Quản lý thị trường vàng: Vẫn bất ổn, ách tắc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bất ổn cung cầu

Từ đầu năm đến nay thị trường vàng chịu ảnh hưởng Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng và vàng nữ trang. Theo đó, sản xuất vàng miếng do NHNN độc quyền. Vàng miếng SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) không được gia công vàng miếng, chỉ làm theo đơn đặt hàng của NHNN.

Rất khó phân biệt vàng giả thương hiệu SJC, ngay trong SJC không phải ai cũng có thể phân biệt được. SJC đã thông báo đến khách hàng nếu phát hiện dưới 2 miếng vàng giả, sẽ không tịch thu nhưng hủy tại chỗ, sau đó trả cho khách hàng. Nếu phát hiện trên 3 miếng phải lập biên bản báo công an. SJC cũng khuyến cáo người dân nên mua vàng SJC có bao bì chống giả cao cấp. Riêng với khách hàng nhận tiết kiệm từ ngân hàng để tránh bị thiệt, khi nhận vàng nên đề nghị NHTM xác nhận số seri để có cơ sở đối chứng sau này.

Ông ĐỖ CÔNG CHÍNH,
Tổng giám đốc SJC

Mục tiêu lớn nhất của Nghị định 24 là kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Nhưng dường như “căn bệnh” này ngày càng trầm trọng hơn, khi vị thế độc tôn về thương hiệu đã khiến giá vàng SJC ngày càng cao so với vàng thế giới lẫn vàng nguyên liệu, trong đó vàng các thương hiệu khác sắp khai tử đang thấp hơn đến 3,2 triệu đồng/lượng.

Có thể nhận thấy nguồn cung vàng đang có dấu hiệu hạn chế khi Nhà nước không cho nhập vàng nguyên liệu. Trong khi nhu cầu mua vàng không chỉ từ khách hàng, mà còn từ các NHTM.

Bởi lẽ, một số NHTM những tháng đầu năm huy động vàng của dân để bán lấy tiền đảm bảo thanh khoản, đến thời điểm này khi giá vàng lên cao, người dân đi rút vàng đã buộc các NHTM phải tung tiền ra mua, dẫn đến giá vàng trong nước luôn đứng ở mức cao.

Ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC, cho biết thời gian qua NHNN cấp hạn mức cho SJC 903 kg vàng để dập từ vàng miếng SJC móp méo và vàng thương hiệu khác để can thiệp thị trường. SJC cũng nhận được giấy phép gia công vàng cho Ngân hàng Á Châu (ACB) với số lượng xấp xỉ. Được NHNN sẽ tiếp tục cấp nhiều giấy phép loại này nên SJC đang sẵn sàng dập vàng SJC đảm bảo cung ứng vàng cho thị trường.

Năm ngoái SJC đã từng cam kết trong điều kiện nguyên liệu đầy đủ sẽ bảo đảm sản xuất vàng miếng 50.000 lượng/ngày, thậm chí có thể hỗ trợ thị trường 80.000 lượng/ngày. Để thực hiện điều này, SJC đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, đầu tư máy dập, máy phân kim…

Nhưng do chính sách thay đổi, nên hiện tại SJC chỉ được dập để chuyển đổi vàng móp méo và vàng thương hiệu khác. Thị trường hiện có 8 thương hiệu vàng miếng, nhưng nhiều thương hiệu không đạt chuẩn vàng SJC, tỷ lệ sai sót có khi đến 30-40%.

“Trước đây, gia công nhanh hơn vì nguồn gốc vàng rõ ràng, trong đó vàng nhập khẩu thường không cần kiểm định kỹ, nhưng nay phải kiểm định từng miếng vàng thương hiệu khác nên ảnh hưởng tiến độ dập vàng” – ông Chính cho biết.

Nguy cơ vàng giả gia tăng

Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này đang là chu kỳ mua vàng vào của thị trường thế giới lẫn trong nước. Nếu NHNN không cho nhập vàng, sẽ rất khó kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống như mong muốn.

Công ty SJC vừa đề xuất NHNN cho dùng vàng nữ trang thấp tuổi, nguyên liệu giá rẻ từ vàng phân kim để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng SJC, nhằm giải quyết khan vàng miếng trên thị trường, đồng thời giảm chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, giải pháp này khó được NHNN chấp thuận, bởi thời gian qua NHNN chỉ siết và quản lý khuôn dập vàng SJC chứ không quản lý sản xuất vàng nữ trang, nên không loại trừ vàng lậu trôi nổi trên thị trường sẽ chuyển thành vàng phân kim hay vàng nữ trang để đưa đi tiêu thụ, gây sức ép lên tỷ giá.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện có nhiều ý kiến lo ngại nếu cho nhập vàng sẽ làm chảy máu ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá. Song thực tế nguồn dự trữ ngoại hối của nước ta đang dồi dào, việc nhập một vài tấn vàng không tác động quá nhiều đến tỷ giá, nhưng sẽ giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng.

“Ngoại tệ chảy ra nhưng vàng chảy vào, tức tiềm lực kinh tế trong dân vẫn còn. Vấn đề là NHNN có thể khơi thông được tiềm lực ấy như thế nào cho hiệu quả” – ông Nghĩa nói.

Có thể thấy khi thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông, dễ dẫn tới hệ lụy vàng giả thương hiệu SJC, cho dù NHNN quản lý, giám sát chặt chẽ khuôn dập vàng SJC. Theo phản ánh của nhiều tiệm vàng, gần đây vàng giả thương hiệu SJC xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu cách đây 1 tháng, vàng giả chủ yếu làm 2 chỉ, nay phổ biến 1 lượng. Nhiều khả năng nguồn gốc vàng giả từ Trung Quốc.

Do vàng nguyên liệu rẻ hơn SJC hơn 3 triệu đồng/lượng, giới “đầu nậu” làm vàng giả có thể lãi tương đương 3 triệu đồng/lượng. Đó là lý do vì sao vàng giả thương hiệu SJC gần đây được sản xuất với số lượng lớn, độ tinh vi ngày càng cao.

Nhiều chuyên gia nhận định nếu kéo dài tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong và ngoài nước, vàng giả thương hiệu SJC sẽ diễn ra trầm trọng hơn, không chỉ tổn hại uy tín và thương hiệu vàng quốc gia mà còn gây thiệt hại cho người dân.

Huy động vàng trong dân: chuyện cũ nói mãi

Theo quy định của NHNN, đến ngày 25-11-2012, các NHTM phải chấm dứt việc huy động vàng. Tuy nhiên hiện nay bên cạnh một số NHTM rút kỳ hạn huy động xuống còn 1-2 tháng với lãi suất 1%/năm (VietABank), có NHTM đã tăng lãi suất huy động vàng trở lại. Điều bất thường này xuất phát từ việc người dân rút vàng gửi trong NHTM để bán khi giá vàng tăng cao, khiến NHTM bị thiếu hụt thanh khoản vàng, phải tăng lãi suất huy động vàng để giữ chân người gửi nhằm cân bằng trạng thái vàng.

Cách duy nhất để giải quyết chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là cho phép kinh doanh vàng tài khoản trong nước và nước ngoài. Thực tế, trong pháp lệnh ngoại hối có nhắc đến việc thành lập vàng tài khoản. Tất nhiên, hoạt động này phải được thực hiện chặt chẽ thông qua hệ thống NHTM. Cụ thể, khi người dân có nhu cầu mua vàng đầu tư hay cất trữ, NHTM chỉ ghi số trên tài khoản vàng của khách hàng cá nhân với giá mua, bán… Giá vàng lên hay xuống, người dân lời hay lỗ có thể biết ngay. Khi đó, thị trường không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về để bán cho dân.

Ông Trương Văn Phước,
Tổng giám đốc Eximbank

Có thể thấy do hạn chế nhập siêu, nên NHNN rất thận trọng trong việc cho phép nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, với lượng vàng trong dân hiện nay khoảng 300-500 tấn, việc làm sao để huy động nguồn vàng này đưa vào phục vụ phát triển kinh tế là điều cần thiết.

Trước mắt có thể giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. Thực tế, trước đây NHNN có xây dựng đề án huy động nguồn lực vàng trong dân thông qua việc ủy quyền cho các tổ chức tín dụng, nhưng đến nay đề án này vẫn nằm trên giấy.

Chủ trương của Chính phủ và NHNN là chống vàng hóa nền kinh tế. Nhưng theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay không thể dùng biện pháp hành chính cấm người dân mua vàng hoặc hạn chế cung vàng cho dân, mà làm thế nào để khơi thông nguồn lực vàng trong dân.

Huy động vàng trong dân không chỉ giúp các NHTM trở lại các dịch vụ liên quan đến vàng, mà quan trọng hơn là tạo khuôn khổ pháp lý để đảm bảo về quyền tài sản là vàng của dân.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng đề án huy động vàng của NHNN nên theo hướng cho phép các NHTM quay trở lại huy động vàng với tư cách là đại lý nhận ủy thác. Họ sử dụng lượng vàng huy động này mua tín phiếu của NHNN.

NHNN có thể sử dụng nguồn vàng huy động này để can thiệp thị trường, bằng cách bán vàng ra thông qua hệ thống NHTM. Số  vàng này có thể đem về NHNN hay để lại kho các NHTM.

Tùy vào tình hình cụ thể, NHNN có thể đem hoán đổi (swap) với các ngân hàng nước ngoài để thu ngoại tệ, hoặc có thể ủy thác cho các ngân hàng hoán đổi với ngân hàng nước ngoài. Lượng ngoại tệ thu được này là khoản mục của cán cân thanh toán, làm tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Việc NHNN huy động vàng và thực hiện các nghiệp vụ nói trên không chịu rủi ro, bởi NHNN không bán vàng mà chỉ hoán đổi có kỳ hạn, đồng thời có thể bảo hiểm rủi ro trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đến nay đề án huy động vàng của NHNN vẫn là một dấu hỏi.

Trong bối cảnh giá vàng sốt lên từng ngày, sự chậm trễ của việc ban hành đề án huy động vàng đang hướng thị trường vàng đến những biến tướng ngoài mong muốn của cơ quan chức năng, mà người thiệt hại cuối cùng vẫn là người dân. Điều này đi ngược với Nghị định 24 của Chính phủ là bảo đảm quyền cất trữ, mua bán và tài sản bằng vàng của người dân.

MAI THẢO – THIÊN NGÂN
Nguồn:
www.saigondautu.com.vn