Phải đặt yêu cầu rất cao khi sửa đổi Bộ luật Lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Nên chăng cần tăng số lượng ngày nghỉ

Trong quá trình thảo luận, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng có so sánh giữa tổng số ngày nghỉ của Việt Nam với các nước khu vực còn ít hơn. Do đó nên chăng khi sửa luật lần này cần tăng số lượng ngày nghỉ lên. Tuy nhiên, chỉ nên đặt ra thế thôi chứ chưa nên bàn cụ thể là tăng bao nhiêu. Thực tế hai năm vừa rồi chúng ta có một sáng kiến đó là hoán chuyển, hoán đổi ngày nghỉ. Khi có những trường hợp bị chen vào giữa ngày nghỉ thì trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để Bộ trình Chính phủ hoán chuyển. Tôi thấy gợi ý của Chủ tịch rất đáng quan tâm, bây giờ có 4 ngày nghỉ tết Âm lịch, trong khi tuần làm việc có 5 ngày. Có khi đó là liền luôn, nhưng cũng có thể lọt một ngày nghỉ trong đó thì nên chăng tăng thêm một ngày nghỉ. Điều đó cũng không có vấn đề gì, bởi có tăng thêm một ngày cũng vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Việc thành lập tổ chức công đoàn không khó…

Trong thực tiễn, việc làm thêm giờ là nhu cầu có thật của người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ nêu một số ưu điểm cả cho người lao động và cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, tôi đề xuất nên nghiên cứu thận trọng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra mục tiêu mỗi năm tạo được việc làm mới khoảng 1,6 triệu lao động. Tính chung 5 năm tạo công ăn, việc làm mới khoảng 7.940.000 lao động. Và do vậy, khi điều chỉnh làm thêm giờ thì có ảnh hưởng về chỉ tiêu hay không. Nếu thật sự không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tạo việc làm mới theo cơ cấu lao động của Việt Nam thì tôi nghĩ việc đó có thể phù hợp hơn.

Vấn đề thứ hai là nghỉ hưu. Việc khẳng định quyền nghỉ hưu là phù hợp, nhưng phần kéo dài một số đối tượng giao cho Chính phủ hướng dẫn tôi đề xuất phải đưa vào luật một khung nhất định tạo ra sự giám sát của QH, ĐBQH.

Vấn đề thứ ba là nghỉ thai sản, cả 2 Báo cáo không nói lên được một điều là để bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em thì cần có thời gian nghỉ tối thiểu là bao nhiêu, trung bình là bao nhiêu, tối đa là bao nhiêu. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo có thể báo cáo thêm. Ủy ban Về các vấn đề xã hội đưa ra các khung đó cũng hợp lý nhưng đặt ra vấn đề hợp lý trên nền tảng gì? Trước là 3 tháng, nâng lên 4 tháng, bây giờ nâng lên 1 tháng nữa, cảm giác vậy thôi nhưng cơ sở đưa ra mang tính chất khoa học để quyết định việc này đề nghị báo cáo thêm.

Đối với vấn đề tranh chấp lao động phải tổng kết việc này. Thời gian vừa qua chúng ta chưa triển khai hết quy định của pháp luật. Điều 153 quy định một doanh nghiệp thành lập sau 6 tháng phải lập tổ chức công đoàn, bây giờ có rồi nhưng có phải chăng là 6 tháng ngắn quá, tổ chức không kịp mà 6 tháng cũng chưa có đình công hay luật của chúng ta quá khắt khe? Có thể 12 tháng, 18 tháng phải lập cho bằng được. Tôi nghĩ tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp không khó, từ đó sẽ thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Cần quan tâm đến tính giai đoạn

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động đặc biệt cần quan tâm đến tính giai đoạn vì hiện nay chúng ta đang chuẩn bị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và từ Hiến pháp rồi mới cụ thể hóa ra những vấn đề như quyền lao động… Tôi đề nghị phải tính. Nếu sửa năm 2011 rồi đến năm 2013 lại sửa Hiến pháp thì phải tính vấn đề gì sửa ở đây, vấn đề gì sửa ở Hiến pháp? Đề nghị phải làm rõ, bởi Bộ luật Lao động là cơ sở rất quan trọng, là bộ luật gốc, đụng chạm đến nhiều lao động, đời sống của nhiều người trong xã hội. Nếu không thì khoanh lại chỉ sửa đổi một số điều đã rõ, một số điều cần thiết phải sửa. Nếu sửa toàn diện như thế này đến năm 2013 sửa Hiến pháp thì nhiều điều liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, liên quan đến vấn đề này và KT – XH nếu không tính đến lại sửa tiếp sẽ rất bất lợi.

Vấn đề thứ hai, về thỏa ước lao động có thỏa ước lao động tập thể ngành không? Theo quan điểm của tôi, thỏa ước tập thể trước hết là chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động hoặc công đoàn tại doanh nghiệp đó là chính. Vì mỗi doanh nghiệp có một điều kiện lao động riêng còn những vấn đề chung về lương, chế độ lao động, nghỉ ngơi như thế nào đã có Bộ luật Lao động. Tôi theo dõi ở một số nước, nếu ở tầm cỡ quốc gia thì họ có hợp đồng thỏa ước lao động mẫu, trên cơ sở mẫu đó các doanh nghiệp lập hợp đồng thỏa ước lao động của từng doanh nghiệp, không bao giờ cả một ngành lại làm một thỏa ước lao động chung. Có thể ở ngành cũng có thỏa ước lao động nhưng chỉ là thỏa ước lao động mẫu, không thể thay cho thỏa ước lao động của từng doanh nghiệp được vì thỏa ước lao động liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động tại từng doanh nghiệp, từng cơ sở một.

Một trong những vấn đề quan trọng khi sửa Bộ luật Lao động là phải sửa những quy định về đình công. Vì theo tổng kết hiện nay, đình công rất lớn, hàng nghìn cuộc đình công, trong khi đó pháp luật đã có 15 năm nay rồi. Nhưng tại sao hơn 5 nghìn cuộc đình công không có một cuộc đình công nào đúng pháp luật, hơn 5 nghìn cuộc đình công đó không có cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Điều này có nghĩa là quy định của pháp luật không phù hợp để người ta phải vi phạm pháp luật, vi phạm pháp luật thì chúng ta lại phải xử lý vi phạm pháp luật. Xử lý vi phạm pháp luật là ai? Lại xử lý người lao động. Tôi thấy cả Chương XIV, cả Mục 4, 5 sửa rất ít, sửa 1 – 2 chữ, chỉ sửa 6/28 điều về đình công và sửa chỉ là trước, sau hoặc một bên, hai bên, sửa rất vụn vặt, không cơ bản. Tôi đề nghị cần phải tổng kết lại và cần phải sửa cơ bản. Ngay Điều 228 quy định cho công đoàn nhưng tại sao công đoàn không làm được. Bây giờ có thể công đoàn nói là quy định của pháp luật như thế này, chúng tôi không thể làm được thì phải sửa quy định của pháp luật. Nhưng trình tự giải quyết, tại Hội đồng cơ sở vẫn thế, tại Hội đồng hòa giải của trọng tài cũng thế không hề sửa gì. Trong khi người lao động người rất cần cái này, cuộc sống rất cần cái này, bây giờ sửa lại thấy bỏ qua. Tôi đề nghị cần phải xem vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Công đoàn nên vào cuộc ngay từ đầu

Phải đặt yêu cầu rất cao khi sửa đổi Bộ luật Lao động. Tôi rất đồng tình với  ý kiến của cơ quan thẩm tra và tôi đánh giá cao với sự cố gắng của cơ quan soạn thảo khi đã sửa đổi được rất nhiều điều. Đây là tư duy mới rất tập trung và có những điều phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, về thỏa ước lao động tập thể ngành, theo tôi chỉ nên tạo khuôn khổ pháp lý chứ không nên có quy định cụ thể. Về thời gian làm việc tôi cũng đồng tình với ý kiến thứ nhất là tăng thêm thời gian làm việc ngoài giờ cho người lao động, tuy nhiên có khống chế và mức khống chế này không quá cao với các nước trong khu vực. Về thời gian thai sản của lao động nữ, tôi đồng tình với ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội là không nên phân biệt đối với phụ nữ nghỉ thai sản 5 tháng, phụ nữ nghỉ thai sản 6 tháng. Về bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu tôi cũng đồng ý với cách đặt vấn đề và chúng ta cũng phải khẳng định người về hưu đối với nữ là 55 tuổi và nam là 60 tuổi có quyền được nghỉ hưu. Còn muốn làm việc thêm nữa là tự nguyện và nơi sử dụng lao động chấp nhận. Về tranh chấp lao động, có lẽ nên đưa ra nhiều tầng nấc. Trong giai đoạn này nên để người lao động thỏa thuận với nhau, sau đó đưa ra tòa án hòa giải, sau nữa mới công đoàn. Nhưng công đoàn không thể cứ đứng ngoài cuộc như thế. Quan điểm của tôi là công đoàn phải vào cuộc và phải lãnh đạo, vận động ngay từ đầu. Nếu thấy đúng thì phải tiếp tục, còn nếu sai thì phải có biện pháp giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Giữa lý luận và thực tiễn phải lý giải rõ

Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, cả xã hội quan tâm và rất bức xúc. Hơn nữa, Bộ luật này là Bộ luật phức tạp và tại lần này có tới 157 điều sửa đổi, 64 điều bổ sung mới. Nếu cộng lại thì phải tương đương với 3 bộ luật bình thường trong một lần xây dựng mới. Có thể thấy, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng với 4 mục thì hầu như mọi người trong xã hội đều bị ảnh hưởng. Còn như Báo cáo thẩm tra thì 15 triệu người liên quan trực tiếp tới các điều, khoản. Nhưng thực ra, Luật này không phải điều chỉnh 15 triệu người trực tiếp mà có thể là tất cả lao động xã hội, có thể tới hơn 40 triệu người lao động. Với đối tượng như vậy, tôi nghĩ quan điểm viết ở đây, những điều Chính phủ đã trình, từ quan điểm ấy, tôi có cảm giác chỉ mới quan tâm đến lực lượng lao động ưu thế ở phía dưới. Chúng ta đang hướng tới một xã hội năm 2020 là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Quan điểm ở đây khá đầy đủ nhưng còn thiếu phần ấy, tức là đội ngũ lao động bậc cao. Như vậy thiếu hẳn một mảng cực kỳ quan trọng để hướng tới nền kinh tế tri thức, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp.

Về vấn đề công đoàn lãnh đạo đình công và biểu tình, lý luận từ góc nhìn chung của các nước là đúng nhưng tôi rất băn khoăn vì bây giờ bảo công đoàn tổ chức biểu tình, mít tinh có đúng không, có cho phép không. Tôi rất băn khoăn điều đó. Do đó giữa lý luận và thực tiễn phải lý giải nó rõ.

Minh Vân lược ghi
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân