Phải bài bản và có tầm nhìn 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Thảo luận tại Tổ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, các đại biểu Quốc hội tán thành với phương châm thực hiện “mục tiêu kép” linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng khi dịch bệnh dự báo còn kéo dài thì giải pháp đưa ra phải bài bản, thống nhất và có tầm nhìn.
<img alt="Nguồn: ITN" src="” width=”850px” />
Nguồn: ITN

Trước mắt phải ưu tiên chống dịch Covid-19

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận khi cho ý kiến về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH. Trước những diễn biến của dịch bệnh hiện nay, nhiều đại biểu tán thành với những nhiệm vụ, mục tiêu được Ủy ban Kinh tế đưa ra trong báo cáo thẩm tra: Xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh được dự đoán sẽ còn “trường diễn” như nhận định của ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng), thì phải có những giải pháp chuẩn bị cho lâu dài để chung sống với Covid-19. “Hướng này không đơn giản nhưng chúng ta phải vừa tồn tại vừa phát triển”. Thực tế cho thấy, “dịch bệnh Covid-19 tác động rộng lớn, làm thay đổi hành vi, nhận thức của các tầng lớp nhân dân cũng như mọi dự báo phát triển của các nước trên thế giới, nên nếu không có giải pháp khoa học sẽ khó thực hiện thành công mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 5 năm tới”, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nhận định.

Chính phủ xác định sẽ kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” nhưng có sự linh hoạt tùy theo từng thời điểm, từng địa bàn, ưu tiên đầu tiên cho việc chống dịch. Quan điểm nhất quán là ưu tiên các nguồn lực cho việc chống dịch nhưng tùy tình hình cụ thể, tùy thời điểm để điều hành linh hoạt, hiệu quả. Thực tế là vậy, song với nhiều đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thì trước mắt cần ưu tiên chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.

Ưu tiên chống dịch trong trước mắt, nhưng ĐBQH Phạm Đức Ấn (TP Hà Nội) cho rằng, các cơ quan chức năng phải rà soát, nghiên cứu xây dựng văn bản quy định điều kiện, cách thức tiến hành một số giải pháp chống dịch như cách ly, phong tỏa… Dẫn ví dụ khi triển khai giải pháp cách ly tại nhà, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị, phải thực hiện trên cơ sở văn bản hướng dẫn sâu sát từ cơ quan quản lý nhà nước, không giao mỗi địa phương thực hiện một cách, thiếu thống nhất. Thậm chí, áp dụng ngay với những địa phương có số lượng ca nhiễm mới thấp, vì có như vậy mới phát hiện sớm những khe hở cần bít lại nhanh chóng. Nếu đợi đến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp mới áp dụng sẽ khiến chính quyền địa phương rơi vào thế bị động.

Hỗ trợ tạo bứt phá cho doanh nghiệp

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 22.7 Ảnh: Lâm Hiển
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 22.7
Ảnh: Lâm Hiển

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận tại Tổ chiều qua. Bởi doanh nghiệp, doanh nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, song chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 6 năm qua, dù có nhiều nhân tố đẩy chỉ số này tăng lên. Trong đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp do sức cầu của nền kinh tế thấp, thể hiện ở trên hai giác độ tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng doanh nghiệp đều thấp. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng rời khỏi thị trường. Đây là những điều rất đáng lo ngại. Do vậy, đại biểu cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong sử dụng công cụ tài chính và tài khóa.

Việc thu ngân sách tăng ổn định trong 6 tháng đầu năm là một động lực để có khoản tín dụng ưu đãi hơn nữa đối với doanh nghiệp. Nhưng theo một số đại biểu Quốc hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không nên dừng lại ở giãn, hoãn trả nợ, giảm một chút lãi suất… như hiện nay. Những giải pháp này chỉ giúp doanh nghiệp không bị chết, nhưng khó bứt phá lên hay đón được xu hướng kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi nhanh, khi nhiều quốc gia đã và sắp đạt miễn dịch cộng đồng, mở cửa trở lại. Nếu không đẩy nhanh phục hồi của doanh nghiệp thì nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới sẽ hiện hữu, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nhấn mạnh.

Trước nguy cơ này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần giải pháp mạnh hơn, không dừng lại ở tính chất “hà hơi, thổi ngạt” như thời gian qua, phải có những gói hỗ trợ tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp. Nếu có được các nguồn lực tốt thì các doanh nghiệp của chúng ta có thể thay thế một số chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy trên thế giới, mua lại dây chuyền, công nghệ quốc tế…

Cũng về hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, ĐBQH TP Hải Phòng, cho rằng, trong thời gian tới phải tập trung cao độ vào việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các nút thắt về thể chế, sửa đổi các Luật; phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn mà thông qua họ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt khác tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, với lợi thế với 100 triệu dân, Việt Nam đang là thị trường rất hấp dẫn nhưng trên thực tế hàng hóa trong nước, thị trường trong nước chưa được chú ý.

Có thể thấy, đi vào phân tích cụ thể về các giải pháp thực hiện mục tiêu kép được Chính phủ xác định, các đại biểu Quốc hội đã cho thấy rõ những điểm cần thay đổi trong xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan để triển khai thực hiện mục tiêu này. Bài bản, thống nhất và có tầm nhìn dài hạn là ba yêu cầu được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận tổ đầu tiên tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV cho các chính sách trong thời gian tới.