Những tín hiệu tốt lành 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Những con số ấn tượng về người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố chiều 10.6 thực sự là tín hiệu tốt lành, đem đến nhiều hy vọng và hứa hẹn một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội.

Những con số ấn tượng

Trong 5 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở thế kỷ XXI thì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV đạt kết quả tốt nhất về các cơ cấu chủ yếu. Có thể điểm qua một vài cơ cấu:

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, trong những khóa trước đây, dù phấn đấu rất “căng” nhưng cũng chỉ ở con số trên dưới 27%, thậm chí còn có xu hướng giảm (từ Khóa XI đến Khóa XIV lần lượt là 27,31%; 25,76%; 24,40%; 24,29% và 26,72%). Nhưng đến Khóa XV, con số này đã vượt hẳn lên, đạt 30,26%. Thông thường trong nhiều vấn đề Quốc hội bàn thảo phải lồng ghép nội dung bình đẳng giới. Vai trò và hiệu quả hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội cũng đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Vì thế, với tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội cao nhất kể từ Quốc hội Khóa VI đến nay là một thuận lợi lớn cho Quốc hội trong việc bảo đảm các chính sách, pháp luật, các dự án, đề án, vấn đề quan trọng quốc gia được xem xét thấu đáo hơn từ góc độ bình đẳng giới.

<img alt="Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia kiểm tra công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 8 xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội Ảnh: Doãn Tấn" src="” width=”850px” />
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia kiểm tra công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 8 xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội
Ảnh: Doãn Tấn

Tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số cũng tăng lên trong ba khóa gần đây (Khóa XIII đạt 15,6%, Khóa XIV tăng lên 17,4% và Khóa XV là 17,84%). Dân số các dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% tổng số dân số cả nước mà tỷ lệ đại biểu của các dân tộc thiểu số trong Quốc hội chiếm tới 17,84% là một con số rất ấn tượng. Điều mà Đảng, Nhà nước chỉ đạo là, phải ngày càng nhiều dân tộc có đại biểu trong Quốc hội thì Khóa XV thêm một số dân tộc rất ít người đã có đại biểu của mình tại Quốc hội.

Tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng liên tục từ Khóa XI đến Khóa XV lần lượt là: 23,9%; 29,21%; 31%; 33,8% và 38,6%. Các tỷ lệ này phản ảnh tính tất yếu của xu thế “chuyên nghiệp hóa” hoạt động của Quốc hội và cũng là nhân tố góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong quá trình hoạt động, theo yêu cầu của công việc, đại biểu chuyên trách có thể tăng thêm, nhất là ở Trung ương (Khóa XIII, đầu nhiệm kỳ, ở các cơ quan, tổ chức của Quốc hội chỉ có 91 đại biểu hoạt động chuyên trách thì cuối nhiệm kỳ lên tới 101 đại biểu; tương tự như thế, Khóa XIV, từ 100 tăng lên 103 đại biểu). Tỷ lệ 38,6% đại biểu hoạt động chuyên trách là con số vượt trội so với nhiều khóa trước (các khóa trước chỉ tăng khoảng trên dưới 2%, khóa này tăng tới 4,8% so với Khóa XIV).

Tỷ lệ đại biểu tái cử cũng gây ấn tượng mạnh vì liên tục tăng qua mỗi khóa và khóa này tăng mạnh nhất (Khóa XI, đại biểu tái cử chỉ chiếm 27,11%, Khóa XII là 27,59%, Khóa XIII là 33,40%, Khóa XIV là 36,03% và Khóa XV lên tới 40,68%). Đây cũng là xu thế ngày càng chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, và quan trọng hơn là chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ tốt hơn. Nếu đại biểu tham gia lần đầu còn phải nghiên cứu, học hỏi trình tự, thủ tục và nhiều vấn đề khác trong hoạt động của Quốc hội thì đại biểu tái cử vào đầu nhiệm kỳ sẽ hoạt động được ngay do đã rút kinh nghiệm ở nhiệm kỳ trước. Sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia về việc này là hoàn toàn đúng đắn và chính xác.

Đại biểu Quốc hội Khóa XV có trình độ học vấn cao “tuyệt đối”. Trong 499 đại biểu chỉ duy nhất một đại biểu có trình độ dưới đại học. Đại học và trên đại học chiếm tới 99,8% tổng số đại biểu, trong đó Tiến sĩ và Thạc sĩ nhiều hơn đại học (392 đại biểu, chiếm 78,55% tổng số đại biểu; đại học chỉ có 106 đại biểu, chiếm 21,24%). Đây cũng là khóa có nhiều đại biểu có học hàm cao (12 Giáo sư và 20 Phó Giáo sư). Với trình độ học vấn cao, ở nhiều lĩnh vực quan trọng, hy vọng các đại biểu sẽ có đóng góp xứng đáng, nâng chất lượng hoạt động của Quốc hội lên tầm cao mới.

Khóa XV có số lượng đại biểu tự ứng cử cao gấp đôi so với Khóa XIV. Điều này tỏ rõ: Bất cứ công dân nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội đều có thể được cử tri tín nhiệm, bầu làm đại biểu Quốc hội. Dân chủ trong ứng cử, dân chủ trong bầu cử là như vậy. Hầu như tất cả đại biểu tự ứng cử mà trúng cử đều đã và đang hoạt động thực tiễn rất hiệu quả vì biết phát huy tốt năng lực, trình độ, kiến thức, học vấn của mình…

Các con số, tỷ lệ nói trên là cơ sở để tin tưởng rằng, Quốc hội Khóa XV sẽ làm tròn trọng trách cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định.

 Không chỉ là kỷ lục mà còn là kỳ tích

Một tỷ lệ mang tính tổng thể vô cùng ấn tượng của cuộc bầu cử lần này, đó là tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đạt rất cao. Thực ra Nhân dân Việt Nam vốn có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình nên trong tất cả các cuộc bầu cử đều đã giữ vững và phát huy truyền thống tham gia đầy đủ và rất trách nhiệm. Cuộc bầu cử năm 2011, cử tri tham gia bầu cử đã đạt tới 99,51%; năm 2016 đạt 99,35% và năm nay (2021) đạt tới 99,6%. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn, phức tạp do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hoành hành, gây ra nhiều hệ lụy… tỷ lệ cử tri đi bầu cao như vậy thực sự là một kỷ lục, một kỳ tích.

Đạt được các kết quả to lớn đó là tổng hợp từ nhiều nhân tố đan xen với nhau. Nhưng trước hết là sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương từ rất sớm. Từ ngày 20.6.2020, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu, số một là, “xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân”.

Nắm vững yêu cầu của chỉ thị quan trọng này, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã triển khai cuộc bầu cử đúng luật, bài bản, sát sao từng bước, từng công đoạn và tổ chức giám sát để chấn chỉnh kịp thời nhằm hoàn thiện các công việc ở địa phương, cơ sở. Các tổ chức phụ trách công tác bầu cử từ Trung ương đến tổ bầu cử làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Sự phối kết hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa các cấp ủy Đảng và các tổ chức phụ trách bầu cử cùng Mặt trận Tổ quốc các cấp khá “ăn ý”, chặt chẽ nên đã thực thi tốt các bước hiệp thương, đúng như Chỉ thị của Bộ Chính trị. Đó là, lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Một nguyên nhân cực kỳ quan trọng nữa là, toàn dân đã hăng hái, nhiệt liệt ủng hộ cuộc bầu cử; cử tri cả nước đã ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình nên đã tham gia bỏ phiếu gần như tuyệt đối. Thực tiễn cho thấy, những hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao của Đảng và Nhà nước các nhiệm kỳ qua đã củng cố và nâng cao niềm tin của toàn dân trong cả nước. Do đó Nhân dân ta đã và đang nhiệt thành ủng hộ mọi chủ trương, mọi công việc xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền vững mạnh. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công lớn lao của cuộc bầu cử lần này.