Nhật phát hiện trường hợp nhiễm virus viêm phổi Trung Quốc đầu tiên
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không khí lo lắng đang lan nhanh khắp châu Á khi virus viêm phổi coronavirus chủng mới bùng phát ở Trung Quốc đã khiến một người tử vong và hàng chục người nhiễm bệnh. Ngày 15/1, cơ quan chức năng Nhật Bản ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus này, vài ngày sau Thái Lan. 

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đây là một người đàn ông ngoài 30 tuổi, sống tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, bị sốt cao vào ngày 3/1 khi đang ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông trở về Nhật Bản ba ngày sau đó và được phát hiện dương tính với virus coronavirus chủng mới. Từ đó đến nay, người này đã được điều trị và phục hồi, được xuất viện vào ngày 14/1 vừa qua. Người này cho biết ông không tới chợ hải sản được xem là tâm điểm bùng phát virus trên tại thành phố Vũ Hán. 

Trường hợp tại Nhật Bản được ghi nhận chỉ vài ngày sau khi nhà chức trách Thái Lan cho biết một du khách Trung Quốc bay từ Vũ Hán nhập cảnh vào nước này được phát hiện nhiễm virus trên. 

Nữ du khách này là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện bên ngoài Trung Quốc. Người này cũng cho biết bà chưa từng tới chợ hải sản nói trên. Tuy nhiên, bà thường xuyên lui tới một chợ thực phẩm tươi khác ở Vũ Hán trước khi nhiễm bệnh hôm 5/1, theo thông cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Tính đến ngày 13/1/2020 đã ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh, 7 trường hợp nặng, 1 trường hợp tử vong, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các bệnh nhân khác trong tình trạng ổn định và chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế bị nhiễm bệnh. 

Phần lớn những người nhiễm bệnh ở Vũ Hán đều từng tới Chợ Hải sản Bán buôn Nanhua tại thành phố này. Chợ này đã được đóng cửa để khử trùng từ ngày 1/1 đến nay. Cơ quan y tế Vũ Hán ngày 14/1 cho biết một số “mẫu phẩm” thu được ở chợ này dương tính với virus trên. 

Ngoài cá tươi, chợ này cũng bán nhiều động vật hoang dã khác, như chim, thỏ và rắn. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng virus chủng mới này có thể đã lây nhiễm từ động vật sang người, như bệnh Sars và Mers trước đây. 

Nhà virus học Leo Poon của Đại học Hồng Kông, một trong những người đầu tiên giải mã virus Sars, cho biết trường hợp nhiễm bệnh phát hiện ở Thái cho thấy hai khả năng: nữ du khách có thể đã bị lây nhiễm virus từ động vật ở chợ thực phẩm nơi bà thường tới, hoặc từ một người khác. 

Khả năng đầu tiên đồng nghĩa rằng nguồn gốc của virus chủng mới này có thể lan rộng hơn so với ước lượng trước đó của các nhà chức trách. Còn trường hợp thứ cho thấy khả năng lây nhiễm từ người sang người, và có thể làm bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu. 

“Tôi nghiêng về khả năng đầu tiên hơn”, ông Poon cho biết. “Việc này nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm – những nguy cơ từ việc buôn bán thịt động vật hoang dã tại các khu chợ nên được xem lại và có những chính sách mới sớm nhất có thể”. 

Trung Quốc và thế giới đã phải trả giá nặng nề cho việc tiêu thụ động vật hoang dã. Dịch bệnh Sars bùng phát từ tháng 11/2002 tới tháng 7/2003 đã khiến 774 người thiệt mạng sau khi lan sang 37 quốc gia trên thế giới. Virus coronavirus được tìm thấy ở cầy hương, một loài động vật hoang dã được xem là đặc sản tại nhiều vùng ở miền nam Trung Quốc – cũng là nơi khởi nguồn của Sars.

Tuy vậy, giáo sư Poon và các chuyên gia khác ở Hồng Kông không loại trừ khả năng virus viêm phổi cấp mới có thể lây nhiễm từ người sang người. Virus coronavirus chủng mới, cùng họ với Sars và Mers, bắt nguồn từ Vũ Hán, thành phố lớn nhất miền trung Trung Quốc. 

Dịch bệnh bùng phát trước thềm tết Nguyên Đán – tết cổ truyền tại Trung Quốc và một số nước như Việt Nam, khiến các nước châu Á phải nâng cao cảnh giác. Các nhà virus học trên khắp thế giới đang nghiên cứu các mẫu phẩm được chia sẻ từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. 

Ngày 14/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh của Mỹ ban bố cảnh báo theo dõi cấp độ 1 – mức thấp nhất trong cảnh báo 3 cấp về y tế, theo đó khuyến cáo người Mỹ tới Vũ Hán nên “thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường”. 

Tại Việt Nam, chiều 15/1, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng conoravirus mới và cho biết Việt Nam hiện chưa chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, song nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại với Trung Quốc.