Phản biện xã hội: Khái niệm, chức năng và điều kiện hình thành .
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thử tìm một cơ sở lí thuyết cho khái niệm phản biện xã hội


Một thức nhận về phản biện xã hội

Phản biện xã hội là sự phản tư của các lực lượng xã hội đối với những kiến tạo chính sách, thể chế… trực tiếp liên quan đến quyền lợi của các thành viên trong cộng đồng, từ đó giúp các cơ quan hữu quan điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Như vậy, về bản chất, phản biện xã hội là sự tương tác, giao thoa về quan điểm, tư tưởng giữa các lực lượng (chính trị, kinh tế, xã hội) trong một cộng đồng. Do đó, thực tiễn và chất lượng của hoạt động phản biện nói lên tính chất tiến bộ, trình độ dân chủ, văn minh của cộng đồng ấy. Nghiên cứu phản biện xã hội, vì vậy, không thuần túy là nghiên cứu một hiện tượng mang tính liên chủ thể (chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội) mà còn tạo tiền đề để giải phẫu những vấn đề cốt yếu, nền tảng của toàn bộ hệ thống xã hội.

Chức năng của phản biện xã hội trong đời sống thực tiễn

(1)Phản biện xã hội giúp điều tiết xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội để tạo ra đồng thuận xã hội

Xã hội là một tập hợp của nhiều nhóm lợi ích, ở đó, mỗi nhóm theo đuổi một chiến lược sinh tồn riêng. Trong quá trình phát triển, các nhóm có nguy cơ mâu thuẫn về quyền lợi, dẫn đến những ẩn ức, ức chế xã hội (trong trường hợp không được giải tỏa); cao hơn, có thể dẫn đến các hoạt động chống đối, bạo lực, gây nên tình trạng căng thẳng xã hội thường trực, thậm chí là tiền đề cho các cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội trên diện rộng.

Căn nguyên của trạng thái vừa nêu là các lực lượng xã hội đã không tìm ra một giải pháp thích đáng để giải quyết mâu thuẫn. Đúng hơn, xã hội đã thiếu đi một cơ chế đối thoại, phản biện để điều hòa mâu thuẫn, cân đối lợi ích giữa các nhóm liên quan. Nếu chúng ta xem xã hội như một chỉnh thể toàn vẹn thì vận động xã hội là quá trình trao đổi liên tục các dòng năng lượng/dòng vốn (hiểu theo nghĩa rộng) giữa các lực lượng xã hội. Mâu thuẫn/xung đột xã hội sẽ làm gián đoạn phương thức luân chuyển năng lượng này cho đến khi cơ chế đối thoại, phản biện xã hội xuất hiện. Phản biện xã hội góp phần tái tạo, phục hồi trạng thái cân bằng vốn đã bị phá vỡ trước đó, mở đường cho trạng thái đồng thuận xã hội xuất hiện. Khi một xã hội trở nên đồng thuận, bản thân nó đã tự tạo cho mình những tiền đề phát triển mới. Vì đồng thuận xã hội là điều kiện cần để phát triển các nguồn vốn cộng đồng, mở rộng mạng lưới xã hội mà ở đó, các thành viên dễ dàng tương tác với nhau nhờ cùng chia sẻ những niềm tin và giá trị chung. Trong môi trường xã hội đồng thuận, một mặt, cá nhân được xã hội hậu thuẫn để phát triển bản ngã; mặt khác, giới tinh hoa với hoạt động sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng văn hoá của đời sống xã hội.

(2) Phản biện xã hội góp phần khắc phục những khiếm khuyết của các kiến tạo chính sách – thể chế, qua đó nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước

Khi hoạt động phản biện diễn ra, người ta hiểu rằng, trước đó, đã tồn tại một số vấn đề nhất định trong sự kiến tạo chính sách của cơ quan nhà nước chuyên trách công việc này và khiếm khuyết ấy có thể làm cho bản thân chính sách, quyết định đó trở nên bất khả thi khi áp dụng vào điều kiện thực tế – không loại trừ khả năng gây nên những hiệu ứng tiêu cực cho các đối tượng trực tiếp của chúng, chẳng hạn các cộng đồng dân tộc thiểu số hay các nhóm dân cư nông thôn. Cho nên, phản biện xã hội thực chất là đưa ra một cách nhìn khác của cộng đồng đối với chất lượng và triển vọng của chính sách vừa được ban hành – một cách nhìn mang tính ngoại thể so với cách nhìn mang tính nội thể của người trong cuộc. Hơn nữa, vì đại diện cho trí tuệ và lương tâm cộng đồng, nên cách nhìn ngoại thể này cũng hàm chứa tinh thần mới mẻ, khoa học và thực tiễn.

Trong ý nghĩa tích cực của nó, phản biện xã hội không có mục đích phủ định sạch trơn hay tìm cách đánh đổ kiến tạo chính sách của cơ quan công quyền. Ngược lại, nó giúp cơ quan kiến tạo chính sách nhận ra những vết rạn hay lỗ hỏng của bản thân chính sách, kể cả việc đề xuất các hướng đi hay giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế ấy. Nói một cách hình ảnh, phản biện xã hội vạch ra một đường phân thủy cho hướng vận động của chính sách: bên này là khả giải, bên kia là bất khả giải, và ranh giới để phân biệt bên này với bên kia là quyền lợi chính đáng của nhân quần xã hội. Tất nhiên, phản biện xã hội không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề. Nhưng, khi một kiến tạo chính sách đặt ra nhu cầu phản biện thì các hoạt động phản biện bao giờ cũng mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người ra chính sách.

Trở lại vấn đề, việc bổ sung cách nhìn ngoại thể nói trên đưa đến một tác động kép: một mặt, nó trực tiếp nâng cao tính hiệu quả của quá trình lập định chính sách; mặt khác, từng bước thay đổi tư duy kiến tạo chính sách, kể cả tư duy quản lí của giới kĩ trị theo hướng bám sát thực tiễn hơn.

(3)Phản biện xã hội góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng, phát triển ý thức về quyền và nghĩa vụ của người công dân, qua đó từng bước hình thành môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ.

Do bản chất xã hội của nó, các hoạt động phản biện thường gây ảnh hưởng đáng kể lên đời sống cộng đồng. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông càng giúp đẩy mạnh quá trình xã hội hóa các hoạt động phản biện. Bởi vậy, diễn trình của hoạt động phản biện thường đi từ quan điểm của một nhóm hạt nhân ban đầu rồi lan tỏa dần ra cộng đồng. Thông qua quá trình này, cộng đồng dần nắm bắt được căn nguyên xuất hiện của hoạt động phản biện, từ đó dấy lên nhu cầu quan tâm, nhận thức vấn đề đang được đặt ra. Dư luận xã hội sẽ được hình thành trong điều kiện đó. Dư luận này một mặt hậu thuẫn cho nhóm hạt nhân trực tiếp tham gia phản biện, mặt khác, ít nhiều tác động tới quan điểm, thái độ của giới qui hoạch chính sách – giúp họ có thêm một thông tin “đầu vào” (input) từ phía cộng đồng. Như vậy, bằng cách này hay cách khác, hoạt động phản biện luôn ủ sẵn khả năng tạo ra một trường tương tác xã hội (social interaction sphere) giữa cộng đồng trí thức (phát hiện và lí giải vấn đề), cộng đồng truyền thông (phổ quát thông tin) và cộng đồng xã hội (hưởng ứng thông tin và hình thành dư luận). Quá trình tương tác ấy phá vỡ ốc đảo khép kín của đời sống cá thể, nối kết cá thể với cộng đồng rộng lớn bên ngoài, từ đó giúp họ hình thành nên tính năng động xã hội – một phẩm chất không thể thiếu của người công dân hiện đại.

Các điều kiện nền tảng để hình thành phản biện xã hội

(1) Hệ thống thể chế minh bạch, dân chủ, tiến bộ

Kinh nghiệm quốc tế và trong nước ngày càng cho thấy rằng, hệ thống thể chế có vai trò đòn bẩy đối với tốc độ và chất lượng phát triển của toàn xã hội. Thể chế không chỉ tạo cơ sở pháp lý mà còn kích thích và định hình chiều hướng vận động của các nguồn lực xã hội. Ở các quốc gia phát triển, với sự tồn tại của một nhà nước pháp quyền dân chủ và một nền kinh tế thị trường lành mạnh, phản biện xã hội diễn ra như một hiện tượng tất yếu, tự nhiên của đời sống dân sự. Sự tương tác qua lại thường xuyên giữa nhà nước – thị trường – xã hội dân sự thông qua cơ chế phản biện xã hội đã giúp các quốc gia này giảm thiểu được xung đột, căng thẳng xã hội, điều chỉnh năng lực quản trị của bộ máy nhà nước, cũng như phát triển trách nhiệm xã hội, ý thức cộng đồng ở từng cá thể công dân lẫn các tập đoàn doanh nghiệp. Rõ ràng, trong điều kiện lí tưởng của trạng thái phát triển, phản biện xã hội trở thành cơ chế đảm bảo sự cộng thông liên tục giữa các lực lượng xã hội, nhờ vậy, đảm bảo tính bền vững cho lộ trình phát triển nói chung. 

(2) Sự hiện diện của xã hội dân sự

Giữa xã hội dân sự và phản biện xã hội tồn tại một mối quan hệ mang tính nhân quả. Nói cách khác, sự hiện diện của xã hội dân sự là một đảm bảo tiên quyết để hoạt động phản biện xã hội được diễn ra. Nhằm nhận thức rõ hơn luận điểm này, chúng ta cần trở lại với vấn đề bản chất và chức năng của xã hội dân sự.

Về bản chất, xã hội dân sự là lực lượng trung gian đứng giữa nhà nước và thị trường, hình thành trên nền tảng của một môi trường xã hội dân chủ và tiến bộ. Chủ thể của nền tảng ấy là những người công dân đã biết tổ chức ra các đoàn thể, hiệp hội để thông qua các tổ chức đại diện ấy thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của họ dưới rất nhiều cách thức, mà phản biện xã hội là một trong số đó. Điều này nói lên rằng, phản biện xã hội chính là chức năng cơ bản nhất của xã hội dân sự: các lực lượng dân sự sử dụng cơ chế phản biện để bày tỏ quan điểm, thái độ của họ đối với các kiến tạo chính sách, thể chế, định chế … của nhà nước. Trong một chừng mực nhất định, có thể diễn đạt rằng, phản biện xã hội là sự cụ thể hóa năng lực và phẩm chất của xã hội dân sự trước những vấn đề mà thực tiễn đặt ra cho bản thân nó.

Trong tình trạng xã hội dân sự chưa được thừa nhận chính thức bởi nhà nước, thì chức năng cơ bản nhất của nó, tức phản biện xã hội khó lòng được hiện thực hóa một cách triệt để. Một khi tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, thì không chỉ quá trình dân chủ hóa xã hội bị chậm lại, mà bản thân nhà nước cũng chịu nhiều thiệt thòi do thiếu một đối tác chia sẻ gánh nặng và thiếu một đối trọng quyền lực để buộc nhà nước phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị nếu không muốn rơi vào tha hóa và tụt hậu.Quá trình hợp pháp hóa xã hội dân sự và phản biện xã hội cần được bắt đầu bằng một khung thể chế dân chủ, minh bạch, trong đó ưu tiên thừa nhận các quyền cơ bản sau: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin và quyền tự do lập hội. Việc hợp pháp hóa các quyền vừa nêu sẽ tạo nên một cú hích quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của xã hội dân sự nói chung và phản biện xã hội nói riêng.

(3) Năng lực và trách nhiệm xã hội của giới trí thức

Theo Phạm Trọng Luật, chức năng cơ bản của người trí thức là truyền bá những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc và nhân loại cho cộng đồng [1]. Trong khi đó, Karl Marx nhấn mạnh đến một chức năng khác của người trí thức: chức năng phê phán hay phản biện xã hội [2]. Đối với người trí thức, mục đích tối hậu của công việc phê phán/phản biện là nhằm vạch ra những khuyết tật của xã hội đương tồn – cái thường được biểu hiện qua y hệ quả chính sách của cơ quan công quyền, từ đó thức tỉnh cộng đồng nhận ra những vấn đề mà họ đang phải đối diện, những vấn đề mà nếu không tìm ra hướng giải quyết sẽ nguy hại cho công cuộc phát triển của toàn xã hội. Mà nhận thức, một khi được khai sáng, có khả năng được cụ thể hóa thành những xung lực vật chất mạnh mẽ, làm thay đổi chiều hướng vận động xã hội.

Công tác phản biện xã hội thuộc về trách nhiệm của toàn cộng đồng. Tuy nhiên, với ưu thế đặc biệt về năng lực và do sự thôi thúc lương tâm, người trí thức luôn nhận lãnh trách nhiệm của người tiền phong. Họ thường nhạy cảm phát hiện ra các vấn đề mới của cuộc sống, đặt chúng trong một hệ qui chiếu rộng lớn của đời sống cộng đồng, từ đó đánh giá những tác động lợi – hại của chúng đối với lợi ích trước mắt và lâu dài của xã hội. Dĩ nhiên, rất nhiều vấn đề như thế đã trực tiếp bắt nguồn từ các kiến tạo chính sách của cơ quan công quyền và các kiến tạo này, đến lượt chúng trở thành đối tượng của công tác phản biện.

Trong điều kiện đã tồn tại xã hội dân sự, hoạt động phản biện do giới trí thức khởi xướng sẽ hình thành nên một không gian công cộng (public sphere) mà những sinh hoạt gắn liền với nó được qui về cái gọi là nền văn hóa công luận (public culture). Trong không gian công cộng, giới trí thức thực hiện các diễn đàn trao đổi học thuật hay ngoài học thuật và thực hiện sự nối kết giữa họ với xã hội bên ngoài. Về mặt lịch sử, sự ra đời của không gian công cộng là một nỗ lực nhằm ngăn ngừa tính độc đoán, áp đặt của các hệ thống chính trị và các phong trào xã hội có nguy cơ bị chính trị hóa.

Với hai đặc tính là tự do tư tưởng/ngôn luận và phản biện xã hội, không gian công cộng do giới trí thức cầm trịch góp phần tạo nên tính chất dân chủ, khai phóng cho đời sống xã hội. Để không gian công cộng có điều kiện hình thành và phát triển, điều kiện tiên quyết là cần kết hợp giữa việc ban hành – áp dụng – duy trì các định chế dân chủ và đáp ứng yêu cầu tham gia vào không gian công cộng của người dân – những người đã và đang thay đổi nhận thức về quyền và nghĩa vụ của họ từ quá trình khai sáng của giới trí thức: không thể lựa chọn giữa việc bảo vệ các định chế dân chủ và yêu cầu tham gia của nhân dân; không có giải pháp nào khác ngoài sự kết hợp giữa hai mặt đó… Ở thế kỉ trước [thế kỉ XIX], người ta đã phát hiện ra rằng dân chủ phải có một nội dung pháp lý cũng như kinh tế; ngày nay chúng ta biết rằng nó phải có một nội dung văn hóa đi đôi với một nội dung chính trị [3].

(4) Trình độ dân trí của cộng đồng

Khai sáng cộng đồng – mà hệ quả của nó là một nền dân trí cao vừa là mục tiêu, vừa là lí tưởng vươn tới của mọi loại hình xã hội. Bởi lẽ, quá trình khai sáng luôn mở ra một triển vọng phát triển, dân chủ, tiến bộ, văn minh. Vào thế kỉ XIX, khi viết công trình Chính thể đại diện (Representative government), John Stuart Mill đã nêu một luận điểm nổi tiếng: tình trạng của dân chúng quyết định sự thành bại của chính thể: Nếu chúng ta tự hỏi rằng một chính thể tốt trong mọi ý nghĩa của nó, bao gồm từ người hèn mọn nhất tới người quyền quý nhất, phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện gì, chúng ta sẽ thấy rằng điều chủ yếu nhất bao trùm lên mọi thứ khác chính là phẩm chất của các con người hợp thành cái xã hội mà chính thể đang vận hành trong đó [4]. Dĩ nhiên, yếu tố quyết định phẩm chất của con người xã hội trong cách diễn đạt của J.S.Mill chính là mặt bằng dân trí. Nhưng với nhiều nước thuộc thế giới thứ ba, cho đến bây giờ, vấn đề Khai sáng vẫn đang là một đề án dang dở. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng phát triển của các quốc gia đó.

Vì tầm quan trọng của Khai sáng đối với tiến bộ xã hội, nhiều nhà tư tưởng đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng phi Khai sáng của cộng đồng. Theo I. Kant, một cộng đồng không được khai sáng là một cộng đồng vẫn đang ở trong trạng thái “vị thành niên”, tức là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác, thế lực khác, quốc gia khác. K. Marx từ rất sớm đã day dứt về tình trạng này: Sự ngu dốt, đó là cái sức mạnh quỷ sứ, và chúng tôi sợ rằng nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch [5].

Rõ ràng, trình độ dân trí của cộng đồng là điều kiện cần để thiết lập, vận hành các định chế hay cơ chế dân chủ – trong đó có phản biện xã hội. Tác động của trình độ dân trí đối với phản biện xã hội được biểu hiện dưới  hai khía cạnh cụ thể sau đây:

Thứ nhất
, trong một xã hội có nền dân trí cao, người dân nhận thức rất rõ về quyền lợi và trách nhiệm công dân của họ. Sự tham gia tích cực vào đời sống công cộng thông qua các đoàn thể dân sự giúp mỗi thành viên có điều kiện hình thành ý thức công dân và nhân cách dân chủ. Trong một môi trường mà quá trình xã hội hóa trở thành đặc tính nổi bật, xu hướng phát triển chung của mỗi người là đi từ con người cá thể khép kín sang con người xã hội phổ quát, rộng mở. Con người tìm thấy hạnh phúc trong sự gắn nối tự nguyện với không gian bên ngoài: Không thể gọi là hạnh phúc, mà không tham gia vào công việc công cộng. Không thể gọi là tự do nếu không thể nghiệm thế nào là tự do công cộng. Không thể là tự do hay hạnh phúc mà không có chút quyền hành nào trong quyền lực công cộng [6]. Những người công dân năng động này rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quyền lợi của cộng đồng, chẳng hạn việc ban hành một chính sách, quy định, nghị định … nào đó của các tổ chức/cơ quan nhà nước. Hệ quả, họ đủ khả năng tự nhận ra những hệ lụy mà mình đang hoặc chuẩn bị đối mặt, hoặc dễ dàng đồng cảm với những phát hiện và cảnh báo của giới trí thức – tầng lớp hoa tiêu của xã hội. Từ đây, dư luận xã hội sẽ hình thành để vừa trực tiếp tác động tới thái độ của cơ quan công quyền, vừa hậu thuẫn đắc lực cho tiếng nói của những người trực tiếp tham gia vào công tác phản biện.

Thứ hai, nền dân trí cao là điều kiện nền tảng để hình thành nên một đội ngũ trí thức cho cộng đồng – đội ngũ mà về sau sẽ đảm nhận sứ mệnh tiền phong trong công tác phản biện xã hội. Trong một xã hội, trí thức là sản phẩm trực tiếp của hệ thống giáo dục và nếu xét đến tận ngọn nguồn, trí thức còn là tầng lớp mang dấu ấn cụ thể của một nền văn hóa mà họ sinh ra và trưởng thành trong đó. Cho nên, chất lượng dân trí, chất lượng văn hóa cộng đồng tác động mạnh mẽ đến chất lượng của đội ngũ trí thức. Ngược lại, giới trí thức cũng tác động trở lại đến chất lượng dân trí của cộng đồng trong vai trò của một tầng lớp hướng đạo về tri thức và tư tưởng. Một lô-gic mang tính phổ quát được vạch ra: trên một mặt bằng dân trí cao, tầng lớp trí thức phát triển thành một lực lượng xã hội độc lập, cầm trịch nền văn hóa công luận và không gian công cộng để đảm trách công việc khai sáng cộng đồng, phê phán/phản biện xã hội. Vậy là, nền tảng dân trí không chỉ trực tiếp tạo ra hoạt động phản biện, mà còn gián tiếp sinh thành nên chủ thể chính của công tác phản biện.

Vĩ thanh

Nếu các nội dung của phê bình/phê phán xã hội (social criticism) cung cấp một cơ sở lí thuyết cho khái niệm phản biện xã hội thì việc phân tích các vấn đề trọng tâm của khái niệm này sẽ cho phép chúng ta nhận thức đúng mực, khách quan hơn về nó với tư cách là một vấn đề thực tiễn. Là sự phản tư của các lực lượng xã hội đối với những kiến tạo chính sách, thể chế… trực tiếp liên quan đến quyền lợi của các thành viên trong cộng đồng, phản biện xã hội đã trở thành một cơ chế động năng cho quá trình vận động, đổi mới của xã hội. Tuy nhiên, để hóa thân thành hiện thực, phản biện xã hội cần đến những điều kiện cơ bản, trong đó quan trọng nhất là tính chất dân chủ của hệ thống thể chế, sự hiện diện của xã hội dân sự, năng lực – trách nhiệm của giới trí thức và nền tảng dân trí của cộng đồng. Trong bối cảnh Việt Nam, để cụ thể hóa các nội dung của Báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng về Công tác phản biện xã hội [7], việc xác lập và phát triển các điều kiện vừa nêu là những nhu cầu bức thiết đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm và lương tri của toàn thể các lực lượng xã hội. 

 
Chú thích

[1] Phạm Trọng Luật, Học thức và trí thức: lịch sử một trận phân thân, http://amvc.free.fr/Damvc/Khoa/KHXH/HocThucTriThuc1.htm

[2] Dẫn theo Paul Alexandre Baran (1961), Thế nào là người trí thức (Phạm Trọng Luật dịch), http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/Baran/BARANTRITHUC.htm)
[3] Alain Touraine (2003), Phê phán tính hiện đại (Nguyễn Kiến Giang dịch), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 561-563. [4] John Stuart Mill (2008), Chính thể đại diện (Nguyễn Văn Trọng dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội, tr. 10. [5] Dẫn theo Bùi Quang Minh (2011), Chia sẻ về sứ mệnh xây dựng chungta.com, http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Chia_se_ve_su_menh_xay_dung_chungta/?cPage=2#comments [6] Dẫn theo Bùi Văn Nam Sơn (2011), Văn hóa và văn hóa chính trị, http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/BuiVanNamSon/VanHoaVaVanHoaChinhTri-BVNS.htm [7] http://laodong.com.vn/Home/Phan-bien-xa-hoi/20087/96868.laodong.  

Phạm Quang Tú

Bài đã đăng trên VHNA số 21 – 10.3.2012