Nghị định 46 không làm khó doanh nghiệp?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp lo ngại

Theo các doanh nghiệp, ít nhất, Nghị định 46 có hai điều khiến họ gặp khó khăn. Một là, yêu cầu thông báo công khai nhu cầu tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển lao động nước ngoài. Cụ thể, trước khi tuyển lao động người nước ngoài ít nhất 30 ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người nước ngoài trên ít nhất 1 số báo Trung ương và ít nhất 1 số báo địa phương (Khoản 3 Điều 1, Nghị định 46). Thứ hai, khi gia hạn giấy phép cho người lao động nước ngoài, doanh nghiệp phải nộp bản sao hợp đồng học nghề được ký giữa doanh nghiệp với người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người nước ngoài đang đảm nhiệm (Điều 13, Nghị định 46).

Các doanh nghiệp lo ngại quy định như vậy sẽ kéo dài quá trình tuyển dụng và tăng nguy cơ ứng cử viên lao động Việt Nam kiện doanh nghiệp nếu sau khi đăng quảng cáo tuyển dụng mà không thực hiện. Hơn nữa, Điều 132, Bộ luật Lao động chỉ yêu cầu “doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được tuyển người nước ngoài cho một thời hạn nhất định nhưng phải có kế hoạch, chương trình đào tạo để người Việt Nam có thể sớm làm được công việc đó và thay thế họ”, chứ không yêu cầu ký hợp đồng học nghề như Nghị định 46. Trên thực tế, doanh nghiệp cũng không thể ký hợp đồng học nghề để đào tạo lao động thành giám đốc điều hành, tài chính được…

Nhất quán chính sách

Trước thắc mắc của doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ, TB và XH Lê Quang Trung cho biết: Nghị định 46 thực hiện nhất quán chính sách tuyển dụng lao động người nước ngoài của Việt Nam là chỉ sử dụng lao động người nước ngoài có trình độ, kinh nghiệm, kỹ thuật cao và bảo vệ thị trường lao động trong nước. Nghị định 46 có thêm một số nội dung mới như: bổ sung 2 đối tượng được phép sử dụng người lao động nước ngoài là hội, hiệp hội doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, bổ sung Điều 6a với 7 mục nhỏ quy định cụ thể việc tuyển dụng, sử dụng lao động từ lúc chào thầu, đến khi làm hồ sơ tham gia dự thầu, chấm thầu và tổ chức thực hiện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

Cũng phải thấy rằng, những điều doanh nghiệp lo ngại trên đây thực chất đã được quy định tại Nghị định 34, nay chỉ được làm rõ thêm trong Nghị định 46 mà thôi. Ví dụ: Nghị định 34 quy định trước khi tuyển lao động ít nhất 30  ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển lao động trên báo Trung ương hoặc địa phương thì nay, Nghị định 46 quy định phải thông báo trên ít nhất 1 số báo Trung ương và ít nhất 1 số báo địa phương. Còn yêu cầu người sử dụng lao động phải  nộp bản sao hợp đồng học nghề được ký giữa doanh nghiệp với người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người nước ngoài đang đảm nhiệm không phải gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mong muốn của cơ quan quản lý là doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo lao động Việt Nam để thay thế lao động nước ngoài, góp phần bảo vệ thị trường lao động trong nước. Cách hiểu Điều 132 Bộ luật Lao động với ý chỉ cần có kế hoạch, chương trình đào tạo mà không gắn với triển khai đào tạo trên thực tế là không ổn.

Hiện Bộ LĐ, TB và XH đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều trong Nghị định 46, đang gửi lấy ý kiến các sở, ngành và doanh nghiệp để sớm ban hành. Hy vọng, Thông tư ra đời sẽ tạo được sự đồng thuận giữa chủ sử dụng lao động, người lao động với các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng chất lượng quản lý lao động nước ngoài và tăng thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Lý Hà
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân