Quốc hội chủ động, thích ứng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trần Đình Gia – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Quốc hội cùng với cả hệ thống chính trị đã đưa những quyết sách sáng tạo, mạnh mẽ, đồng hành với Chính phủ ứng phó kịp thời với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Mỗi quyết sách đều ghi dấu sự đổi mới, bứt phá, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân ta, vì một xã hội ấm no, hạnh phúc.

Đổi mới cách thức để thích ứng với điều kiện thực tiễn

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Quốc hội đã kịp thời đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV lần đầu tiên kết hợp giữa họp trực tuyến với tập trung phù hợp và linh hoạt. Việc áp dụng hình thức họp trực tuyến bảo đảm công tác phòng, chống dịch và tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã rút ngắn thời gian họp tập trung (trong thời gian 9 ngày), tranh thủ làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật nhưng vẫn bảo đảm chương trình, nội dung và chất lượng theo yêu cầu; đồng thời, dành thời gian tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch. Với phương châm “một lộ trình hai điểm đến”, việc ăn nghỉ tập trung, công tác hậu cần, kỹ thuật, báo chí… đều thích nghi điều kiện phòng chống dịch, bảo đảm chu đáo, nghiêm túc.

Sau kỳ họp, lần đầu tiên nhiều Đoàn ĐBQH các tỉnh tổ chức TXCT trực tuyến. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp xúc trực tuyến với cử tri thành phố Hải Phòng với hơn 200 điểm cầu và 5.000 cử tri tham dự. Hoạt động TXCT vẫn bảo đảm sự thông suốt, kết nối giữa đại biểu và cử tri, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp, tiếp thu kịp thời, đầy đủ.

Quyết sách tạo cơ sở pháp lý vững chắc phòng, chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, các ĐBQH đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, đề xuất các giải pháp tăng cường phòng chống dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cùng Quốc hội đưa ra những quyết sách có ý nghĩa quan trọng.

Trong năm 2020, Quốc hội, Chính phủ tích cực, chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra thành công tốt đẹp.

Bước vào năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội Khóa XV đã điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình, ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 với những biện pháp cấp bách áp dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.

Nghị quyết xuất phát từ các cơ sở chính trị quan trọng, vào thời điểm đặc biệt có tính lịch sử của Kỳ họp thứ Nhất, đúng thẩm quyền của Quốc hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước. Để phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Tổ công tác tham mưu cụ thể hóa các nội dung, giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, tập hợp các kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách và các giải pháp khắc phục nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham luận về “Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19” tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5

Ảnh: quochoi.vn 

Phát huy hiệu quả công tác đối ngoại – Huy động tối đa nguồn lực

Do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội đồng AIPA-41 do Quốc hội Việt Nam chủ trì được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tiếp nối kinh nghiệm AIPA-42 cũng được tổ chức theo hình thức này và đã thành công rất tốt đẹp. Trong đó, Quốc hội Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là trong ứng dụng khoa học công nghệ nhằm kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19; đề xuất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và phân phối bình đẳng vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, có các giải pháp phục hồi sản xuất kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, tháo gỡ các rào cản thông qua khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã trực tiếp tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, kết hợp làm việc tại Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và thăm chính thức Phần Lan. Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc điện đàm trực tuyến với lãnh đạo các nước như: Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội các nước: Thái Lan, Singapore, Campuchia, Hungary…

Trong các hoạt động đối ngoại, Quốc hội Việt Nam nói chung và người đứng đầu Quốc hội nói riêng đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến thiết thực, hiệu quả góp phần ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế, đóng góp chung vào công cuộc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, nâng cao vị thế, vai trò và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế; đồng thời, làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương của Việt Nam với các đối tác, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới. Trong các hoạt động đó, người đứng đầu Quốc hội cũng đã tích cực, chủ động tập trung thực hiện “ngoại giao vaccine” kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận nhanh nhất, nhiều nhất vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế cho Việt Nam.

Có thể thấy, bằng những quyết sách và hành động cụ thể “Quốc hội, các vị ĐBQH đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, chia sẻ, sát cánh, đồng hành với cả hệ thống chính trị, Chính phủ và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.