xuất cần chỉnh sửa vào danh mục các Luật được sửa đổi, bổ sung lần này.

Theo Danh mục các chương trình, đề án trong Kế hoạch Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh sẽ được trình lên Quốc hội trong năm 2016. Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng, tới đây cần nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh theo một góc độ từ chu trình thực hiện các thủ tục của DN và người dân, từ đó sẽ phát hiện thêm các nội dung sửa đổi, bổ sung, đồng thời cần nghiên cứu, rà soát các nghị định có liên quan vì các quy định tại các nghị định còn nhiều vướng mắc hơn, gây khó khăn cho DN hơn rất nhiều.

Trên cơ sở đánh giá sự phù hợp giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ, ông Trần Mạnh Hùng, Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp liên quan đến vấn đề tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo ông Trần Mạnh Hùng, hiện nay những quy định liên quan đến xử lý đối với trường hợp tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được ban hành, tuy nhiên, Điều 39 của Luật Doanh nghiệp về những điều cấm trong đặt tên DN lại hoàn toàn không có bất kỳ quy định nào về việc cấm đặt tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. “Chúng tôi kiến nghị bổ sung quy định cấm đặt tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 39 Luật Doanh nghiệp, theo đó quy định “Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN liên quan đến trường hợp tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, đồng thời kiến nghị bổ sung Điều 211 của Luật Doanh nghiệp về Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN đối với trường hợp DN có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không thực hiện thủ tục thay đổi tên DN theo thông báo của Phòng đăng ký kinh doanh có thẩm quyền” nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành”, ông Trần Mạnh Hùng kiến nghị.

Hoài Anh
Nguồn: Báo Hải quan điện tử