Pháp lệnh Quảng cáo đã phát sinh nhiều bất cập
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2010 cả nước đã có gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các doanh nghiệp đã từng bước mở rộng cả về quy mô, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp. Doanh thu từ hoạt động quảng cáo tăng dần theo hàng năm, ước đạt trên 840 triệu USD trong năm 2010.

Dự án Luật Quảng cáo được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh Quảng cáo có hiệu lực từ đầu năm 2002, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi một số quy định về quảng cáo trong các lĩnh vực chuyên ngành lại được quy định tại nhiều văn bản luật như Luật Thương mại, Luật Dược, Luật Xuất bản… Vì vậy, việc áp dụng các quy định về hoạt động quảng cáo gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp các văn bản luật có quy định khác với Pháp lệnh Quảng cáo.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần xem lại khái niệm quảng cáo để xác định rõ nội dung nào là quảng cáo mà quản lý và đánh thuế đối với quảng cáo. Theo bà Mai đối với những sản phẩm quảng cáo tự cho là “nhất”, “duy nhất”, “siêu” thì phải có căn cứ để xác định tính chất này. Do đó bà Mai đề nghị quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu khi cấp phép quảng cáo sai.
Về cơ quan quản lý quảng cáo, hiện đang có hai cơ quan thực hiện nhiệm vụ này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên nhiều ý kiến và cả dự thảo Luật đề nghị nên thống nhất cơ quan quản lý làm một và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý về quảng cáo.

Tại Dự thảo Luật Quảng cáo, các quy định về hoạt động quảng cáo trên báo chí đã quy định thông thoáng hơn so với Pháp lệnh Quảng cáo. Cụ thể, tăng tỷ lệ và quy định về diện tích quảng cáo trên báo in và tạp chí với hai mức khác nhau báo in không quá 15%, tạp chí không quá 20% (Pháp lệnh Quảng cáo quy định chung là báo in không quá 10%); tỷ lệ thời lượng quảng cáo của báo nói, báo hình lên 10% (Pháp lệnh Quảng cáo quy định không quá 5%).   Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, Pháp lệnh Quảng cáo chưa quy định được một số hành vi cấm quảng cáo như quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp; quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh; quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; quảng cáo bằng hình thức phát tờ rời, tờ gấp, dán, vẽ sản phẩm quảng cáo nơi công cộng không theo quy định, dùng đoàn người để quảng cáo.
Việc quy định về “cấm quảng cáo sản phẩm, hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép thực hiện tại thời điểm quảng cáo” không phù hợp với chiến lược tiếp thị, khai thác thị trường của các doanh nghiệp. Mặt khác, Pháp lệnh Quảng cáo chưa quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo.
Điểm đổi mới căn bản trong dự thảo đối với quy định cấm là liệt kê cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, quy định cụ thể các loại hàng hoá, dịch vụ bị cấm quảng cáo. Theo giải trình của Ban soạn thảo, việc quy định như vậy sẽ tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, giúp cho các đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo hiểu rõ những nội dung được làm và không được làm trong quá trình tham gia hoạt động quảng cáo.

Song, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng không nên quy định quá chi tiết về các mặt hàng bị cấm quảng cáo vì về sau sẽ phát sinh rất nhiều mặt hàng khác và không thể cứ sửa đổi luật thường xuyên được. Ông Lý cũng đề cập đến việc có thể bỏ giấy phép quảng cáo. Tuy nhiên, ông có nhấn mạnh vấn đề này cần cân nhắc, bởi nếu bỏ toàn bộ thì thị trường sẽ rất “loạn”. Theo đó, phải xem xét loại nào có thể bỏ được, loại nào không. Tại những nội dung cấm, Thường trực Quốc hội yêu cầu bổ sung thêm khoản cấm về hiện tượng các doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh, danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo, gây bức xúc trong dư luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng nếu làm rõ được những điều kiện thẩm quyền quảng cáo thì không cần phải cấp phép quảng cáo; nhưng nếu như chưa quy định cụ thể được như vậy thì phải cấp giấy phép. Nhiều ý kiến cũng đề nghị phải quy định cụ thể các hành vi quảng cáo trên phim, tức quảng cáo các sản phẩm thương mại trong mỗi bộ phim.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của bốn đối tượng tham gia quảng cáo (cơ quan muốn quảng cáo, đơn vị làm dịch vụ quảng cáo, cơ quan thông tin và cơ quan cấp phép quảng cáo) để tránh các sai phạm.

Nguồn: Báo Pháp luật và xã hội điện tử